Khi một sinh vật sống chết đi, vi khuẩn và giòi bọ sẽ vào cuộc khiến cơ thể phân huỷ một cách nhanh chóng. Nội tạng sẽ phân huỷ trước tiên, tạo ra khí tích tụ trong cơ thể - thường là methane và các khí gốc nitrogen, khiến cơ thể rơi vào trạng thái "trương phềnh". Khí này sẽ nhanh chóng thoát ra ngoài do làn da bị phân huỷ.
Nhưng đó là ở người, động vật có khối lượng nhỏ, còn xác cá voi lại là một câu chuyện khác hẳn. Da cá voi rất dày và có tính đàn hồi cực mạnh, có thể chịu được áp suất cực lớn, lại cực khó bị phân hủy. Do đó khí có thể tích tụ với khối lượng khổng lồ.
Hãy thử tưởng tượng, một con cá voi nặng khoảng 170 tấn. Một cơ thể vĩ đại như vậy mà phân huỷ thành khí thì chuyện gì sẽ xảy ra chứ? Cơ thể chúng sẽ trở thành một quả bom nổ chậm.
Nhưng thường thì quả bom này chỉ nổ khi có tác động của con người. Nhiều người hiếu kỳ trèo lên xác cá voi chụp ảnh, lấy dao xin một ít da, thịt, răng... về làm kỷ niệm. Tất cả đều không biết rằng chỉ cần một vết cắt, cơ thể chúng sẽ phát nổ giống như bóng bay vậy.
Nhìn chung, lực phát nổ này không đủ mạnh để gây chết người, nhưng cũng có thể khiến chúng ta bị thương. Hơn nữa, việc bị cái thứ nội tạng hôi thối này bắn thẳng vào người cũng xứng đáng được gọi là một thảm họa rồi.
Người ta thường làm gì để xử lý xác cá voi?
Quá trình phân huỷ xác cá voi có thể lên tới... 30 năm, vì thế việc để lại xác trương phềnh trên bãi biển gần khu dân cư chắc chắn là chuyện không thể chấp nhận được. Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta chôn xác ngay khi phát hiện. Nếu xác quá lớn sẽ cần xẻ nhỏ thịt để xử lý.
Lưỡi cá voi xanh còn nặng hơn cả một con voi
Cá voi xanh là động vật lớn nhất còn tồn tại, miệng của nó có thể nuốt trọn một đội bóng đá 11 cầu thủ và trái tim của nó có kích thước tương đương một chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi. Nhìn chung, các con cá voi xanh ở bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương nhỏ hơn các cá thể ở các vùng nước gần Nam Cực.
Tuy nhiên, giá trị đo trung bình trong khoảng 150-170 tấn được ghi nhận cho cá thể dài 27 m. Một cá thể có chiều dài 30 m theo Phòng thí nghiệm động vật có vú biển quốc gia Hoa Kỳ (National Marine Mammal Laboratory) đạt tới 180 tấn.
Một loài vật khổng lồ có nghĩa là các bộ phận cơ thể của nó cũng thuộc loại "hàng khủng", ví dụ như chiếc lưỡi của cá voi xanh ước tính khối lượng trung bình khoảng 3 tấn. Trong khi đó khối lượng trung bình của 1 con voi chỉ khoảng 2,7 tấn, điều đó có nghĩa là lưỡi của cá voi xanh còn nặng hơn cả 1 con voi.
Vì sao không nên chạm vào xác cá voi. Clip nguồn youtube
Thậm chí, cá voi xanh còn vượt trội về kích thước so với những sinh vật đã biến mất như khủng long. Một trong những chi khủng long lớn nhất trong Đại Trung Sinh là Argentinosaurus, chỉ nặng đến 90 tấn, bằng với cá voi xanh trung bình.
Trong khi đó loài khủng long cổ dài thường thấy trong các bộ phim hay chương tình khoa học, Amphicoelias fragillimus, dù đạt chiều dài 58 m, được ước tính nặng 122,4 tấn vẫn nhẹ hơn cá voi xanh.
Não cá voi có một phần giống như của con người
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, bướu trên lưng cá voi có một loại tế bào não mà chỉ được tìm thấy trên con người, trên những con linh trưởng to lớn, và những động vật biển hữu nhũ khác như cá heo.
Các nhà khoa học cho biết điều này có thể có nghĩa là những con cá voi như thế thông minh hơn những gì người ta đã từng công nhận về chúng.
Và điều này đưa ra giả thiết về cơ sở cho những bộ não phức tạp hoặc là tiến hóa hơn một lần, hoặc là không được hầu hết các loài động vật sử dụng. Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu trong tập san Hồ sơ Giải phẫu, phát hiện này có thể giúp giải thích cho một số hoạt động của cá voi, chẳng hạn như những kỹ năng liên lạc phức tạp, sự hình thành các khối liên minh, sự hợp tác, sự truyền đạt văn hóa và sử dụng các công cụ.