12 câu nói càng nghe càng khiến bạn chìm vào nợ nần

SA/ DESIGN: TRƯỜNG DƯƠNG |

Vòng luẩn quẩn nợ nần sẽ còn mãi nếu bạn vẫn đang chìm đắm trong những điều dối trá này.

Nợ nần là chuyện bình thường như thức dậy và đánh răng vào mỗi buổi sáng. Không ít thì nhiều, không lớn thì nhỏ, phần lớn trong trong chúng ta từng cũng phải đối mặt với ít nhất một khoản nợ trong đời. Thế nhưng nó bình thường không có nghĩa là nó tốt cho bạn nếu không muốn nói là dại dột.

Những khoản nợ có thể cướp đi hiện tại lẫn tương lai của bạn, khiến bạn bị mắc kẹt và không bao giờ có thể mơ đến 2 chữ giàu có. Và đôi khi vì vướng vào nợ nần chồng chất mà người ta không tìm được lối thoát.

Nhưng trước khi nhận ra được điều này, thay vì thực hiện những bước để không phải vay mượn ai đó hoặc ở đâu đó, người ta lại đưa ra đủ loại lý do để tiếp tục mắc nợ dù cho tất cả chỉ là dối trá. Thế nên đừng sập bẫy bất kì những lời nói dối cực quen thuộc dưới đây:

1. "People make complicated" chứ ai mà chẳng nợ!

Như đã đề cập ngay từ đầu, việc nợ nần kề cổ là hoàn toàn bình thường. Một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang (Hoa Kỳ) cho biết có đến 80% người Mỹ đang mắc nợ, tức là cứ 10 người thì có 8 người đang vướng một khoản nợ.

Còn bạn, bạn đã nghe bao nhiêu lần những câu nói như:

- Bạn cần phải có một điểm tín dụng tốt! (Không, bạn không cần nếu không xài thẻ tín dụng)

- Bạn có thể trả cùng lúc tiền mua xe trả góp và tiền vay vốn sinh viên. (Khó lắm bạn ơi!)

- Có nợ mới có động lực kiếm tiền! (Không có nợ thì người ta vẫn cứ lao vào kiếm tiền đấy thôi)

Đó rõ ràng là những lời nói dối mà chúng ta nghe thấy khắp nơi. Có gì tuyệt vời khi nợ nần người khác thứ gì đó? Không gì cả. Còn nếu bạn tin rằng thật dễ để duy trì khoản nợ của mình thì xin thưa rằng, chẳng có khoản nợ nào mà không bị đòi cả, trước sau gì bạn cũng phải trả cho người ta mà thôi.

Nếu nợ nần là chuyện bình thường thì hãy chọn cách trở nên kỳ quặc đi!

12 câu nói càng nghe càng khiến bạn chìm vào nợ nần - Ảnh 2.

2. Tính nhẩm thua cả học sinh Tiểu học thì nợ là đúng rồi

Rất nhiều người đang mắc nợ nghĩ rằng họ phải là một chuyên gia tính toán thì mới hiểu và thành công trong chuyện tiền nong, hoặc ít nhất là không lâm vào cảnh nợ nần. Tuy nhiên đó là một suy nghĩ sai lầm.

Bây giờ có rất nhiều lời khuyên về chi tiêu của các chuyên gia tài chính, những app quản lý tiền bạc giúp bạn làm việc này. Không những thế chúng cũng rất dễ hiểu và dễ sử dụng, không phải là môn toán cao cấp hay xác suất thống kê từng khiến bạn điêu đứng hồi học đại học.

3. Cày cuốc sấp mặt làm gì? Nợ vẫn hoàn nợ thôi!

Cho dù mất 6 tháng hay 6 năm thì bạn vẫn có thể trả hết nợ, bất chấp thu nhập của bạn thế nào, đ​​iều duy nhất cần có là sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhưng tất nhiên càng kiếm được nhiều tiền hơn thì bạn sẽ thoát cảnh nợ nần nhanh hơn.

Ngày nay bạn có rất nhiều cách để tăng thu nhập. Nếu có thời gian, bạn có thể nhận thêm một việc part-time, chạy xe ôm công nghệ, giao hàng,... Nếu không có thời gian tại sao không thanh lý hết những món đồ chỉ mới mặc vài lần hoặc đồ đạc linh tinh, không sử dụng đến? Ngoài ra cũng có thể đã đến lúc bạn yêu cầu được tăng lương sau những cống hiến cho công ty hoặc tìm một việc nào đó có mức lương cao hơn.

12 câu nói càng nghe càng khiến bạn chìm vào nợ nần - Ảnh 4.

4. Nhịn một bữa ăn nhà hàng không giúp bạn trả nợ nhanh hơn

Một bữa thì không được bao nhiêu nhưng nhiều bữa thì lại là chuyện khác. Vì vậy mà đôi khi việc bạn cần làm không phải là kiếm nhiều hơn - mà là chi tiêu ít đi, tự nguyện giảm bớt một vài khoản chi.

Thật khó để từ bỏ hoàn toàn việc ăn uống ngoài hàng hay những chuyến nghỉ mát nhưng hãy nhớ rằng những hi sinh tạm thời này sẽ đem lại sự ổn định lâu dài về tài chính. Muốn dứt khoát được điều này, hãy tự hỏi bản thân: Mình sẵn sàng từ bỏ điều gì ở hiện tại để có thể thoát khỏi cảnh cứ mãi nợ nần này?

Không ai bắt bạn phải dừng mọi nhu cầu ngay lập tức mà nên bắt đầu với những hi sinh nhỏ. Thay vì ăn tối ngoài hàng 3 bữa/ tuần hãy giảm xuống 1 bữa. Thay vì kỳ nghỉ mát tẹt ga kéo dài 1 tuần hãy nghĩ đến việc đi du lịch gần trong 2 ngày cuối tuần. Số tiền tiết kiệm được hãy dành để trả nợ đi nhé!

5. Trên đời này làm gì có ai ăn tiêu theo kế hoạch?

Một số người thậm chí không biết đang nợ bao nhiêu (hoặc số tiền cần phải trả là bao nhiêu), bởi không có ngân sách rõ ràng và không theo dõi nó.

Những người này tin vào một suy nghĩ giả dối rằng có ngân sách sẽ hạn chế việc chi tiêu thoải mái, tức là hạn chế sự tự do. Nhưng thực tế là việc thiết lập ngân sách đang mang lại sự tự do, giải thoát bạn khỏi khoản nợ.

12 câu nói càng nghe càng khiến bạn chìm vào nợ nần - Ảnh 5.

Thật ra lập ngân sách không khó, điều khó là bạn phải nỗ lực làm theo những gì đã vạch ra. Và nếu không đủ kiên nhẫn và kiên định để ghi chép từng khoản thu - chi, hãy để những app chi tiêu thực hiện giúp bạn.

6. Chẳng lẽ lại để thua kém "nhà người ta"

Đồng nghiệp vừa tậu iPhone 13, bạn nghĩ mình cũng phải sắm một chiếc chứ không thể kém cạnh được. Đứa bạn hồi đại học vừa khoe căn chung cư 2 phòng ngủ xịn xò lên Facebook kèm caption "Home sweet home", bạn cũng muốn có mái ấm của riêng mình dù có phải gánh một khoản nợ khổng lồ đi chăng nữa.

Có một thành ngữ mô tả tâm lý này là "keep up with the Joneses" (Tạm dịch: Cố cho bằng nhà Jones). Nói một cách dễ hiểu, đây là tâm lý thấy hàng xóm hoặc những người xung quanh có gì mới liền đi mua theo cho bằng được vì sợ bị đánh giá không bằng bạn bằng bè.

Vấn đề nằm ở chỗ nhà Jones có thể trông giống như có tất cả và giàu có nhất nhưng họ lại thường là người rơi vào cảnh phá sản sớm nhất. Và nếu không cẩn thận, bạn cũng sẽ phá sản như vậy nếu cứ cố gắng theo kịp mọi động thái của những người xung quanh.

Nếu muốn ngừng mắc nợ, đừng để những người đang mắc nợ làm hình mẫu cho mình.

12 câu nói càng nghe càng khiến bạn chìm vào nợ nần - Ảnh 6.

7. "Tôi muốn có nó! Ngay bây giờ!"

Rất nhiều người mắc nợ vì niềm đam mê vật chất khi nghĩ rằng càng có nhiều vật chất xung quanh sẽ càng cảm thấy mạnh mẽ và tự tin. Thậm chí khi không thể mua được những thứ đó, họ sẽ suy sụp. Nhưng tất cả đều là giả dối.

Thẻ tín dụng và mô hình trả góp đã làm thay đổi ý nghĩa của việc thực sự có thể mua được thứ gì đó. Người ta vẫn ra rả rằng "Hãy mua nó ngay bây giờ đi rồi trả tiền sau cũng được". Đó là suy nghĩ sẽ khiến bạn rơi thẳng vào 1 đống nợ. Thực tế là tổng các khoản trả góp mỗi tháng sẽ nhiều hơn so với số tiền phải chi nếu bạn đủ tiền mua nó ngay lập tức. Thế nên đừng mua những thứ mà bạn không sẵn tiền mặt để trả.

8. Nợ quen rồi nên hết nợ lại thấy... thiếu thiếu

Có thể hơi kỳ cục nhưng nhiều người cảm thấy không thoải mái khi không vướng nợ nần gì sau một thời gian dài luôn sử dụng thẻ tín dụng, luôn phải trả góp tiền mua nhà/ xe,... Lý do chủ yếu chính là ở thói quen.

Cách đây vài ngày, một người đồng nghiệp cũ của tôi đã cập nhật một sự kiện trên Facebook để đánh dấu sự trưởng thành khi... đóng thẻ tín dụng. Nghe có vẻ làm quá nhưng dùng thẻ tín dụng giống như đun nóng bạn từ từ trong một nồi nước. Thoạt đầu rất ấm cúng và thoải mái, đến khi bạn nhận ra tình cảnh thì đã bị luộc sống mất rồi.

12 câu nói càng nghe càng khiến bạn chìm vào nợ nần - Ảnh 7.

Chúng ta biết rằng cố gắng trả một núi nợ là đáng sợ và quá sức. Nhưng hãy luôn ghi nhớ điều này, hàng triệu người khác có xuất phát giống bạn và sống không hề nợ nần gì, nếu họ làm được thì bạn cũng làm được!

9. Trả lãi và trả góp đúng hạn rồi thì cứ "enjoy cái moment" này đi!

Hẳn là sẽ có những người chống chế với những khoản nợ rằng: "Miễn là tôi thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng, đó không phải là vấn đề lớn". Thực tế thì đó là vấn đề lớn và bạn sẽ phải trả một cái giá đắt cho nó.

Chẳng hạn thẻ tín dụng của bạn có phí ẩn, món đồ mua trả góp lãi suất 0% thực chất là đã cộng lãi suất vào giá của sản phẩm (chưa kể khoản tiền gọi là phí bảo hiểm của hợp đồng trả góp),... Về cơ bản, không có khoản nợ nào là không có lãi nên hãy ưu tiên trả càng sớm càng tốt.

10. Tiền ai người nấy tiêu, nợ ai người nấy trả

Tiền bạc và các mối quan hệ có thể là chuyện khó nói nhưng sẽ còn tệ hơn nếu một cặp vợ chồng không có cùng quan điểm. Ví dụ một trong 2 người hoàn toàn không muốn mắc nợ nhưng người kia lại cho rằng những khoản nợ chẳng có gì tệ. Vậy thì nghe này, đây không phải là lúc để bất đồng.

Một điều quan trọng nữa là khi đã thành vợ chồng thì không phải "tiền của tôi" hay "tiền của anh ấy/ cô ấy" mà là "tiền của chúng ta". Người ta vẫn bảo "muốn đi nhanh hãy đi một mình muốn đi xa hãy đi cùng nhau" và chuyện nợ nần cũng vậy. Nếu muốn thoát khỏi cảnh nợ nần, 2 vợ chồng phải cùng một phe và hãy giải quyết cùng nhau nhé!

12 câu nói càng nghe càng khiến bạn chìm vào nợ nần - Ảnh 9.

11. Thẻ tín dụng để phòng thân khi khẩn cấp ấy mà

Thoát khỏi nợ nần là một điều tuyệt vời. Nhưng nếu vẫn tiếp tục giữ thẻ tín dụng đó để dùng trong trường hợp khẩn cấp thì chuyện gì cũng có thể thành khẩn cấp để bạn dùng mà thôi.

Xe gặp sự cố? Khẩn cấp.

Không đủ tiền khi đi siêu thị? Khẩn cấp.

Quà cáp vào mùa lễ hội sắp tới? Khẩn cấp!

...

Và kết quả không khó hình dung, bạn lại phải gánh 1 chiếc thẻ tín dụng đầy ắp nợ.

Để tránh mắc nợ, giải pháp ví dụ cho những tình huống kể trên là mua bảo hiểm xe cộ, bỏ bớt đồ đạc ra khỏi giỏ hàng, cân nhắc chi phí quà cáp. Còn nói chung, những lúc thực sự khẩn cấp như ốm đau, tai nạn,... thì bạn vẫn còn quỹ khẩn cấp mà bạn tiết kiệm bấy lâu cơ mà.

12. "Đơn giản là tôi không thể!"

Vẫn biết rằng thoát khỏi nợ nần là không dễ dàng vì nó cần rất nhiều sự chăm chỉ và kỉ luật. Nhưng nó không phải là không thể.

Hãy bắt đầu công cuộc trả nợ bằng cách liệt kê các khoản nợ từ nhỏ đến lớn (tạm bỏ qua chuyện lãi suất). Sau đó vẫn thanh toán các khoản cần phải trả mỗi tháng (tiền lãi, trả góp,...) như bình thường nhưng khoản nợ nhỏ nhất cần được quan tâm nhất. Hãy trả nó bằng tất cả những gì bạn có thể có như tiền làm thêm, tiết kiệm và trả nhanh nhất có thể.

Sau khi trả hết món nợ đầu tiên, tiếp tục mang số tiền đang góp để trả nó chuyển sang món nợ thứ 2. Duy trì quy luật này đến món nợ cuối cùng là bạn đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại