Ngày 25/1, khi thế giới mới bắt đầu nhận ra nguy cơ tiềm ẩn của loại virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp khởi phát từ Trung Quốc, chính phủ Australia và chính quyền đảo Đài Loan đã ghi nhận 4 ca nhiễm mới trong lãnh thổ của họ.
Australia và đảo Đài Loan có quy mô dân số tương đương nhau - khoảng 24 triệu người. Việc cả hai đều là những hòn đảo cho phép họ kiểm soát nghiêm ngặt những người đi qua biên giới, hơn nữa cả hai đều có những mối liên kết thương mại và giao thông vận tải chặt chẽ với Trung Quốc đại lục.
Mười tuần kể từ ngày đó, Australia đã có gần 5.000 trường hợp được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2, nhưng Đài Loan chỉ có chưa đến 400 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh.
Vấn đề không phải là Australia đã làm gì sai – có tới 20 quốc gia có nhiều ca nhiễm bệnh hơn Australia và 7 quốc gia có số ca nhiễm hơn gấp 10 lần so với quốc gia này - mà vấn đề là đảo Đài Loan đã kiểm soát virus như thế nào khi nhiều khu vực trên thế giới không thể làm điều đó.
Đòn đau nhớ đời
Khi Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) bùng phát vào năm 2003, đảo Đài Loan cùng Đặc khu Hồng Kông và miền Nam Trung Quốc là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên hòn đảo cách Trung Quốc đại lục 180km này, hơn 150.000 người đã bị cách ly và 181 người đã tử vong vì dịch SARS.
So với COVID-19, hiện tại dịch SARS chỉ còn là kí ức mờ nhạt. Mặc dù vậy, nó đã trở thành một hồi chuông cảnh tỉnh với những quốc gia châu Á về cách đối phó với sự bùng phát của những dịch bệnh khác trong tương lai.
Kinh nghiệm này đã giúp nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á phản ứng nhanh hơn với sự bùng phát của COVID-19, đồng thời giúp họ lường trước những hậu quả nghiêm trọng và nâng cao mức cảnh báo cả ở cấp độ chính phủ lẫn trong xã hội, kiểm soát biên giới và giúp người dân biến hành động đeo khẩu trang trở thành thói quen ngay từ tháng 1.
Đảo Đài Loan có một hệ thống chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới và có công tác bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). Khi tin tức về virus corona bắt đầu xuất hiện tại Vũ Hán trong dịp Tết Nguyên đán, các quan chức tại Trung tâm Chỉ huy Y tế Đài Loan (NHCC) - được thành lập sau dịch SARS – đã nhanh chóng hành động để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng, theo một báo cáo gần đây trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA).
"Đài Loan đã nhanh chóng lập chiến lược và thực hiện một danh sách bao gồm ít nhất 124 biện pháp trong 5 tuần qua để bảo vệ sức khỏe cộng đồng", Jason Wang, một bác sĩ người Đài Loan, Phó Giáo sư nhi khoa tại Stanford Medicine, đồng tác giả của báo cáo trên, cho biết.
"Các chính sách và hành động của Đài Loan không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát biên giới, bởi vì họ nhận ra rằng điều đó là không đủ" - ông Wang nhận định.
Đảo Đài Loan đã bắt tay vào hành động trong khi các quốc gia khác vẫn còn đang tranh luận có nên hành động hay không. Trong một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 1 vừa qua, Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết đảo Đài Loan là một trong những khu vực có nguy cơ cao nhất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục - do sự gần gũi về cả địa lý lẫn quan hệ và liên kết giao thông.
Quyết định cấm di chuyển từ nhiều vùng của Trung Quốc, dừng cho phép các tàu du lịch cập cảng và đưa ra các hình phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ ai vi phạm lệnh cách ly tại nhà nằm trong số những quyết định được chính quyền đảo này ban hành từ rất sớm.
Ngoài ra, các quan chức Đài Loan cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất khẩu trang nhằm đảm bảo nguồn cung trong nội địa, triển khai xét nghiệm virus corona trên quy mô toàn đảo - bao gồm tái xét nghiệm đối với những người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân trước đó - và công bố những hình thức xử phạt mới về việc truyền bá thông tin sai lệch về virus.
"Trước tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới tiếp tục lan rộng, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có thể học tập những biện pháp phòng chống dịch đã được triển khai nhanh chóng và hiệu quả ở đảo Đài Loan", ông Wang chia sẻ.
"Chính quyền đảo Đài Loan đã rút kinh nghiệm từ sau đại dịch SARS năm 2003 và thiết lập một cơ chế ứng phó nhanh cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Các đội ngũ quan chức có chuyên môn và kinh nghiệm đã nhanh chóng nhận ra ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch và kích hoạt các cơ chế quản lý khẩn cấp để giải quyết ổ dịch mới", ông này bình luận.
Cụ thể, cách Đài Loan đã phản ứng nhanh chóng và minh bạch - ví dụ như việc tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày về tình hình dịch bệnh của các quan chức y tế đảo này. Đài Loan cũng không cần phải áp dụng lệnh phong tỏa chặt chẽ giống như Trung Quốc đại lục hay nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Hiện nay, tình hình tại Đài Loan đã ổn định, và chính quyền đảo này đã quyết định sẽ viện trợ 10 triệu khẩu trang cho Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, 9 quốc gia khác tại châu Âu và một số quốc gia nhỏ khác có quan hệ ngoại giao với đảo này, sau nhiều tuần cấm xuất khẩu khẩu trang để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: Asia News
Đại dịch và chính trị
Khi Đài Loan đạt được thành công trong cuộc chiến chống COVID-19, thì Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn do dịch bệnh bùng phát mạnh và ít ai để ý tới thành công của Đài Loan. Và các quốc gia này có thể học được điều gì đó từ kinh nghiệm của Đài Loan, thì họ cũng đã bỏ lỡ thời điểm vàng để áp dụng.
Một trong những lý do khác khiến các quốc gia châu Âu không học tập theo Đài Loan từ tháng 1 và 2, đó là đảo Đài Loan không phải là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trung Quốc luôn coi đảo Đài Loan là "một phần lãnh thổ không thể tách rời" của nước này, và Bắc Kinh đã hạn chế đảo này tham gia nhiều tổ chức quốc tế, trừ khi đảo này tham gia trên nguyên tắc "một Trung Quốc".
Đài Loan từng có tư cách quan sát viên tại WHO cho đến năm 2016. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân chủ Tiến Bộ trở thành lãnh đạo đảo này. Kể từ đó, Đài Loan đã chịu nhiều sức ép từ phía Bắc Kinh như việc nhiều đồng minh ngoại giao của đảo này quyết định dứt tình theo Bắc Kinh, hay việc Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự ở Eo biển Đài Loan.
WHO lập luận rằng việc Đài Loan không được tham gia các cuộc họp của các quốc gia thành viên tổ chức này không ảnh hưởng đến việc chia sẻ thông tin và hướng dẫn y tế, bởi các chuyên gia và nhân viên y tế của Đài Loan vẫn tương tác với các đồng nghiệp quốc tế của họ thông qua tổ chức này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát, bao gồm cả các quan chức Đài Loan, đã tuyên bố rằng việc này có tác động tiêu cực cả trong công cuộc chống SARS và chống COVID-19 hiện nay.
Natasha Kassam, một chuyên gia về Trung Quốc, Đài Loan và ngoại giao tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia, nói rằng ngay từ đầu trong đại dịch COVID-19, việc thiếu các kênh liên lạc trực tiếp và kịp thời giữa WHO và Đài Loan "đã dẫn đến việc báo cáo không chính xác về các trường hợp ở Đài Loan" do các nhân viên của WHO chỉ thu thập số liệu thông qua Bắc Kinh. "Chính quyền đảo Đài Loan đã phàn nàn về việc không được tiếp cận với các dữ liệu và hỗ trợ của WHO", cô nói.
Việc thiếu thông tin đó có thể đã buộc Đài Loan phải tự hành động và sớm đưa ra quyết định độc lập với hướng dẫn của WHO và sự đồng thuận quốc tế.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ là đến từ hai phía, chính vì thế trong những tuần gần đây, các quan chức Đài Loan đã liên tục phàn nàn rằng họ gặp khó khăn trong việc cùng thế giới chung tay chống lại đại dịch COVID-19.
"Chúng tôi muốn giúp đỡ - chúng tôi muốn cử các bác sĩ, nhà nghiên cứu, các y tá tuyệt vời của chúng tôi, muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của chúng tôi với các quốc gia khác", ông Trần Kiến Nhân, cấp phó của bà Thái An Văn và đồng thời là một nhà dịch tễ học từng theo học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói với Phòng Thương mại Mỹ tại Đài Bắc tuần trước. "Chúng tôi muốn trở thành công dân toàn cầu và muốn đóng góp, nhưng lúc này chúng tôi không thể."
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Hồng Kong RTHK tuần trước, các quan chức Đài Loan đã nhân cơ hội chất vấn Trợ lý tổng giám đốc WHO Bruce Aylward về vấn đề này, tuy nhiên ông này dường như né tránh câu hỏi về Đài Loan và đổ lỗi cho các vấn đề kết nối internet.
Trong một tuyên bố, WHO cho biết: "Tư cách thành viên của đảo Đài Loan trong WHO là do các quốc gia thành viên của WHO quyết định, chứ không phải nhân viên của WHO".
Phát biểu với các phóng viên hôm thứ Sáu tuần trước (3/4), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói rằng tất cả các bên đều hiểu rõ "rằng các thành viên của WHO phải là các quốc gia có chủ quyền".
"Không có vấn đề gì đối với việc Đài Loan tham gia vào các sự kiện có liên quan của WHO và việc họ nhận được thông tin về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả đại dịch này", bà Hoa cho biết. "Chúng tôi hy vọng (Mỹ và Đài Loan) dừng việc lấy cớ đại dịch để thao túng chính trị."
Trong khi đó, phát ngôn viên của WHO nói với CNN rằng "một số người đang nhầm lẫn về nhiệm vụ của WHO đối với y tế công cộng toàn cầu và nhiệm của các quốc gia trong việc xác định tư cách thành viên của WHO.”
"Hàng năm, các nhà chức trách và chuyên gia của WHO và Đài Loan vẫn tương tác về các vấn đề khoa học và sức khỏe cộng đồng quan trọng, theo các thỏa thuận được thiết lập. Trong đại dịch COVID-19 hiện nay, cũng có những tương tác thường xuyên như vậy", phát ngôn viên của WHO trả lời câu hỏi của CNN - "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến. WHO đang học tập kinh nghiệm từ tất cả các khu vực trên thế giới, bao gồm cả đảo Đài Loan."