Theo tờ The Guardian, 10 quốc gia đang có số ca lây nhiễm virus tăng mạnh nằm trong số những nước có ít biện pháp nghiêm ngặt để phòng dịch bệnh hoặc số ca tăng sau khi nới lỏng. Các quốc gia này gồm: Đức, Ukraine, Mỹ, Thuỵ Sĩ, Saudi Arabia, Thuỵ Điển, Brazil, Argentina, Colombia và Bolivia.
Một hiệu cắt tóc mở cửa phục vụ khách hàng ở New York, Mỹ ngày 22/6. Ảnh: THX/TTXVN
Phân tích dữ liệu về COVID-19 của The Guardian và Đại học Oxford cho thấy đa số 10 quốc gia nói trên cũng là những nước có phản ứng “nhẹ nhàng” với đại dịch.
Trong số những nước đó có Mỹ, quốc gia đang có số ca mắc COVID-19 cao nhất kể từ tháng 4, Iran cùng Đức và Thụy Sĩ – hai quốc gia châu Âu chứng kiến ca mắc tăng trong tuần. Ukraine cũng ghi nhận trên 1.000 ca mắc ngày 26/6.
Đa số quốc gia trên đều đối mặt với khả năng đón làn sóng thứ hai vì các biện pháp phòng dịch lỏng lẻo ngay từ đầu hoặc do nới lỏng phòng dịch khiến ca mắc tăng lên từng tuần.
Mặc dù các chuyên gia cảnh báo rủi làn sóng thứ hai nhưng khi đối mặt với tình trạng kinh tế suy giảm do phong tỏa, nhiều nước vẫn chọn mở cửa lại kinh tế.
Một quốc gia được xếp vào loại "nới lỏng" nếu chỉ số về mức độ nghiêm ngặt trong phòng dịch dưới 70 điểm (trên 100 điểm). Chỉ số của Đại học Oxford đánh giá dự trên các chiến dịch thông tin công cộng, biện pháp kiềm dịch, đóng cửa để đánh giá trên thang điểm 100.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Berlin, Đức, ngày 15/6. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh ở Đức nhảy lên gần 3 đầu tuần này sau khi dịch bệnh bùng phát tại một lò mổ khiến hai hạt phải phong tỏa trở lại. Điều này xảy ra sau khi Đức giảm biện pháp phòng dịch. Chỉ số của Đức giảm từ 73 đầu tháng 5 xuống 50.
Saudi Arabia và Iran cũng hai nước đang chứng kiến làn sóng thứ hai sau khi nới lỏng biện pháp phong tỏa.
Iran bắt đầu có số ca mắc bệnh đạt đỉnh lần thứ hai khi nới lỏng phong tỏa trong tháng 5. Giới chức Iran cho rằng đó là do làm nhiều xét nghiệm hơn, nhưng tỷ lệ xét nghiệm dương tính cũng tăng cùng thời điểm, cho thấy virus một lần nữa lại lây lan ở Iran.
Trong khi đó, chỉ số của Mỹ giảm trong tháng 6 sau khi vài bang nới lỏng phong tỏa, dẫn tới ca mắc trong tuần tăng đột biến 25% so với tuần trước.
Một số trong 45 quốc gia có trên 25.000 ca mắc COVID-19 vẫn bị phong tỏa và chỉ số đạt từ 70 đến 80 nhưng số ca mắc vẫn tiếp tục tăng.
Brazil là một trong số các nước này. Brazil chứng kiến số ca mắc cao thứ hai thế giới.
Một số quốc gia áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt thời gian đầu nhưng vẫn có số ca tăng là Bolivia, Argentina và Colombia khi nới lỏng.
Cả ba nước đều đang trong làn sóng thứ nhất. Argentina phong tỏa sớm và được ca ngợi là thành công trong chống dịch ở Nam Mỹ khi số ca không tăng trong tháng 3 và 4. Tuy nhiên, sau khi mở cửa một chút cuối tháng 4 và đầu tháng 5, số ca tăng hơn gấp 4 lần.
Tiến sĩ Andrea Ammon, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, cảnh báo rằng đặc điểm của virus (mức độ miễn dịch cộng đồng thấp và mức độ lây lan cao) cho thấy các nước cần phải thực tế và giờ chưa phải lúc hoàn toàn nới lỏng.
Chính sách đóng cửa và kiềm chế dịch được chứng minh là cần thiết để phá vỡ chuỗi lây nhiễm và làm giảm tốc độ lây nhiễm. Các biện pháp tốn kém này khiến các chính phủ có thời gian xét nghiệm và lần dấu vết người tiếp xúc, tăng năng lực y tế và các chính sách khác cần thiết để quản lý dịch bệnh lâu dài.
Do đó, nếu các chính phủ nới lỏng phòng dịch quá nhanh mà không có biện pháp bảo hộ thì có thể họ sẽ chứng kiến làn sóng thứ hai.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 27/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 9.883.623 ca, trong đó có 495.613 người thiệt mạng.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 180.293 trường hợp mắc COVID-19 và 4.624 ca tử vong. Trước làn sóng lây nhiễm tăng mạnh, ít nhất 11 bang ở Mỹ đã phải tạm ngừng mở cửa lại.