Bạn được đánh giá là một nhà chỉ huy tài ba không chỉ bởi bạn được cấp dưới nộp báo cáo theo định kỳ hay mức thu nhập hàng tháng đạt đến con số đáng ngưỡng mộ, mà đó là khi bạn có khả năng tìm ra những tiềm năng nhỏ nhất của người khác và biết cách phát huy tối đa lợi ích của nó.
"Nếu hành động của bạn truyền cảm hứng cho mọi người ước mơ xa hơn, học hỏi nhiều hơn, làm việc tích cực hơn và thu được thành tựu lớn lao hơn thì bạn là một nhà lãnh đạo chân chính" - John Quincy Adams
Câu hỏi thực sự đặt ra ở đây là: "Bạn là nhà lãnh đạo bẩm sinh hay là một chú ong thợ cần mẫn?"
Để tìm ra câu trả lời, bạn cần đối diện với chính mình và tự hỏi bản thân một số câu hỏi vô cùng quan trọng dưới đây. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra câu trả lời, chắc chắn bạn sẽ khai phá được thế mạnh thực sự thuộc về mình.
Bạn có phải người luôn muốn dấn thân và vượt qua những giới hạn của bản thân hay không?
Những nhân viên bình thường luôn cố gắng hoàn thành phần công việc của mình, nhưng chỉ dừng lại ở mức hoàn thành mà thôi.
Bất kể họ làm việc có giỏi đến mấy, nhưng hiếm khi chủ động hoàn thành ngoài phần trách nhiệm cơ bản được giao.
Ngược lại, những người có tố chất lãnh đạo luôn coi yêu cầu công việc chỉ là mức tối thiểu họ phải đạt được.
Đối với những người lãnh đạo, nhiệm vụ của họ là mang lại càng nhiều giá trị và luôn sẵn sàng làm điều đó bất cứ khi nào có cơ hội.
Bạn có là người tự tin?
Những chú ong thợ cần mẫn luôn coi tài năng và thành tựu của người khác là một nguy cơ. Đôi khi, họ còn cảm thấy sợ hãi chẳng vì lí do gì cả, đôi khi họ lo sợ vị trí của mình bị lung lay bởi thành công của người khác.
Tuy nhiên, người có tố chất lãnh đạo sẽ thấy những tài năng và thành tựu mới chính là một loại "tài sản có giá trị".
Họ muốn cải thiện mọi thứ và không cho phép có bất cứ một sai sót nào cả. Dù tồn tại với vai trò một người chỉ huy nhưng họ cũng chính là đồng đội đích thực trong team.
Tố chất lãnh đạo không cho phép họ lo sợ khi có đồng đội giỏi hơn mình, không e ngại khi cần nhắc nhở mọi người về điểm yếu và liên tục thúc đẩy đồng nghiệp phát huy thế mạnh.
Bạn có là người lạc quan?
Một nhân viên bình thường chỉ có thể làm tốt công việc trong những giới hạn vốn có, còn những người ở vị trí lãnh đạo lại thấy những khả năng trong đó.
Chính vì vậy, khi có vấn đề phát sinh, những người dẫn đầu hiếm khi tập trung vào sự nghiêm trọng của vấn đề mà họ nỗ lực tìm cách giải quyết nó.
Bạn có là người linh hoạt?
Có những người không thể đảm nhận được vị trí lãnh đạo bởi họ thường mắc kẹt trong vùng an toàn của chính mình.
Họ ngại thay đổi, thậm chí sợ hãi phải thay đổi bởi những rắc rối sẽ gặp phải.
Ngược lại, một nhà lãnh đạo tài ba là người sẵn sàng chơi đến cùng, họ nhìn thấy cơ hội trong những biến động, luôn tự hỏi bản thân hoặc đồng đội: "Vậy chúng ta cần làm gì tiếp theo?"
Bạn là người quyết đoán?
Những người cần sự dẫn dắt của người khác thường e ngại hành động, đưa ra quyết định và sợ hãi khi phải "đứng mũi chịu sào", còn những người dẫn đầu luôn cố gắng lăn xả bất chấp nỗi sợ hãi.
Họ thà đưa ra quyết định sai rồi nỗ lực để sửa sai, còn hơn đứng đó khoanh tay bất lực mà không dám làm gì cả.
Bạn có là người dám chịu trách nhiệm?
Khi mắc sai lầm, nhiều người sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho những người khác hay đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Tuy nhiên, nếu có tố chất lãnh đạo, bạn sẽ lập tức nhận trách nhiệm về mình và chẳng bao giờ lo lắng về việc nhận sai liệu có làm mất hình ảnh của bản thân.
Những con người với "cái đầu" chiến lược luôn ý thức được vấn đề sẽ càng tệ hại khi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Bạn có phải người điềm tĩnh?
Những nhà lãnh đạo tài ba luôn sẵn sàng đón nhận trở ngại và yêu thích những thách thức.
Một nhà chiến lược tài ba hiểu rõ rằng ngay cả kế hoạch chu đáo nhất cũng có lúc không thành và phát sinh vô số vấn đề không lường trước được, họ học cách chấp nhận thực tế, giữ vững tinh thần và lập trường của bản thân.
Bạn có là người khiêm tốn?
Nhiều người luôn muốn khoe khoang những gì tự bản thân mình cho là mình hơn người, tuy nhiên một người có tố chất lãnh đạo là những người sở hữu tính khiêm nhường.
Người đứng đầu không có nghĩa chỉ cần đứng chỉ tay năm ngón, mà là người không ngại lăn xả vào những công việc nhỏ nhặt nhất khi cần, không ép buộc ai đó làm điều gì khi người ta chưa sẵn sàng.
Bạn có đam mê với công việc?
Chắc hẳn tất cả chúng ta đều không tránh khỏi những lúc bị thế giới ngoài kia chi phối gây xao nhãng? Đôi khi, công việc trở thành nghĩa vụ và lúc trở về nhà mới là khi cuộc sống thực sự bắt đầu.
Đó là biểu hiện của bệnh thiếu sinh khí, xuất hiện ở những người không có đam mê với công việc.
Những người dẫn đầu đạt được thành công là bởi họ làm việc vì những điều quan trọng với bản thân, đam mê và dồn hết tâm sức vào đó. Công việc không chỉ là công việc mà đó là nơi phản ánh chính con người họ.
Bạn có là người biết tự tạo động lực cho mình?
Những chú ong thợ luôn cần ai đó bên ngoài tác động vào bản thân: chẳng hạn thăng chức, tăng lương, hứa hẹn giao thêm các dự án thú vị. Nhưng tố chất lãnh đạo thực thụ nằm ở chỗ bạn luôn biết cách tự động viên mình.
Hiếm khi có CEO giỏi nào lại làm việc chỉ vì danh tiếng và tài sản đúng không? Họ luôn muốn trở nên xuất sắc hơn nữa bởi đó mới chính là điều quan trọng nhất.
Bản thân chính là đối thủ đáng gờm nhất, luôn nỗ lực tiến về phía trước dù không còn đối thủ bên ngoài, mỗi sáng thức dậy họ phải đánh bại bản thân mình của ngày hôm qua.
"Nghệ thuật lãnh đạo chân chính là nhìn ra mặt tốt đẹp nhất trong con người và tận dụng tiềm năng đó cho những mục tiêu tích cực."
Bạn có khao khát học hỏi?
Dù tự tin về bản thân nhưng những người có tố chất lãnh đạo luôn cố gắng tìm ra thiếu sót của bản thân để hoàn thiện, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình và mọi người, bởi chẳng ai trên đời này là hoàn hảo cả.
Họ không sợ phải thừa nhận khi không biết điều gì và học hỏi từ bất cứ ai dù người đó có là cấp dưới, đồng nghiệp hay cấp trên đi chăng nữa.
Từ khao khát hoàn thiện đến khao khát học hỏi, người chỉ huy không phải luôn hơn người khác một cái đầu, mà còn biết lắng nghe phản biện, tư duy hợp lý và học hỏi không ngừng nghỉ nữa.
Hãy đọc thật nhanh lại toàn bộ câu hỏi bên trên một lần nữa, từ từ học cách áp dụng vào cuộc sống rồi thành công sẽ đến với bạn một cách xứng đáng.
Lãnh đạo không chỉ là cái mác, vị trí hay cơ cấu tổ chức. Đừng chỉ ngồi đó thán phục hay ngưỡng mộ một người bạn, người sếp hay đồng nghiệp.
Người có tố chất lãnh đạo hay người bình thường chỉ khác nhau ở tư duy? Thay vì thấy một mớ nhiệm vụ, hãy biến chúng thành những triển vọng.
Thay vì thấy những vấn đề phát sinh, hãy biến chúng thành cơ hội để thử thách bản thân. Thay vì giấu dốt, hãy lao vào học hỏi đi.
Tố chất lãnh đạo không phải là thứ trên trời rơi xuống hay ai đó tự động mang đến mà đó là điều chúng ta phải nhặt nhạnh, tích góp, rèn luyện mỗi ngày.