10 năm chật vật tìm nguồn thu của bầu Đức: Sản phẩm chủ lực thay đổi liên tục từ cao su, mía, bò, trái cây giờ đây là nuôi heo

Tri Túc |

Tựu chung, biến động là điều hiển nhiên trong kinh doanh, đặc biệt giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn rủi ro tăng cao. Riêng HAGL, bối cảnh hiện nay áp lực nợ và dòng tiền đã tương đối được nới lỏng, kỳ vọng rằng định hướng mới của bầu Đức sẽ mang về quả ngọt lâu dài.

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa khép lại 6 tháng đầu năm 2021 – năm đầu tiên bầu Đức trút được một phần gánh nặng nợ sau khi thảo thuận chuyển giao lại HAGL Agrico (HNG) cho Thaco, và cũng là năm đầu BCTC cho thấy những tín hiệu mới, lạc quan hơn dù cơ cấu tài chính vẫn còn áp lực nợ.

Đáng chú ý, mảng nuôi heo sau 1 năm đã nhanh chóng trở thành nguồn thu chính của doanh nghiệp khi đóng góp đến 190 tỷ đồng doanh thu – ngang ngửa con số từ mảng chủ lực hiện nay là cây ăn trái. Thậm chí, biên lãi cao khiến heo thu lợi gộp hơn 94 tỷ đồng – gấp đôi lợi nhuận từ cây ăn trái.

Ngay lập tức gửi tâm thư cho cổ đông, bầu Đức tuyên bố đã hoàn thiện hệ thống chuồng trại, sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm. Đồng nghĩa, nuôi heo cũng sẽ là 1 trong 2 mảng chủ lực thời gian tới của HAGL, song song với cây ăn trái.

Một động thái tuy bất ngờ nhưng không quá lạ lẫm với bầu Đức, nhìn từ 15 năm xoay vần với sự quyết định táo bạo cùng những tuyên bố mạnh mẽ, bỏ bất động sản trồng cao su, bỏ cao su đi nuôi bò, dừng nuôi bò chuyển sang đầu tư vườn cây ăn trái.

Tương ứng, cơ cấu doanh thu của HAGL cũng liên tục thay đổi suốt giai đoạn 2007-2020. Trong đó, nếu bất động sản là nguồn thu chính của doanh nghiệp giai đoạn 2008-2012, thì 2 năm tiếp theo mía đường thay thế và trở thành mảng chủ lực.

Từ năm 2015, cơ cấu tiếp tục thay đổi đáng kể, nuôi bò nổi lên và đóng góp hơn phân nửa doanh thu Công ty. Dù vậy, chỉ đến năm 2017, bầu Đức tuyên bố sẽ dốc toàn lực cho cây ăn trái, còn dự án nuôi bò hay cọ dầu đều tạm dừng bởi không có tiền để làm.

Không thể phủ nhận, những ngành nghề bầu Đức nhắm đến thực tế đều có tiềm năng rất lớn, cho thấy tầm nhìn của người cầm cương.

Song, công cuộc xoay vần đã không mang về kết quả lâu dài cho doanh nghiệp. Có lẽ, áp lực dòng tiền do dư nợ quá lớn là một trong những nguyên nhân khách quan khiến HAGL phải liên tục thay đổi. Bởi, "việc bán dự án cũng giúp chúng tôi giảm nợ", bầu Đức từng chia sẻ.

10 năm chật vật tìm nguồn thu của bầu Đức: Sản phẩm chủ lực thay đổi liên tục từ cao su, mía, bò, trái cây giờ đây là nuôi heo - Ảnh 1.

Về phía bầu Đức, là một doanh nhân bộc trực và quyết đoán, 15 năm thăng trầm của ông cũng để lại không ít những dấu ấn trên thương trường. Xuất phát điểm là một đơn vị đóng bàn ghế gỗ cho học sinh, bầu Đức từ 2 bàn tay trắng đã gầy dựng lên HAGL – Tập đoàn thuộc Top của thị trường.

Giai đoạn 2007-2012, với lợi thế từ quỹ đất lớn, HAGL liên tục thu lợi lớn từ bất động sản. Thậm chí bầu Đức còn chơi ngông phá giá khiến nhiều đơn vị cùng ngành điêu đứng. Dòng tiền dồi dào, bầu Đức bấy giờ đầy tự tin bước vào những ngành tiềm năng khác như khoáng sản, thuỷ điện, mía đường và đặc biệt là cao su.

Cũng cần nhấn mạnh, đổ lượng tiền lớn vào cao su là bước đi đầy tính toán và thận trọng của bầu Đức, khi "thị trường bất động sản nóng một cách bất thường khiến tôi lo ngại, HAGL cũng cần phát triển thêm nhiều chân để tạo sự cân bằng".

Giai đoạn 2011-201, giá cao su trên thị trường thế giới tăng chóng mặt, thậm chí có lúc chạm mốc 6.000 USD/tấn đã mang về lợi nhuận lớn cho HAGL. Lúc bấy giờ, bầu Đức ước tính sau 5 năm sẽ thu về 200-300 triệu USD. Tuy nhiên, sự lao dốc không lường trước của giá cao su trên thế giới đưa HAGL từ ăn cả ngã về 0.

Trong lần chia sẻ gần nhất, bầu Đức nói: "Trong kinh doanh đừng nói trước điều gì. Không có gì tiếc nuối, sai thì chịu!".

Giá thức ăn tăng chóng mặt cũng đẩy chi phí tăng và thu hẹp lợi nhuận doanh nghiệp. Chưa kể, Trung Quốc sau động thái tăng tái đàn, thậm chí nuôi siêu heo (mỗi con heo nặng đến 3-4 tạ) đang đẩy thị trường heo vào cơn khủng hoảng thừa cung, tác động làm giảm giá thịt heo trên toàn thế giới.

Và hôm nay, nhảy vào mảng nuôi heo từ năm 2020 cũng là bước đi mang tính xu thế của HAGL, khi giá thịt heo năm tăng cao do thiếu hụt nguồn cung (sau đợt khủng hoảng dịch tả châu Phi).

Dù rằng hiện tại, giá thịt heo đang quay đầu giảm sốc trước nguy cơ tái bùng phát dịch tả khiến nhu cầu tiêu thụ giảm.

Tựu chung, biến động là điều hiển nhiên trong kinh doanh, đặc biệt giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn rủi ro tăng cao. Riêng HAGL, bối cảnh hiện nay áp lực nợ và dòng tiền đã tương đối được nới lỏng, kỳ vọng rằng định hướng mới của bầu Đức sẽ mang về quả ngọt lâu dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại