Dưới đây là 10 thay đổi kinh ngạc với thế giới do những tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo trang Listverse.com.
10. Làm việc tại nhà
Trước dịch COVID-19, chỉ có 7% công nhân Mỹ được lựa chọn làm việc tại nhà. Điều đó không có nghĩa là 7% làm việc tại nhà – mà điều đó có nghĩa là 93% người Mỹ biết rằng làm việc tại nhà sẽ không bao giờ là một lựa chọn. Còn hôm nay, làm việc tại nhà là một việc cần thiết. Không thể có số liệu thống kê chính xác về số lượng người đang làm việc từ xa trên khắp thế giới, nhưng công ty Cisco cho biết, ở Trung Quốc, phần mềm hội nghị trực tuyến của họ đã có lưu lượng truy cập gấp 22 lần so với trước khi dịch bệnh bùng phát.
Thế giới đang tham gia vào một thử nghiệm làm việc tại nhà toàn cầu - và chúng ta sẽ thấy tận mắt nó sẽ bền vững như thế nào. Đã có những nghiên cứu về điều này, và kết quả rất khả quan. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng những người làm việc tại nhà có năng suất cao hơn 16,8 ngày một năm.
9. Thu nhập cơ bản phổ cập
Một vài tháng trước, thu nhập cơ bản phổ cập dường như là một giấc mơ. Ý tưởng gửi cho mọi người dân trong một quốc gia một tấm séc hàng tháng, ngay cả khi họ không đi làm, chỉ bắt đầu xuất hiện trong chiến dịch chống dịch.
Nhưng ở hầu hết các quốc gia, chúng ta sẽ không sớm chứng kiến điều đó. Có thể trong một vài tháng tới, nó sẽ trở thành hiện thực. Chính phủ Anh đã cam kết trả 80% tiền lương cho người lao động, trong khi Đan Mạch đề xuất trả tới 90%. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua kế hoạch gửi séc 1.200 USD cho hầu hết công dân đóng thuế.
8. Tự động hóa
Một trong những lĩnh vực gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 là sản xuất. Với bất cứ ai làm việc trong một nhà máy, đây là một thời điểm cực kỳ khó khăn. Làm việc từ xa không phải là một lựa chọn khi bạn làm việc với đôi tay. Nhưng với những nhà máy được vận hành hoàn toàn bằng robot, thì dịch bệnh không phải là vấn đề.
Các công ty sử dụng nhiều công nghệ tự động hóa đã hoạt động tốt hơn so với các công ty phụ thuộc vào việc nhồi nhét công nhân vào một nhà máy chật chội. Công ty Caja Robotics, chẳng hạn, cho biết họ nhận thấy số lượng đơn hàng tăng 25% trong 30 ngày qua. Chúng ta có thể hy vọng rất nhiều công ty sản xuất sẽ chuyển sang tự động hóa để tồn tại - và nhiều công ty khác cũng vậy.
Trung Quốc đã bắt đầu thay thế lái xe giao hàng bằng máy bay không người lái, với kết quả vận chuyển nhanh hơn và an toàn hơni. Họ thậm chí đã thử nghiệm các bệnh viện tự động, nơi máy móc kiểm tra thân nhiệt, cung cấp bữa ăn và khử trùng phòng bệnh.
7. Học trực tuyến
Các trường học đang đóng cửa ở gần như mọi quốc gia bùng phát dịch COVID-19, đẩy cả phụ huynh và giáo viên vào một kỷ nguyên giáo dục hoàn toàn mới. Trong vài tháng tới, việc học trực tuyến sẽ trở thành chuẩn mực. Cho dù giáo viên của bạn am hiểu công nghệ hay không, họ sẽ phải học cách thực hiện được giáo dục trên nền tảng kỹ thuật số. Dựa trên những phản ứng ban đầu, thì không chắc là chúng ta sẽ chứng kiến việc áp dụng giáo dục trực tuyến rộng rãi khi dịch kết thúc. Phản hồi từ giáo viên, cho đến nay, gần như là tiêu cực. Có nhiều nhược điểm trong học tập trực tuyến đại trà. Những trẻ em không có cha mẹ kèm sẽ bị tụt lại phía sau trong khi những em không có đủ khả năng truy cập internet thì bị loại trừ hoàn toàn.
Tuy nhiên, mọi giáo viên trên thế giới sẽ đều sẽ phải tham gia các khóa đào tạo về dạy học trong thế kỷ 21. Và họ sẽ quay trở lại với những ý tưởng biến đổi cách thức trẻ em của chúng ta học tập.
6. Vai trò lớn hơn của chính quyền trung ương
Trên khắp thế giới, mọi người đã trông cậy vào chính quyền trung ương kể từ khi COVID-19 bắt đầu lan rộng. Những phản ứng với dịch bệnh, các chính sách xã hội đang được thực hiện trên toàn thế giới, dù ở các quốc gia do các nhà lãnh đạo bảo thủ hay tự do cầm quyền. Chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch chi hàng ngàn tỷ USD chiến đấu với COVID-19, trong khi tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết không có mức trần nào đối với số tiền mà họ sẽ chi.
5. Bỏ phiếu qua thư
Vào ngày 15/4, trước một đại dịch đã càn quét đất nước, người dân Hàn Quốc dự kiến phải xếp hàng đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2020. Đây sẽ là một vấn đề lớn. Các nhà lãnh đạo chỉ có giải pháp là yêu cầu cử tri đeo khẩu trang và găng tay dùng một lần, và họ sẽ kiểm tra thân nhiệt của từng người. Vì thế khả năng cao là nhiều cử tri sẽ bỏ qua quyền công dân của mình.
Trong khi đó, dịch bệnh đang tàn phá nước Mỹ đang ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử sơ bộ và cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 11. Người Mỹ sẽ phải thay đổi quy tắc bỏ phiếu của họ trong năm nay, và chúng ta có thể chứng kiến những thay đổi đó là vĩnh viễn. 2/3 người Mỹ đã nói rằng họ lo lắng về việc bỏ phiếu trực tiếp, và một số người đang kêu gọi thay đổi.
Các đảng viên Dân chủ bang Texas đã đệ đơn kiện đòi quyền bầu cử qua thư, trong khi các bang khác đang khuyến khích mọi người làm việc này. Khi tiểu bang Utah chấp nhận bỏ phiếu qua thư, họ đã chứng kiến tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử tăng 7%.
Cử tri bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ. Ảnh: AP
4. Sự sụp đổ của các doanh nghiệp nhỏ
Rất nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề ngay lúc này, và không có gì khó khăn bằng các nhà hàng, quán bar. Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Đức và Anh chỉ là một vài trong số nhiều quốc gia đã đóng cửa tất cả các quán bar và nhà hàng, và ở các quốc gia không bắt buộc điều đó, cũng không còn mấy khách hàng lựa chọn ra ngoài ăn uống.
Trong vài tháng tới, các doanh nghiệp và nhân viên của họ sẽ bị tước tất cả các nguồn thu không đến từ chính phủ. Rất nhiều doanh nghiệp có thể sẽ không trụ nổi. JP Morgan dự đoán rằng doanh nghiệp nhỏ trung bình sẽ chỉ có thể tồn tại trong vòng 27 ngày trước khi phá sản. Điều đó sẽ thay đổi bộ mặt của thế giới chúng ta - bởi vì, trong khi rất nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể tồn tại, các công ty lớn sẽ trụ vững. Chẳng hạn, McDonald sẽ vượt qua cơn bão, và điều đó sẽ định hình lại thế giới của chúng ta. Hiện tại, khoảng 50% người Mỹ làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng khi đại dịch kết thúc, tỷ lệ đó có thể sẽ thấp hơn rất nhiều.
Một nhà hàng ở Romania đóng cửa vì dịch. Ảnh: Reuters
3. Kết thúc sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Dịch COVID-19 đã bùng nổ vào thời điểm không thể tồi tệ hơn với Trung Quốc. Họ đang ở trong cuộc chiến thương mại tàn khốc và đại dịch đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Cho đến nay, thế giới vẫn dựa vào "công xưởng" Trung Quốc – nước sản xuất 20% hàng hóa toàn cầu, hơn với bất kỳ quốc gia nào khác và họ có vai trò lớn trong chăm sóc sức khỏe. 90% thuốc kháng sinh của Mỹ nhập từ Trung Quốc. Nhưng một khi Trung Quốc rơi vào tình trạng bị cách ly dịch và phải vật lộn để lấy lại nhịp độ của mình, việc thế giới dựa vào một địa chỉ cung cấp duy nhất được chứng minh là rất nguy hiểm.
Thế giới đang phải vật lộn với tình trạng thiếu máy thở và khẩu trang, và điều đó không khả thi khi dựa vào Trung Quốc, nhất là khi họ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số quốc gia đã bắt đầu đưa sản xuất trở lại biên giới của mình, trong khi các nước khác đang lên kế hoạch phân tán hoạt động sản xuất ra một số nơi khác nhau.
2. Chăm sóc sức khỏe phổ cập và miễn phí
Sau dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, các quốc gia trên thế giới đã chấp nhận khái niệm y học xã hội hóa. Đó là một trong những tác động lâu dài của đại dịch toàn cầu gần đây nhất. Mọi người bắt đầu nhận ra sức khỏe của người nghèo ảnh hưởng đến tất cả mọi người, và những cuộc thảo luận đầu tiên sẽ dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe phổ cập. Hiện nay, chỉ có một số ít quốc gia có dịch vụ chăm sóc sức khỏe phổ cập và đây có thể là thời điểm thúc đẩy phần còn lại của thế giới thực hiện chăm sóc sức khỏe miễn phí.
1. "Chiếm đóng Phố Wall 2.0"?
COVID-19 đang tác động mạnh đến sức khỏe của chúng ta, nhưng nó đánh vào nền kinh tế của chúng ta thậm chí còn nặng hơn. Theo các nhà phân tích của J.P. Morgan Chase: "Không còn nghi ngờ gì nữa. Bây giờ chúng tôi nghĩ rằng cú sốc COVID-19 sẽ tạo ra một cuộc suy thoái toàn cầu". 10 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Một nhà phân tích khác tin rằng, trước khi đại dịch kết thúc, 7,4 triệu người trong ngành giải trí và khách sạn sẽ thất nghiệp; người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Điều đó sẽ gây đau đớn - nhưng như nhà phân tích Schiedel tại J.P. Morgan Chase nói, "sự bình đẳng chỉ được đòi hỏi mạnh mẽ trong đau buồn". Chúng ta sẽ học được nhiều điều từ trải nghiệm này và một khi chúng ta hiểu bài học thực sự của COVID-19 là gì, mọi người có thể sẽ yêu cầu thay đổi. Các chuyên gia đã dự đoán một cuộc cách mạng, trong đó nhà phân tích Cathy O'Neil đã mô tả giống như phong trào "chiếm đóng Phố Wall 2.0".
COVID-19 sẽ đưa thế giới vào một thử nghiệm, nhưng khi thử nghiệm đó kết thúc, thế giới sẽ hiểu rõ hơn về những vết nứt trong xã hội. Và nếu chúng ta may mắn, thế giới của chúng ta sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn.