10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng

Aozora |

Khoa học công nghệ đang từng ngày tạo ra những kỳ tích không tưởng, dần hiện thực hóa những giấc mơ tưởng viển vông, một thời chỉ tồn tại trên phim ảnh.

Hãy cùng xem qua danh sách 10 bước tiến công nghệ gây tiếng vang nhất trong năm 2018 vừa qua do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) – một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới – bình chọn:

    In 3-D kim loại

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 1.

Công nghệ in 3-D vốn chẳng còn xa lạ với nhiều người trong vài thập niên trở lại đây, song vẫn chỉ được sử dụng chủ yếu như một thú vui cao cấp hay thiết kế nên những nguyên mẫu độc bản mang tính tượng trưng.

Bên cạnh đó, in 3-D cũng mới dừng lại ở vật liệu chất dẻo plastic, trong khi với những vật liệu khác – đặc biệt là kim loại – thì quá trình này hết sức đắt đỏ và chậm kinh khủng.

Nhưng trong năm nay, những cải tiến công nghệ đã cho phép in 3-D kim loại được tiến hành nhanh chóng với chi phí phải chăng, từ đó mở ra hàng loạt cơ hội ứng dụng cho sản xuất và khoa học.

Công nghệ này giúp tạo ra các vật thể nhẹ hơn, bền chắc hơn, với đủ hình dạng phức tạp cũng như vi cấu trúc tinh xảo mà các phương pháp luyện kim truyền thống không đời nào có thể đáp ứng được.

      Phôi nhân tạo

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 2.

Một đột phá định nghĩa lại cách mà sự sống có thể nảy sinh: các nhà nghiên cứu phôi thuộc Đại học Cambridge, Vương quốc Anh đã nuôi cấy thành công các phôi chuột trông như thật được phát triển chỉ từ tế bào gốc. Không cần trứng. Không cả tinh trùng.

Nhà nghiên cứu Magdelena Zernicka-Goetz, trưởng nhóm thực hiện, cho biết các phôi này có thể sẽ không phát triển thành những con chuột con, song chúng mở ra hi vọng một ngày nào đó chúng ta có thể cho ra đời các con vật mà không cần trứng hay tinh trùng, hỗ trợ cho nghiên cứu di truyền và đặc biệt là chỉnh sửa gen.

Tuy vậy các câu hỏi về đạo đức cũng đang được đặt ra. Sẽ thế nào nếu các phôi nhân tạo giống hệt phôi tự nhiên? Chúng có thấy đau khi trải qua các thí nghiệm không? Và nếu ai đó áp dụng công nghệ này cho tế bào người thì hậu quả là gì?

      Sensing City

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 3.

Hàng loạt dự án thành phố thông minh trên thế giới đã phải tạm dừng triển khai, hạ thấp tham vọng hoặc vượt quá ngân sách đề ra. Trong lúc đó một dự án mới tại Toronto với tên gọi Quayside đang hi vọng sẽ không đi vào vết xe đổ đó, bằng cách nhìn nhận lại đô thị từ mặt đất trở lên và tái thiết nó với những công nghệ kĩ thuật số tối tân nhất.

Phòng thí nghiệm Alphabet’s Sidewalk đặt tại New York đang hợp tác với chính phủ Canada trong dự án công nghệ cao được gọi là “Sensing City” này. Một trong những mục tiêu là xây dựng thiết kế, chính sách và công nghệ của thành phố dựa trên thông tin thu thập được từ một mạng lưới cảm biến rông khắp, ghi nhận mọi thứ từ chất lượng không khí đến mức độ tiếng ồn và cả hoạt động của người dân.

Mọi phương tiện giao thông sẽ tự động và được chia sẻ, robot sẽ ngang dọc khắp nơi làm các công việc đơn điệu thay cho con người, ví dụ như giao hàng.

      AI cho tất cả mọi người

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 4.

Trí tuệ nhân tạo hiện đã trở thành trợ thủ đắc lực cho các ông lớn công nghệ như Amazon, Baidu, Google, và Microsoft, cũng như một vài nhà khởi nghiệp. Song đối với phần còn lại của nền kinh tế, AI vẫn tỏ ra quá đắt đỏ và phức tạp để có thể vận hành một cách hoàn hảo.

Giải pháp là gì? Các công cụ machine-learning dựa trên điện toán đám mây đang đưa AI tới gần hơn với phần lớn dân số. Amazon thống trị mảng AI điện toán đám mây với công ty con AWS, trong khi Google đang thử nghiệm TensorFlow, một thư viện AI mã nguồn mở có thể được dùng để xây dựng các phần mềm machine-learning khác.

Microsoft đang hợp tác với Amazon để cho ra đời Gluon, một thư viện học sâu (deep-learning) mã nguồn mở, hứa hẹn giúp cho việc thiết kế các mạng lưới thần kinh – một công nghệ AI chủ chốt mô phỏng cách thức hoạt động của não người – trở nên dễ dàng như thiết kế một ứng dụng smartphone thông thường.

      Các mạng thần kinh giao đấu

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 5.

Trí tuệ nhân tạo đang làm rất tốt công việc nhận diện: cho nó xem một triệu bức ảnh, sau đó nó sẽ chỉ ra chính xác bức nào chụp một người đi bộ đang băng qua đường. Song AI lại bất lực trong việc tự vẽ ra một bức hình người qua đường.

Nếu làm được vậy, nó sẽ có thể tạo ra hàng loạt bức ảnh “ảo” mà “thật” mô phỏng thực tế, hỗ trợ những công việc như huấn luyện xe tự lái nhận biết tình huống giao thông mà không cần trực tiếp lăn bánh trên đường.

Hiện nay các hệ thống AI đã có thể tự trao đổi và học tập, thậm chí giao đấu với nhau để cho ra đời những sản phẩm như vậy. Điều này làm cho chúng trông như có khả năng “tưởng tượng”, tức là ít lệ thuộc con người hơn.

Tuy vậy năng lực đó cũng có thể được hướng sai mục đích vào việc tạo ra các thông tin giả, gây nhiễu dư luận, cũng như đặt ra mối lo ngại về sức mạnh tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo. Liệu đã đến lúc phim ảnh trở thành hiện thực?

      Nút tai Babel-Fish

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 6.

Trong bộ phim khoa học giả tưởng kinh điển The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy, bạn có thể thái một lát cá Babel vàng cho vào tai để dịch ngôn ngữ trong một thời gian ngắn. Trong thế giới thực, Google đã đạt được một giải pháp dễ chịu hơn: một đôi nút tai giá 159 USD tên là Pixel Buds.

Thiết bị này hoạt động kèm với smartphone Pixel và ứng dụng Google Translate để tạo ra bản dịch ngôn ngữ gần như tức thời.

Pixel Buds vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện. Chúng trông khá “ngố”, và không phải lúc nào cũng vừa với tai người dùng. Một nhược điểm nữa là khó cài đặt với điện thoại. Tuy vậy công nghệ này mở ra hi vọng giao tiếp thông suốt giữa những ngôn ngữ khác nhau gần như tức thời, và quan trọng là không cần đến cá nữa.

      Khí tự nhiên không carbon

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 7.

Thế giới đang xem khí tự nhiên như là nguồn nhiên liệu hàng đầu để tạo năng lượng trong tương lai gần. Rẻ và sẵn có, khí tự nhiên hiện đang đóng góp 22% tổng điện năng toàn cầu. Tuy nhiên, dù có sạch hơn than đá đôi chút, đây vẫn là nguồn phát thải carbon khổng lồ.

Một trạm phát điện thử nghiệm ngay ngoại ô Houston, trái tim của ngành khai thác dầu khí và lọc dầu của nước Mĩ, đang thử nghiệm hiện thực hóa công nghệ tạo năng lượng sạch từ khí tự nhiên.

Công ty đứng đằng sau dự án 50 megawatt này, với cái tên Net Power, tin rằng nó có thể sản xuất điện rẻ ít nhất bằng các trạm phát truyền thống dùng khí tự nhiên, đồng thời có thể thu hồi toàn bộ khí carbon được tạo ra trong quá trình vận hành.

      Sự riêng tư tuyệt đối trên mạng

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 8.

Quyền riêng tư tuyệt đối trên không gian mạng rốt cuộc đã có thể được đảm bảo với sự xuất hiện của một công cụ cho phép bạn làm nhiều việc như xác nhận đủ 18 tuổi mà không cần khai bào ngày sinh, hay xác nhận có đủ tiền trong tài khoản để thực hiện một giao dịch mà không cần kê khai chi tiết thông tin tài khoản.

Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bị lộ dữ liệu cá nhân vào tay kẻ xấu, cũng như truy tìm tội phạm mạng.

Công cụ này là một giao thức đồ họa ảo đang nổi lên với tên gọi Zero-knowledge Proof, được thúc đẩy nhờ sự phát triển của tiền ảo, mà phần lớn là không đảm bảo an ninh mạng, trong thời gian vừa qua.

      “Tiên tri” bằng di truyền học

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 10.

Một ngày nào đó, các em bé sơ sinh sẽ dược cấp thẻ ghi DNA khi chào đời. Trong thẻ sẽ cho biết dự đoán khả năng mắc ung thư, bệnh tim, nghiện thuốc lá, thậm chí khả năng có chỉ số thông minh cao hơn trung bình là bao nhiêu.

Điều này có được là nhờ những nghiên cứu di truyền học ở quy mô cực lớn, một vài nghiên cứu bao gồm đến hơn một triệu người tham gia.

Kết quả của chúng cho thấy nhiều bệnh tật phổ biến, hành vi và đặc điểm cơ thể - bao gồm cả trí thông minh – hóa ra là kết quả của sự tương tác giữa nhiều gen trong bộ gen khổng lồ của chúng ta.

      Bước nhảy vọt lượng tử

10 đột phá công nghệ nổi bật nhất năm 2018: Đưa con người chạm đến giấc mơ không tưởng - Ảnh 11.

Viễn cảnh về các máy tính lượng tử siêu mạnh đang dần trở thành hiện thực, giúp con người tiến hành các nghiên cứu ở cấp độ mà máy tính truyền thống từ lâu đã bó tay.

IBM đã mô phỏng được cấu trúc điện tử của một phân tử nhỏ nhờ sự giúp sức của một máy tính lượng tử 7 qubit (qubit là đơn vị thông tin trong máy tính lượng tử tương tự như bit truyền thống, trong đó “qu” viết tắt cho quantum).

Cùng với sự phát triển các máy tính nhiều qubit hơn cũng như các thuật toán lượng tử mạnh mẽ hơn, chúng ta có thể mô phỏng các phân tử lớn và phức tạp gấp nhiều lần, hỗ trợ cho nghiên cứu vật liệu và dược phẩm.

Xa hơn nữa, con người có thể mô phỏng các quần thể động vật, xã hội loài người, thậm chí cả hệ hành tinh hay thiên hà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại