Rủi ro với Mỹ khi đặt cược lớn vào cuộc phản công của Ukraine

Hồng Anh |

Theo giới phân tích, việc gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và đặt cược quá lớn vào cuộc phản công của nước này có thể khiến Mỹ đối mặt nhiều rủi ro.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố rằng, sự hỗ trợ mà Washington dành cho Ukraine “sẽ không dao động” trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang khi Ukraine phản công. Nhưng những báo cáo về tốc độ phản công chậm chạp của Ukraine thời gian gần đây đã nêu bật về cái giá mà nước này phải trả trong các cuộc giao tranh cũng như rủi ro với Mỹ và đặt câu hỏi về hiệu quả hỗ trợ của Washington.

Rủi ro với Mỹ khi đặt cược lớn vào cuộc phản công của Ukraine - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine. Ảnh: Getty Images

Mỹ thất vọng khi đặt cược vào cuộc phản công của Ukraine

New York Times tuần trước đưa tin, các lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine do phương Tây đào tạo đã không đạt được bất cứ bước tiến sâu rộng nào do hỏa lực pháo binh của Nga. CNN nêu bật những thách thức mà Kiev phải đối mặt trong việc xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga. Còn Politico cho biết, các quan chức Mỹ dự đoán cuộc phản công sẽ kéo dài “ít nhất qua mùa thu và có thể bước sang mùa đông tới”.

Theo phân tích của Thời báo phố Wall: “Các quan chức quân sự phương Tây biết rõ các binh sỹ Ukraine không có nhiều thời gian đào tạo hoặc trang bị vũ khí đầy đủ, thiếu từ đạn pháo đến máy bay chiến đấu để đánh bật lực lượng Nga. Nhưng họ vãn hy vọng sự quyết tâm sẽ giúp Ukraine thành công”.

Ông Daniel L. Davis, thành viên cao cấp của Trung tâm phân tích chiến lược Defense Priorities và là cựu Trung tá trong quân đội Mỹ lưu ý: “Lầu Năm Góc và Nhà Trắng biết rõ Ukraine khó giành được thắng lợi, song vẫn tạo điều kiện và hỗ trợ Kiev tiến hành cuộc phản công. Điều này rất mạo hiểm”.

Nhiều quan chức Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng về chiến dịch phản công của Ukraine, cho rằng Kiev đã quá dè dặt trong việc triển khai những đơn vị được huấn luyện và trang bị tốt nhất. “Họ đã không tận dụng phù hợp sức mạnh chiến đấu mà họ có”, một quan chức nhấn mạnh.

Để cuộc phản công thành công, các lực lượng vũ trang Ukraine cần thời gian để làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Nga. “Trong giai đoạn chiến sự ác liệt này, Lực lượng phòng vệ Ukraine đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ số một là phá hủy tối đa nhân lực, thiết bị, phương tiện quân sự, kho nhiên liệu, sở chỉ huy, lực lượng pháo binh và lực lượng phòng không của quân đội Nga. Chúng tôi đang hành động từng bước một”, ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho biết.

Nhưng kế hoạch của Ukraine đòi hỏi Mỹ và các đồng minh cung cấp thêm viện trợ quân sự. Một nhà ngoại giao ở Washington nói với The Wall Street Journal nhận định: “Câu trả lời thực sự sẽ là một cuộc tổng động viên trong ngành công nghiệp quốc phòng của phương Tây. Điều này sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng tới Ukraine rằng họ sẽ luôn có những vũ khí họ cần, đồng thời cũng là thông điệp cảnh báo mạnh mẽ đối với Nga”.

Rủi ro đối với Washington

Một khía cạnh nổi bật trong cuộc xung đột kéo dài gần 18 tháng qua chính là những trận đấu pháo ác liệt giữa hai bên. Quân đội Ukraine đã sử dụng đạn pháo với tốc độ chóng mặt, cả trong hoạt động phòng thủ lẫn phản công. Các cuộc giao tranh không ngừng nghỉ đang làm cạn kiệt kho thiết bị và khí tài quân sự của Ukraine, khiến phương Tây lo ngại về nguồn dự trữ vũ khí của riêng họ.

Để giảm bớt gánh nặng này, Washington đã tăng cường sản xuất các loại đạn pháo 155mm thông thường và có kế hoạch sản xuất thêm hàng trăm nghìn quả đạn mỗi năm, như một phần của nỗ lực hiện đại hóa và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng. Hiện, Mỹ đang sản xuất tới 24.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng, cao hơn nhiều so với mức trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và con số này sẽ sớm tăng lên 28.000 quả mỗi tháng, Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí, hậu cần và công nghệ, ông Douglas Bush cho biết.

Tuy vậy, việc thúc đẩy sản xuất trong ngành công nghiệp quốc phòng không phải nhiệm vụ dễ dàng. Mỹ đã phải thiết lập các dây chuyền sản xuất mới để chế tạo vỏ đạn, đầu tư vào công nghệ đưa chất nổ vào bên trong vỏ đạn để chúng hoạt động hiệu quả. Quá trình này tốn rất nhiều kinh phí.

Theo dữ liệu của Lầu Năm Góc, Mỹ đã cam kết hỗ trợ vũ khí và thiết bị cho Ukraine với tổng số tiền lên đến hơn 43 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022. Trong số này có hơn 2 triệu viên đạn pháo 155mm và gần 200 khẩu pháo có thể được sử dụng để bắn các loại đạn đó.

Nhưng một số chuyên gia cảnh báo, sự hỗ trợ ngày càng gia tăng của Mỹ và châu Âu có thể dẫn đến nguy cơ xung đột hạt nhân.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã khơi lại mối lo ngại này trong phát biểu hôm 30/7 khi tuyên bố Nga sẽ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Nhà phân tích Goldstein lưu ý: “Mối đe dọa hạt nhân đã được nhắc đến rất nhiều lần nhưng chúng ta đã đánh giá thấp điều đó vì các lý do chính trị”.

Theo một số nhà quan sát, Mỹ có thể là nhân tố quan trọng giúp chấm dứt xung đột. Thay vì tiếp tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ Ukraine tiến hành cuộc phản công, Washington có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột bằng những “kênh ngoại giao cửa sau”.

Chuyên gia Daniel L. Davis nhấn mạnh: “Hành động phù hợp nhất với Ukraine hiện nay có lẽ là ngừng chiến dịch phản công, sử dụng phần còn lại của lực lượng tấn công để củng cố tuyến phòng thủ, đề phòng chiến dịch tấn công đáp trả của Nga, sau đó tìm kiếm lệnh ngừng bắn nhằm hạn chế tổn thất về người và của. Cuối cùng là tìm lối thoát bằng đàm phán”.

Cùng chung quan điểm này, nhà phân tích Goldstein cho rằng: “Tôi chưa thấy những dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi lớn về chính trị ở Moscow hay Kiev. Vì thế, một giải pháp ngừng xung đột giống như tình hình trên bán đảo Triều Tiên có thể là kịch bản khả thi nhất”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại