Cứ mỗi dịp đầu năm mới, nhiều người lại bắt đầu đặt ra vô số mục tiêu để cải thiện sức khỏe cho bản thân mình: Từ tập thể dục để giảm cân, ăn nhiều rau và hoa quả, uống đủ nước cho đến dùng chỉ nha khoa và skincare mỗi ngày.
Nhưng đây đã là năm 2022, và việc chăm sóc bản thân không chỉ dừng lại ở việc đến phòng tập gym hay đi spa nữa. Với sự đan xen của các thiết bị và nền tảng công nghệ như điện thoại, máy tính, internet và mạng xã hội vào cuộc sống lẫn công việc của chúng ta, bạn còn phải chú ý đến một khía cạnh mới được gọi là: Sức khỏe kỹ thuật số.
Nina Hersher, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Viện Sức khỏe Kỹ thuật số (Digital Wellness Institute) cho biết sức khỏe kỹ thuật số là trạng thái tối ưu mà mỗi cá nhân có thể đạt được khi họ sử dụng các nền tảng kỹ thuật số.
Cô chia sức khỏe kỹ thuật số ra 5 mức: (1) Hoàn toàn không sử dụng thiết bị kỹ thuật số nào, (2) Sử dụng các thiết bị kỹ thuật số một cách giới hạn và tối thiểu, (4) Sử dụng thiết bị kỹ thuật số quá mức, vượt trên nhu cầu bản thân, (5) Nghiện các thiết bị kỹ thuật số.
Nằm ở giữa dải phổ này là mức độ số (3) Có đời sống kỹ thuật số phong phú, lành mạnh và hạnh phúc. Hóa ra, đây mới là cái đích mà chúng ta nên nhắm đến. Bởi trong thế kỷ 21, chúng ta không thể sống như thế hệ ông bà mình, đoạn tuyệt với tất cả các thiết bị kỹ thuật số. Nhưng chúng ta cũng cần tránh cho mình rơi vào bẫy sử dụng quá mức và bị nghiện các thiết bị này.
Hersher cho biết trạng thái số (3) là một mốc cân bằng mà mọi người nên hướng đến. Làm được điều đó, bạn sẽ vừa có thể sử dụng điện thoại và máy tính để đạt tới hiệu suất làm việc tối ưu, vừa có thể dùng internet và mạng xã hội để kết nối và xây dựng các mối quan hệ bền vững và chất lượng.
Điện thoại, tin nhắn sẽ không còn khiến bạn bị mất tập trung nữa, các email không khiến bạn quá tải và mạng xã hội không thể làm bạn cảm thấy FOMO (sợ bị bỏ lỡ). Mấu chốt của điểm cân bằng này nằm ở câu hỏi: Làm thế nào người dùng có thể tương tác với công nghệ theo cách có được năng lượng tích cực từ đó thay vì thấy mệt mỏi?
5 trạng thái sử dụng công nghệ và bánh xe cân bằng để có đời sống kỹ thuật số phong phú, lành mạnh và hạnh phúc.
5 dấu hiệu cho thấy điện thoại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất của bạn
Ngay tại thời điểm bạn đang đọc bài viết này, mắt của bạn có thể đã cảm thấy mỏi hoặc ngứa bởi việc nhìn vào màn hình. Theo một nghiên cứu năm 2016 từ The Vision Council , có tới 65% người dùng các thiết bị công nghệ thường xuyên bị mỏi mắt.
Một phần nguyên nhân đến từ ánh sáng xanh phát ra từ màn hình có thể gây kích ứng mắt tạm thời. Ngoài ra, khi người dùng nhìn chằm chằm vào điện thoại hoặc máy tính, họ có xu hướng chớp mắt ít hơn so với khi không sử dụng thiết bị. Nhìn không chớp mắt vào ánh sáng chói của màn hình có thể dẫn đến khô mắt, mờ mắt và đau đầu.
Sử dụng máy tính và liên tục trong thời gian dài cũng có thể gây ra các biến chứng về cơ xương khớp. Một khảo sát năm 2019 cho thấy trung bình một người dùng máy tính để làm việc có thể ngồi 6 tiếng 42 phút trước khi đứng dậy đi làm gì đó và rồi lại trở lại.
Trong khi, các bác sĩ khuyến cáo bạn nên đứng dậy khỏi ghế ít nhất mỗi tiếng một lần. Bởi ngồi trong tư thế cố định quá lâu có thể tàn phá cổ, lưng và vai của bạn. Điều tương tự xảy ra khi bạn ngồi gục đầu dùng điện thoại di động, nằm khom lưng trên sofa hoặc trên giường và cuộn qua máy tính bảng.
Có tới một phần ba người dùng công nghệ cho biết họ cảm thấy đau cổ, lưng hoặc vai sau. Sự khó chịu này phổ biến đến mức các bác sĩ phải đặt cho nó một cái tên riêng là "tech neck", hay "hội chứng cổ công nghệ".
Để biết bạn đang có thói quen sử dụng công nghệ quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất hay không, Viện Sức khỏe Kỹ thuật số chỉ ra 5 dấu hiệu:
1. Bạn có dùng các thiết bị có màn hình điện tử như điện thoại, máy tính, máy tính bảng, TV… trong khoảng thời gian 30 phút ban đêm trước khi đi ngủ hay không?
2. Trong vòng 5 phút đầu tiên sau khi thức dậy vào buổi sáng, bạn có dùng điện thoại di động không?
3. Bạn có thấy cơ thể bị căng thẳng sau khi sử dụng điện thoại di động và máy tính?
5. Bạn có dùng điện thoại di động trong bữa ăn?
Càng có nhiều câu trả lời "Có" hoặc "Thường xuyên", bạn càng có dấu hiệu bị ảnh hưởng sức khỏe tiêu cực từ thiết bị kỹ thuật số. Lời khuyên dành cho bạn lúc này là:
- Lên lịch nghỉ giải lao thường xuyên khi dùng máy tính bằng các ứng dụng hẹn giờ như Forest, TomatoTimer, để mỗi tiếng ngồi liên tục đứng dậy ít nhất 5-10 phút. Bạn có thể đi lại hoặc thực hiện các động tác kéo giãn như hướng dẫn trong bài viết này.
- Áp dụng quy tắc 20-20-20 : Cứ mỗi 20 phút nhìn vào màn hình, hãy dành ra 20 giây để nhìn ra xa, nơi có một vật ở khoảng cách 20 feet (tương đương 6 mét).
- Đảm bảo bạn giữ tư thế tốt khi sử dụng máy tính và điện thoại, không gù lưng, không gập cổ.
- Luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30-60 phút mỗi ngày để bù đắp khoảng thời gian ngồi nhiều trong ngày.
5 dấu hiệu cho thấy điện thoại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của bạn
Thói quen sử dụng công nghệ không chỉ có thể ảnh hưởng tới cơ thể vật lý, mà còn tác động đến cả sức khỏe tinh thần và cảm xúc của chúng ta.
Nếu sử dụng mạng xã hội vào đúng mục đích và điều độ, nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp chúng ta kết nối với những người thân yêu và thúc đẩy cảm giác thân thuộc. Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà tâm lý học Melissa G. Hunt chỉ ra vượt quá một mốc thời gian nhất định, những người càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội thì càng cảm thấy cô đơn và bất an nhiều hơn.
Vào năm 2018, cô đã thực hiện một nghiên cứu để phân tích thời gian của những người trẻ tuổi trên mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm trạng của họ như thế nào? Khi những người tham gia giới hạn thời gian của họ trên mạng xã hội xuống còn 10 phút mỗi ngày, họ đã thể hiện khả năng phục hồi cảm xúc nhiều hơn những ngày mà họ không hạn chế thời gian online của mình.
Giống như sức khỏe thể chất, Viện Sức khỏe Kỹ thuật số cũng chỉ ra 5 dấu hiệu cho thấy việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của bạn:
1. Bạn có sử dụng điện thoại, internet và các nền tảng kỹ thuật số chỉ để giải thoát bản thân khỏi một tình huống, hoàn cảnh khó khăn?
2. Khi bạn rời tay khỏi điện thoại hoặc bị mất mạng internet, bạn có thấy lo lắng hoặc cảm thấy FOMO (sợ bị bỏ lỡ)?
3. Khi bạn nhìn thấy những người quyến rũ và thành công trên mạng xã hội, bạn có thấy bản thân mình thật kém cỏi và tự ti?
4. Khi mọi người chia sẻ một thành tích hay cột mốc trên mạng xã hội, bạn không thấy mình được truyền cảm hứng?
Một lần nữa, Càng có nhiều câu trả lời "Có" hoặc "Thường xuyên", bạn càng có dấu hiệu bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần từ thiết bị kỹ thuật số. Lời khuyên dành cho bạn lúc này là:
- Thử viết xuống cảm giác của bạn khi đọc hoặc tương tác với từng loại nội dung, từng kênh hoặc từng người trên mạng xã hội
- Hủy theo dõi hoặc hủy đăng ký khỏi các cộng đồng trực tuyến không đóng góp vào ý thức về bản thân, hạnh phúc và giá trị của bạn
- Tạo ra những tương tác có ý nghĩa bằng cách tiếp cận với những người quan trọng trong cuộc sống của bạn, tìm cơ hội kết nối và xây dựng sự tin tưởng với họ
- Phát triển cộng đồng hỗ trợ bạn tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống
- Hãy chủ động hơn trong việc sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Đừng chỉ vô thức cuộn qua, hãy tìm kiếm các hashtag tích cực như #kindess, #inspired
- Rời khỏi mạng xã hội và chiếc điện thoại để tham gia hoàn toàn vào các hoạt động trong đời sống thực tế, ví dụ như đừng dùng điện thoại khi nói chuyện với bạn bè, người thân, hoặc khi đang phải tập trung làm việc…
Theo thời gian, những thói quen nhỏ này có thể giúp bạn xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với tất cả các thiết bị kỹ thuật số, từ điện thoại cho tới máy tính và các nền tảng mạng xã hội. Bạn sẽ thấy mình không nhất thiết phải cai nghiện điện thoại, Facebook hay Tiktok.
Thay vào đó, các mạng xã hội sẽ trở thành công cụ giúp bạn giải trí, kết nối với mọi người, thể hiện bản thân, thậm chí truyền cảm hứng để bạn thoát ra khỏi vùng an toàn và phát triển. Nói tóm lại, bạn vẫn có thể đạt tới trạng thái khỏe mạnh và hạnh phúc trong kỷ nguyên kỹ thuật số chỉ cần sử dụng các thiết bị đúng cách thay vì bị chúng thao túng và làm chủ.
Tham khảo Forbes, Sfu, Digitalwellnessinstitute