Chiều 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về kế hoạch và phương án tổng thể xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Tại cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém tại một số dự án và doanh nghiệp kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Đến nay, có một số dự án được đưa vào hoạt động và một số dự án được xử lý với hình thức phù hợp.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị tổ công tác báo cáo Ban Chỉ đạo để xem xét xử lý từng dự án cụ thể cũng như báo cáo Thường trực Chính phủ. Tinh thần là không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản Nhà nước; nếu phục hồi được thì cố gắng phục hồi, còn không thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý…
Trước đó, trong cuộc họp chuyên đề của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phân loại cụ thể các dự án gồm: Nhóm 1 gồm các dự án phục hồi có lãi; nhóm 2 là các dự án có thể tái cơ cấu để phục hồi chuyển lên nhóm 1; nhóm 3 gồm các dự án không thể tái cơ cấu, phục hồi, kiên quyết cho phá sản, giải thể, hoặc phương án khác để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước.
12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương với tổng mức đầu tư ban đầu là 43.673,55 tỷ đồng, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 63.610,96 tỷ đồng (trong đó, cơ cấu vốn chủ sở hữu/ vốn vay là 14.350,04 tỷ đồng/47.451,24 tỷ đồng).
Đến ngày 31/8/2018, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận ước đạt 146,827 tỷ đồng; Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận ước đạt 686 tỷ đồng), 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn.
3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ vận hành trở lại 3 dây chuyền; 2 dự án còn lại là Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã chuẩn bị xong phương án khởi động lại nhà máy.
Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, thuộc 12 dự án thua lỗ, đến nay, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không muốn tiếp tục triển khai Dự án; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC…