10 ‘ông lớn’ dẫn đầu top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

B.Ngọc |

TTO - 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước chiếm 0,08% số lượng doanh nghiệp, nhưng tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng giá trị tài sản, 15,8% doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp tư nhân cả nước.

10 ‘ông lớn’ dẫn đầu top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất lọt top 10 doanh nghiệp tư nhân có tài sản lớn nhất nước - Ảnh: H.P

Hằng năm khu vực doanh nghiệp tư nhân cả nước đóng góp 15 triệu tỉ đồng doanh thu, tạo việc làm cho 9,075 triệu người.

Thông tin được Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong báo cáo 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) vừa công bố.

Báo cáo này được NCIF phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) thực hiện từ tháng 2 đến tháng 7-2022.

Theo báo cáo VPE500, dẫn đầu nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước hiện nay xét theo quy mô sử dụng lao động, tài sản, doanh thu là 10 cái tên quen thuộc, những "đại gia" hàng đầu hiện nay.

Xếp theo thứ tự từ 1 đến 10 trong báo cáo VPE500 là Công ty CP Thế giới di động, Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce, Công ty CP ô tô Trường Hải, Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty CP Vinpearl.

Công ty CP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty CP Đầu tư Thái Bình, Công ty CP thương mại Bách Hóa Xanh, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.

Trong số 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay, có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng.

Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn cũng là những doanh nghiệp thuộc sở hữu hoặc gắn bó với các tỉ phú giàu có hàng đầu Việt Nam như ông Phạm Nhật Vượng (2 doanh nghiệp), ông Trần Đình Long (2 doanh nghiệp), ông Trần Bá Dương (1 doanh nghiệp), ông Nguyễn Đức Tài (2 doanh nghiệp)…

Bên cạnh đó, báo cáo VPE500 vừa công bố cũng ghi nhận một số doanh nghiệp tư nhân có quy mô tài sản lớn hiện nay như: Công ty TNHH phần mềm FPT, Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast, Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP xây dựng Coteccons, Công ty CP thực phẩm sữa TH, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji…

Số liệu được đưa ra trong báo cáo VPE500 cho thấy đến hết năm 2019 cả nước có 668,5 ngàn doanh nghiệp, trong đó có 647,6 ngàn doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Trong giai đoạn 2016-2019, các doanh nghiệp thuộc nhóm VPE500 có quy mô sử dụng lao động gấp 83 lần, tổng tài sản bình quân cao gấp 132 lần, doanh thu thuần gấp 123 lần mức bình quân của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Các VPE500 có tốc độ gia tăng tài sản rất cao, tăng bình quân khoảng 15,4%/năm, doanh thu tăng khoảng 11,7%/năm, nhưng năng suất lao động chỉ tăng khoảng 5,3%/năm.

Về phân bố hoạt động của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, báo cáo VPE500 cho thấy các doanh nghiệp tư nhân lớn xuất hiện tại 57 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhưng có khoảng 50% số doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước có trụ sở tại TP.HCM và Hà Nội, còn lại đa số các doanh nghiệp tập trung ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên, Ninh Bình.

Nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước tập trung kinh doanh trong các ngành nghề như công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, và xây dựng.

Trung bình khoảng 20% doanh nghiệp xuất hiện trong danh mục VPE500 năm nay không xuất hiện trong danh mục VPE500 năm sau. Khoảng 10% doanh nghiệp chỉ xuất hiện 1 lần trong VPE500, các doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ có biến động lớn nhất. Thực tế này cho thấy sự không ổn định của thị trường Việt Nam và sự thiếu bền vững của các doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại