THƯƠNG VỤ M&A KINH ĐIỂN
Vicostone được thành lập năm 2002 tiền thân là Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex, với tên ban đầu là Công ty cổ phần Đá ốp lát cao cấp Vinaconex và đổi tên năm 2013. Lịch sử kinh doanh thăng hoa của Vicostone gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Xuân Năng.
Ông Năng gia nhập Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex năm 1999 với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT. Thời điểm ông Năng tiếp nhận Vicostone năm 1999-2001, công ty này đang đứng bên bờ vực phá sản.
Ông Năng nhanh chóng nhận ra nguyên nhân dẫn đến nhà máy hoạt động không hiệu quả là định hướng thị trường sai khi phục vụ thị trường nội địa. Công ty này chuyển hướng sang nhập khẩu nguyên liệu bằng đá nhập khẩu, áp dụng công nghệ được chuyển giao độc quyền từ Breton để sản xuất đá ốp lát nhân tạo.
Năm 2004, Vicostone xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Úc, đánh dấu thời kỳ tăng trưởng liên tục trong những năm tiếp theo.
Năm 2007, công ty được chọn làm nhà cung cấp đá ốp lát cao cấp cho các sòng bài của khu giải trí City Center (Las Vegas), Mỹ. Vicostone bắt đầu có những thay đổi trong kinh doanh kể từ năm 2007 khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX và chinh phục thị trường Mỹ.
Năm 2014 được xem là dấu mốc cho sự bùng nổ của Vicostone khi trở thành công ty con của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa). Ông Năng cũng được cho là người lên kịch bản cho thương vụ M&A kinh điển này.
Tháng 8/2014, đại hội cổ đông bất thường của CTCP Vicostone (VCS) đã thông việc tái cấu trúc công ty với nội dung quan trọng là chấp thuận Vicostone trở thành công ty con của Phenikaa.
Theo đó Vicostone đã chấp thuận việc công ty Phenikaa mua lại 58% cổ phần của Vicostone mà không phải thông qua chào mua công khai. Thời điểm này Công ty Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 6 năm với hãng Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh.
Việc Phenikaa ký kết hợp đồng độc quyền với Breton, đồng nghĩa với việc Vicostone sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ Breton. Cổ phiếu Vicostone đã tăng gấp đôi trong tháng 8 và 9/2014 trước việc trở thành công ty con của Phenikaa.
Đến tháng 12/2014, theo đề xuất của nhóm cổ đông Phenikaa đồng thời được sự đồng ý của Hội đồng quản trị Vicostone, ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone – đã mua lại phần vốn góp tại Phenikaa. Tại ngày 31/12/2014, ông Hồ Xuân Năng sở hữu 54 triệu cổ phần, tương đương 90% vốn điều lệ của Phenikaa.
Năm 2015, sau khi hoàn tất tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành, các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng và doanh thu sản phẩm của Vicostone đều cao hơn năm 2014 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay như tổng doanh thu tăng 25,7%; lợi nhuận sau thuế tăng 90,7% so với năm 2014.
Chủ tịch Hồ Xuân Năng.
ĐẦU TƯ MẠNH VÀO CÔNG NGHỆ VÀ CON NGƯỜI, GIÁ CỔ PHIẾU TĂNG 37 LẦN
Giai đoạn 5 năm 2014-2018 Vicostone đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu và lợi nhuận trước thuế của giai đoạn này tương ứng đạt mức gần 30% và 80%. Cổ tức bằng tiền chi trả hàng năm trong giai đoạn này đạt mức cao, từ 20% đến 40%.
Đây là mức cao so với trung bình thị trường ngành vật liệu xây dựng nói riêng và thị trường chứng khoán Việt nam nói chung trong bối cảnh kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo đánh giá của chính ban lãnh đạo Vicostone, sự thành công của giai đoạn này đạt được là nhờ 3 yếu tố cốt lõi. Một là, Vicostone duy trì sự dẫn dắt và vị thế khác biệt trên thị trường dựa trên sự đầu tư đúng đắn vào công nghệ. Công nghệ tiên tiến được áp dụng toàn diện trên cả hai khía cạnh quản trị và sản xuất kinh doanh.
Sự đầu tư lớn cho công nghệ và nghiên cứu khoa học đã mang lại hiệu quả rõ nét và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững dài hạn.
Hai là, Vicostone đặt trọng tâm vào công tác phát triển con người, cung cấp cho họ cơ hội phát triển bản thân và sự nghiệp. Công ty không ngừng thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo thành công đội ngũ lãnh đạo kế cận lứa tuổi 30 đến 45, sở hữu năng lực đáp ứng yêu cầu kinh doanh quốc tế, cùng khả năng hội nhập và thích ứng nhanh.
Ba là, Vicostone thực hiện chiến lược nâng cao tỉ lệ nội địa hoá nguồn nguyên liệu đầu vào, đạt được vị thế chủ động trước các diễn biến khó kiểm soát trên thị trường.
Năm 2018, doanh thu của Vicostone đạt mức hơn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu năm 2013 chỉ ở mức, lợi nhuận là tỷ đồng. Trước thời điểm M&A năm 2014, giá cổ phiếu của công ty chỉ khoảng 7 nghìn đồng thì lập đỉnh vào ngày 3/4/2018 lên mức 263 nghìn đồng, tăng gấp 37 lần.
Kết quả kinh doanh của Vicostone từ 2006-2019.
Biến động giá cố phiếu của VCS, lập đỉnh vào tháng 4/2018. Đây là giá cổ phiếu sau khi điều chỉnh cho chia tách cổ phiếu.
QUAY VỀ THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
2018 được xem là năm đỉnh cao với Vicostone tuy nhiên đây cũng là lúc hợp đồng độc quyền về công nghệ với hãng Breton của công ty hết hiệu lực. Khi đã mất ưu thế độc quyền công nghệ, nhiều đơn vị trong nước có thể sẽ đầu tư, xây dựng các dây chuyền sản xuất đá thạch anh nhân tạo với công nghệ này, làm "loãng" thị trường với các sản phẩm tương tự.
Điều này là một trong những yếu tố khiến Vicostone quay về phát triển thị trường nội địa sau 15 năm tập trung xuất khẩu.
Cũng phải nói thêm doanh thu từ các thị trường Mỹ, Bắc Âu, Úc chiếm tỷ trọng lên tới 98,8% tổng doanh thu xuất khẩu của Vicostone năm 2018. Đây là các thị trường vốn rất khắt khe về chất lượng, độ đa dạng và tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Song song với sự "khó tính" này là sức mua rất lớn, nên đây cũng là mục tiêu chính của các công ty sản xuất đá nhân tạo trên thế giới. Trong số các công ty này có không ít các đối thủ có bề dày kinh nghiệm và quy mô hơn hẳn Vicostone.
Mặc dù trong 5 năm gần đây Vicostone luôn giữ đà tăng trưởng cao với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) gần 30% về tổng doanh thu; nhưng trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới biến động từng ngày như hiện nay, Vicostone sẽ có thể phải đối mặt với khả năng suy giảm tăng trưởng doanh thu.
Ngoài ra việc các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển đổi nguồn gốc nhập khẩu vào Mỹ sang các nước thứ 3 và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sang các thị trường khác sẽ là nguy cơ rủi ro không nhỏ cho hoạt động kinh doanh của Vicostone.
Năm 2019, Vicostone nhận định nền kinh tế thế giới 2020 dự báo sẽ chững lại, thậm chí có nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của hàng loạt sự kiện. Mức độ lan rộng của dịch COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc tháng 12/2019 sẽ có thể tạo nên tác động khó lường trên quy mô toàn cầu.
Ngoài ra, nguy cơ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, cuộc chiến giá dầu với dấu hiệu của cuộc khủng hoảng dầu mỏ đang ảnh hưởng lớn đến nhu cầu xây dựng mới và cải tạo lại nhà ở tại các thị trường lớn của công ty này, tác động mạnh đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bề mặt trong đó có đá thạch anh.
Trong khi đó thị trường nội địa tuy chưa phải là thị trường có mức đóng góp doanh thu cao, nhưng là một trong những thị trường tiềm năng. Điểm thuận lợi là sử dụng đá tự nhiên vẫn là xu hướng tiêu dùng chính tại thị trường Việt. Điều này tạo cơ hội cho các thương hiệu đá nhân tạo muốn gia nhập nắm lấy cơ hội tiên phong, dẫn dắt thị trường.
MỞ RỘNG SANG MẢNG GIÁO DỤC
Từ những năm 2008- 2009, chủ tịch Hồ Xuân Năng đã dự định đầu tư vào một trường Đại học, nhưng lúc đó khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, Vicostone lại đang đầu tư vào thị trường Mỹ, nên ông đành gác lại dự định này.
Năm 2015-2016, ông Năng mới quay trở lại để thực hiện ước mơ đó, nhưng mới chỉ mua được 35% cổ phần của Trường Đại học Phenikaa. Đến cuối năm 2017 ông mới kiểm soát hoàn toàn được Trường Đại học Phenikaa.
Trường ĐH Phenikaa có diện tích gần 14 ha, tọa lạc tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, ra đời năm 2017 sau khi Tập đoàn Phenikaa mua lại Trường đại học Thành Tây (thành lập năm 2007). Được biết, Phenikaa cam kết rót 1.600 tỷ đồng cho đại học Thành Tây.
Tính tới tháng 3/2019, cơ cấu tổ chức của Trường gồm có 5 Phòng, 1 Ban, 13 Khoa, 3 Viện và 1 Trung tâm nghiên cứu. Ba viện nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn bao gồm Viện nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI), viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa (PIAS), Viện nghiên cứu nano (PHENA).
Viện PRATI được thành lập trên cơ sở Trung tâm R&D của Tập đoàn Phenikaa, do đó sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng, sẽ nghiên cứu những gì có thể ra được patent, từ đó tập đoàn sẵn sàng đầu tư triển khai.
Viện TIAS thuộc Trường Đại học Phenikaa thì nghiêng về nghiên cứu cơ bản, kết hợp với PRATI sẽ hỗ trợ tích cực để Trường Đại học Phenikaa hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trường đại học đa ngành hàng đầu của Việt Nam dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thực hành.
Tập đoàn này định hướng Trường Đại học Phenikaa, trong vòng một thập niên nữa phải là một đại học có hàm lượng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cao.