Khu vực 51 là tên gọi thường dùng cho một khu vực quân sự được phân loại cấp cao của Không quân Hoa Kỳ, nằm bên trong vùng thử nghiệm Nevada. Tên chính thức của khu vực là Sân bay Homey (mã ICAO: KXTA)
Khu vực 51 nằm ở phía nam của tiểu bang Nevada, miền Tây Hoa Kỳ, cách thành phố Las Vegas 134 km về phía bắc tây bắc, nằm trên bờ phía nam của Hồ muối Groom.
Khu vực rộng hàng trăm kilomet đã được sử dụng bởi Không quân Hoa Kỳ từ năm 1955, chủ yếu cho các chuyến bay thử nghiệm của máy bay Lockheed U-2 và một số dự án khác sau đó
Sở dĩ, nơi đây được liệt vào hàng bí ẩn nhất thế giới bởi những đồn đoán cho rằng, Khu vực 51 là nơi một phi thuyền của người ngoài hành tinh gặp nạn tại Roswell vào năm 1947.
Tuy Chính phủ Mỹ luôn kín tiếng về những hoạt động bên trong Khu vực 51 nhưng chính hàng loạt chủ đề về khu vực này được giới truyền thông khai thác triệt để biến nơi đây trở nên huyền bí và thu hút sự quan tâm của thế giới. Thậm chí, không ít tài liệu chưa được kiểm chứng còn cho rằng, Khu vực 51 là nơi cất giấu xác người ngoài hành tinh gặp nạn tại trái đất.
Những chiếc máy bay 'kỳ quặc'
Trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Mỹ luôn phủ nhận sự tồn tại của khu vực quân sự cao cấp này. An ninh nghiêm ngặt, các hàng rào sắt bao xung quanh, người dân xung quanh thi thoảng bắt gặp những chiếc máy bay màu đen có hình thù lạ kỳ…
U-2 Dragon Lady
Đầu những năm 1950, khi Chiến tranh Lạnh đang đạt tới đỉnh điểm, CIA muốn phát triển một chiếc máy bay gián điệp có thể hoạt động ở tầm cao 22km và tránh được radar của Liên Xô. Kết quả là, một dự án bí mật mang tên Project Aquatone đã đem lại cho Mỹ chiếc máy bay U-2 với những đường nét sắc sảo và gọn ghẽ.
U-2 được thiết kế bởi Clarence “Kelly” Johnson, người sáng lập bộ phận Dự án Phát triển Cấp cao của Lockheed Martin. Điều đặc biệt, nhà thầu quân sự Mỹ đã nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc máy bay này tại trụ sở ở thành phố Burbank, bang California chỉ vỏn vẹn 8 tháng. Sau đó, chiếc U-2 được đem đi thử nghiệm tại Khu vực 51.
Không những vậy, chiếc U-2 đã tiêu tốn khá nhiều công sức của Mỹ. Các kỹ sư của Lockheed phải tìm một loại nhiên liệu không thể bốc hơi trên độ cao 22km và phát triển bộ đồ điều áp giúp cho các phi công sống sót ở độ cao như vậy. Tuy nhiên, công nghệ đằng sau bộ đồ này được áp dụng cho công cuộc chinh phục vũ trụ của Mỹ sau này.
Thực tế, ngay từ tháng 7/1956, khi lần đầu tiên Mỹ cho U-2 bay vào lãnh thổ Liên Xô trinh sát, quân đội Liên Xô đã phát hiện ra vị khách không mời mà đến này. Nhưng do không có hoả lực đạt tới tầng cao như vậy, họ đành chỉ "nhìn trời than thở" trong suốt 4 năm liền và Mỹ thu thập được vô cùng nhiều tin tức tình báo quý giá.
Tuy nhiên, vào tháng 5/1960, khi phi công gián điệp Mỹ Francis Gary Powers bay chiếc U-2 tới thành phố Sverdlovsk, quân đội Liên Xô đã chờ sẵn và bắn hạ chiếc máy bay, bắt sống phi công và buộc Mỹ phải thừa nhận đã có những hành vi gián điệp.
Sau đó, Tổng thống Mỹ Eisenhower đành phải dừng hoạt động của U-2 trên bầu trời Liên Xô, nhưng Không quân Mỹ đã có kế hoạch phát triển những chiếc máy bay nhỏ hơn, nhanh hơn và có khả năng tàng hình tốt hơn.
A-12 Oxcart & SR-71 Blackbird
Bắt đầu đi vào phát triển năm 1957, Project Oxcart đã đem lại cho Không quân Mỹ hai chiếc máy bay có thể bay cao nhất và nhanh nhất lịch sử: chiếc A-12 một chỗ ngồi và SR-71 Blackbird hai chỗ ngồi.
A-12 có hai động cơ phản lực, với chiếc thân dài và ngoại hình giống rắn hổ mang. Chiếc máy bay siêu âm A-12 do Lockheed Martin chế tạo nhưng để ngụy trang, các phi công phải gọi là "Oxcart" (Xe bò).
Clarence “Kelly” Johnson chế tạo chiếc A-12 theo yêu cầu của CIA để thay thế cho chiếc U-2 đầy điểm yếu kia. Được giữ bí mật trong khoảng 40 năm, chương trình A-12 mới chính thức được giải mã vào năm 2007.
Chiếc A-12 hoàn tất đầu tiên được đưa tới Khu vực 51 vào tháng 2/1962, sau khi được phát triển thành công ở Burbank, rồi lại phải tháo rời ra, chuyển tới Khu vực 51 và được lắp ráp lại, tiêu tốn của Mỹ khoảng 100.000 USD tiền vận chuyển (khoảng 830.000 USD vào thời điểm này).
Được đưa vào sử dụng năm 1965, sau khi đạt được tốc độ ổn định Mach 3,2 (khoảng 3540 km/h) ở độ cao 27,432 km, A-12 bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ do thám tại Việt Nam và Triều Tiên trong năm 1967. Tuy nhiên, một năm sau, A-12 đã bị thay thế bởi SR-71 Blackbird.
SR-71 Blackbird
Dài hơn và nặng hơn so với A-12, SR-71 Blackbird có thể đạt tốc độ siêu âm và tàng hình tốt hơn do thiết kế thon gọn và sơn hấp thụ radar màu đen. Ngày 28/7/1967, các phi công đã lái một chiếc SR-71 đạt tốc độ kỷ lục Mach 3,3 (khoảng 3529km/h), tức là có thể di chuyển hơn 1000m/s, nhanh hơn cả một viên đạn được bắn từ một khẩu súng trường.
SR-71 bị chỉ trích vì sự không an toàn và độ tin cậy thấp, khi mà 12 trong tổng số 32 máy bay được chế tạo gặp tai nạn khi hoạt động (trong đó 11 chiếc bị rơi chỉ trong 6 năm từ 1966-1972), cho dù không có chiếc nào bị mất do bị đối phương bắn hạ.
Đến giữa thập niên 1970, khi Liên Xô cho ra đời tiêm kích đánh chặn Mig-31 có vận tốc Mach 3, SR-71 không còn được sử dụng để do thám không phận Liên Xô nữa và giảm hẳn hoạt động, dù vậy vẫn có thêm 1 chiêc bị rơi năm 1989 ở Biển Đông. Đến năm 1998, những chiếc SR-71 còn lại chính thức ngừng hoạt động.
Tuy ngừng hoạt động vào năm 1990 sau hơn ba thập kỷ phục vụ các chiến dịch do thám cho Mỹ, SR-71 đến nay vẫn được coi là máy bay nhanh nhất thế giới.
Lockheed F-117 Nighthawk
Hồi thập niên 1970, Khu vực 51 đã đón chào chiếc oanh tạc cơ tàng hình đầu tiên của Hoa Kỳ: Lockheed F-117 Nighthawk. Nó được thiết kế bởi Skunk Works (Lockheed Martin) và phát triển dưới mã danh Have Blue.
Với bề mặt như viên kim cương được cắt gọt nhằm phản xạ và phá hủy các chùm radar, oanh tạc cơ F-117 dễ gây nhầm lẫn với vật thể UFO hình chiếc Boomerang (vũ khí đi săn của thổ dân da đỏ) vốn nằm trong tiềm thức dân chúng Mỹ vào thập niên 1940.
F-117 đã bay lần đầu tiên trên không phận Khu vực 51 vào tháng 6 năm 1981, và chỉ mới lộ ra công luận vào cuối năm 1988. Sau khi ném bom xuống các mục tiêu giá trị cao trên khắp thủ đô Baghdad dọn đường cho Chiến tranh vùng Vịnh vào đầu năm 1991, F-117 đã phục vụ cho các lực lượng Mỹ ở Afghanistan và ở Iraq trước khi “hưu trí” vào năm 2008.
Boeing YF-118G Bird of Prey
Thời thập niên 1990, hãng Boeing đã phát triển ra loại máy bay tuyệt mật của riêng mình: Chim Mồi (Bird of Prey) trong một dự án được quản lý bởi Không lực Mỹ tại Khu vực 51. Mục tiêu ra đời máy bay YF-118G là thử nghiệm các công nghệ máy bay khác nhau, cùng những cách khiến cho máy bay ít bị nhìn thấy hơn bằng mắt thường, hoặc tránh bị radar nhận diện.
Chim Mồi bay lần đầu tiên tại Khu vực 51 vào năm 1996 và thực hiện 38 chuyến bay trước khi chương trình hoàn tất vào năm 1999. Vài năm sau đó nó được giải mật và Hãng Boeing đã tặng Chim Mồi cho Bảo tàng Quốc gia của Không lực Mỹ, mặc dù vậy nhiều bí mật về nó vẫn chưa được biết đến.