10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ "đội sổ", Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này

Trần Quỳnh |

Trong bảng xếp hạng này, những tên tuổi võ tướng nổi tiếng như Quan Vũ, Lữ Bố, Nhạc Phi... vẫn xếp sau một nhân vật được mệnh danh là "thiên cổ vô nhị".

Cổ nhân có câu: "Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị". Có thể nói trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, phàm là dũng sĩ đi tòng quân, ai cũng có mong muốn trở thành võ tướng đệ nhất đương thời.

Người xưa lại có câu "thời thế tạo anh hùng", cho nên những thời đại nhiều biến cố như Xuân Thu chiến quốc, Hán Sở tranh hùng, Tam Quốc loạn thế đều được đánh giá là giai đoạn sản sinh ra nhiều chiến tướng thiên tài.

Theo xếp hạng của trang KKNews, trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, số võ tướng tuy nhiều vô số kể, nhưng mạnh nhất lại chỉ có 10 nhân vật tiêu biểu dưới đây.

Vị trí thứ 10: Quan Vũ (thời Tam Quốc)

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 1.

Quan Vũ là một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. (Tranh minh họa).

Tương truyền rằng Quan Vũ là huynh đệ kết nghĩa với Lưu Bị. Ông không chỉ nổi tiếng về lòng trung nghĩa mà còn sở hữu võ nghệ thiện chiến có một không hai, từng xưng hùng xưng bá trong thời Tam Quốc.

Nhắc tới võ nghệ của vị tướng quân này, hậu thế thường dùng những cụm từ hoa mỹ như "vạn nhân địch", "uy chấn Hoa Hạ".

Trong tập đoàn chính trị Thục Hán, Quan Vũ được ví như võ tướng đệ nhất (theo KKNews). Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn sở hữu năng lực chỉ huy quân sự được coi là rất mực cao siêu.

Chỉ tiếc rằng, việc để mất Kinh Châu lại bị coi như "nét bút hỏng" trong cuộc đời Quan Vũ. Vì vậy, ông được đưa vào vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng các võ tướng mạnh nhất Trung hoa.

Vị trí thứ 9: Dưỡng Do Cơ (thời Xuân Thu – Chiến Quốc)

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 2.

Dưỡng Do Cơ là một danh tướng nước Sở thời Xuân Thu. Ông phụng sự cho hai đời vua Sở Trang Vương và Sở Cung Vương, nổi tiếng về tài bắn cung "bách bộ xuyên dương" (cách xa 100 bước bắn xuyên qua lá dương).(Tranh minh họa).

Dưỡng Do Cơ là tướng nước Sở vào thời Xuân Thu, cũng là một trong những bậc "thần tiễn" với tài bắn cung nổi tiếng Trung Hoa.

"Sử ký" ghi lại, vị tướng này có thể đứng từ khoảng cách trăm bước chân bắn xuyên lá cây dương, cũng có khả năng dùng một mũi tên bắn thủng bảy tầng áo giáp.

Khi nhắc tới biệt tài bắn cung của Dưỡng Do Cơ, người xưa thường truyền tai nhau câu nói: "Bách bộ xuyên dương, bách phát bách trúng".

Ông còn có một biệt hiệu là "Dưỡng Nhất Tiễn", ý chỉ Dưỡng Do Cơ có thể chỉ dùng một mũi tên để quyết định thắng thua của trận chiến.

Vị trí thứ 8: Dương Đại Nhãn (Nam Bắc triều)

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 3.

Dương Đại Nhãn (?-?) là người dân tộc Đê, danh tướng nhà Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc.

Dương Đại Nhãn là danh tướng dưới thời Hiếu Văn Đế, Tuyên Vũ Đế của nhà  Bắc Ngụy, thuộc Nam Bắc triều.

Mặc dù hậu thế không rõ tên thật của ông, nhưng nhiều tư liệu lịch sử nhận định ông là cháu của Dương Nan Đương – một thủ lĩnh Cừu Trì khu vực Cam Túc thời đó.

Dương Đại Nhãn có sở trường chạy nhanh, lại nổi danh dũng mãnh thiện chiến. Khi xưa, dân gian thường truyền tai nhau giai thoại nói rằng đôi mắt ông to như bánh xe nên mới được gọi là "đại nhãn". Kẻ địch mỗi khi nghe đến danh ông đều kinh hồn bạt vía.

Dương Đại Nhãn theo Hiếu Văn Đế chinh chiến khắp nơi, lập được không ít công lao hiển hách, được phong làm Trực Các tướng quân, sau thăng lên làm Phụ Quốc tướng quân, Du kích tướng quân, được ca ngợi là dũng tướng số một đương thời.

Vị trí thứ 7: Lữ Bố (thời Tam Quốc)

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 4.

Lã Bố (160-199) còn gọi là Lữ Bố tự là Phụng Tiên, là tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã tham gia cuộc chiến quân phiệt cuối thời Đông Hán và cuối cùng bị thất bại. (Tranh minh họa).

Lữ Bố trong tay có Phương Thiên họa kích, lại sở hữu ngựa quý Xích Thố, từng được mệnh danh là đệ nhất danh tướng thời bấy giờ.

Khi nhắc tới võ lực xuất chúng của nhân vật này, dân gian còn từng lưu truyền câu nói: "Nhất Lữ, nhị Triệu, tam Điển Vi, tứ Quan, ngũ Mã, lục Trương Phi", ý nói rằng trong số các dũng tướng nổi tiếng đương thời như Triệu Vân, Điển Vi, Quan Vũ, Mã Siêu hay Trương Phi, thì Lữ Bố vẫn được xếp hàng thứ nhất.

Bên cạnh đó, ông còn được miêu tả là "nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố" (ý nói Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố để tôn vinh 2 cực phẩm nhân gian này).

Vị trí thứ 6: Dương Tái Hưng (thời Nam Tống)

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 5.

Dương Tái Hưng (1104 - 1140) là một viên tướng thời Nam Tống, thuộc hạ của Nhạc Phi. (Tranh minh họa).

Dương Tái Hưng là mãnh tướng nổi danh vào thời kỳ Nam Tống. Ông từng theo Nhạc Phi chiến đấu với nhà Kim.

Tương truyền rằng, Dương Tái Hưng từng đơn thương độc mã xung trận với ý đồ bắt sống Ngột Truật. Mặc dù không thành công đạt được mục đích, nhưng ông vẫn an toàn trở về.

Trong các trận giao tranh với quân Kim, ông từng tiêu diệt rất nhiều địch, khiến người Kim khiếp đảm. Người đương thời cũng bởi vậy mà coi ông là một bậc mãnh tướng hiếm có.

Vị trí thứ 5: Tiết Nhân Quý (nhà Đường)

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 6.

Tiết Lễ ( 613-683) là một danh tướng thời nhà Đường, phục vụ qua 2 triều vua Đường Thái Tông và Đường Cao Tông. (Tranh minh họa).

Tiết Nhân Quý tên thật Tiết Lễ, tự Nhân Quý, là danh tướng Đại Đường và cũng là một trong những nhà quân sự nổi danh Trung Hoa.

Trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình, ông từng đánh bại các tộc Thiết Lặc, hàng phục Cao Câu Ly, đánh tan quân Đột Quyết, lập được công lao vang dội.

Không chỉ vậy, Tiết Nhân Quý còn để lại nhiều giai thoại truyền kỳ như "Tam tiễn định Thiên San", "thần dũng thu Liêu Đông", "yêu dân như châu thành", "ngả mũ lui vạn địch"…

Vị trí thứ 4: Nhạc Phi (thời Nam Tống)

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 7.

Nhạc Phi (1103 – 1142) là nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống. Trước sau tổng cộng quân của ông đã có 126 trận chiến với quân Kim và toàn thắng. (Tranh minh họa)

Nhạc Phi được biết tới là một trong những danh tướng kiệt xuất thời Nam Tống.

Sinh thời, vị tướng này vô cùng coi trọng việc xây dựng lực lượng kháng Kim. Không chỉ đưa ra những kiến giải độc đáo về mặt chiến lược, tài cầm quân của ông còn vô cùng nổi tiếng với chế độ thưởng phạt phân minh, kỷ luật nghiêm khắc.

Bởi vậy, Nhạc Phi không chỉ được lòng bách tính Nam Tống mà còn khiến cho đối thủ nhà Kim cũng phải thán phục.

Ông còn là tướng lĩnh luôn chủ trương chủ động tiến đánh quân Kim. Theo KKNews, Nhạc Phi cũng là tướng lĩnh duy nhất trong những năm đầu của nhà Tống đã tổ chức tiến công quy mô lớn.

Vị trí thứ 3: Lý Tồn Hiếu (thời mạt Đường – Ngũ Đại)

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 8.

Lý Tồn Hiếu (? -894) là một viên mãnh tướng cuối đời nhà Đường, một trong rất nhiều con nuôi và được liệt vào "Thập tam thái bảo" – 13 viên kiêu tướng thân tín của Tấn vương Lý Khắc Dụng. (Tranh minh họa).

Lý Tồn Hiếu vốn tên An Kính Tư, người Đột Quyết, là mãnh tướng trong những năm cuối thời nhà Đường đến thời Ngũ Đại.

Ông là con nuôi của Tấn Vương Lý Khắc Dụng, lại xếp thứ 13 nên được người đời gọi là "Thập tam Thái bảo".

Sở hữu võ nghệ phi phàm, Lý Tồn Hiếu là người nổi danh nhất trong số những nghĩa tử được Lý Khắc Dụng thu nhận.

Khi nhắc tới tài năng của ông, cổ nhân xưa thường có câu: "Vương bất quá Hạng, tướng bất quá Lý". Trong đó, "Hạng" ý nói Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, còn "Lý" chính là chỉ Thập tam Thái bảo Lý Tồn Hiếu.

Vị trí thứ 2: Nhiễm Mẫn (giai đoạn Ngũ Hồ thập lục quốc)

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 9.

Nhiễm Mẫn (?-352) là vua nước Nhiễm Ngụy thời Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người Hán xưng đế năm 350, quốc hiệu là Ngụy, đóng đô ở đất Nghiệp (Lâm Chương, Hà Bắc), sử gọi là Nhiễm Ngụy. (Tranh minh họa).

Sinh thời, Nhiễm Mẫn từng có xuất thân thua kém, sau nhiều trắc trở cuối cùng thành lập nên chính quyền Nhiễm Ngụy.

Trong trận chiến cuối cùng, Nhiễm Mẫn đã đem quân lương ban phát cho bách tính, còn bản thân ông thì mang 1 vạn quân đi biên giới cướp lương thực, rơi vào cảnh bị 14 vạn quân Tiền Yên bao vây.

Dù vậy, quân Nhiễm Mẫn dũng mãnh, thiện chiến, các tướng sĩ liều chết bảo vệ ông đột phá vòng vây.

Cũng trong trận đánh ấy, Nhiễm Mẫn một mình giết hơn 300 địch. Sau cùng vì kiệt sức nên ông đã bị bắt.

Mặc dù bị kẻ địch sát hại, nhưng Nhiễm Mẫn sau này vẫn được truy phong làm Vũ Điệu Thiên Vương.

Vị trí thứ nhất: Hạng Vũ

10 võ tướng mạnh nhất Trung Hoa: Quan Vũ đội sổ, Lữ Bố, Nhạc Phi vẫn thua nhân vật này - Ảnh 10.

Hạng Vũ (232 TCN - 202 TCN) là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán.

Hạng Vũ là cháu nội của đại tướng quân Hạng Yên thuộc nước Sở, thời Chiến Quốc. Không chỉ có xuất thân danh môn, ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ thiên phú võ thuật và sự dũng mãnh hơn người.

Ông là một trong số những người đã lật đổ sự thống trị của nhà Tần, đặt dấu chấm hết cho vương triều này.

Mặc dù cuối cùng thất bại trong tay đối thủ Lưu Bang, nhưng sự dũng mãnh và tài năng quân sự xuất chúng của Hạng Vũ vẫn được hậu thế hết lời ca ngợi.

Nhắc tới vị Tây Sở Bá Vương nổi danh này, văn sĩ Lý Vãn Phương thời nhà Thanh đã đưa ra đánh giá: "Vũ chi thần dũng, thiên cổ vô nhị", ca ngới sự vũ dũng của Hạng Vũ là có một không hai từ cổ chí kim.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại