1 tháng, gần 100 cửa hàng "bay màu", cơn ác mộng đang càn quét chuỗi nhà thuốc của Thế giới Di động?

Pha Lê |

Theo kế hoạch tới cuối năm 2024, số lượng nhà thuốc An Khang sẽ thu hẹp xuống còn khoảng 300 cửa hàng.

Doanh thu tăng mạnh, Điện máy Xanh vẫn nắm vai trò chủ đạo

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2024. Theo đó, doanh thu thuần MWG đạt 76.541 tỷ, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu (125.000 tỷ) được công ty đặt ra.

Trong cơ cấu doanh thu, Bách hóa Xanh mang về 30,1% tổng doanh thu, Điện máy Xanh 46,2%, Thế giới Di động (bao gồm cả Topzone) là 20,9%, phần còn lại đến từ các mảng khác.

1 tháng, gần 100 cửa hàng bị "bay màu", cơn ác mộng đang càn quét chuỗi nhà thuốc của Thế giới Di động - Ảnh 1.

Đối với chuỗi Thế giới Di động (bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh, lũy kế 7 tháng, tổng doanh thu đạt 51.300 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Riêng tháng 7, doanh thu đạt là 7.200 tỷ đồng.Doanh thu tháng tăng 5% so với cùng kỳ, và giảm nhẹ so với tháng liền trước do qua mùa cao điểm máy lạnh và kết thúc sự kiện bóng đá.

Với lợi thế kinh doanh danh mục sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng và luôn chủ động triển khai các giải pháp bán hàng mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, công ty ghi nhận tăng trưởng dương ở một số ngành hàng bắt đầu vào mùa cao điểm như máy tính xách tay và máy giặt, bên cạnh nhóm điện thoại vẫn đang duy trì mức tăng trưởng tích cực liên tục sau nhiều tháng. Doanh thu online 7 tháng đầu năm đạt gần 6.300 tỷ đồng, chiếm 12% tổng doanh thu của cả hai chuỗi.

Đối với Bách hóa Xanh, lũy kế 7 tháng đầu năm, chuỗi Bách Hóa Xanh đạt 23.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ. Riêng tháng 7, doanh thu đạt hơn 3,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 28% so với tháng cùng kì và tăng nhẹ so với tháng liền trước. Cả 2 ngành hàng tươi sống và FMCG đều duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số so với tháng 7/2023. Doanh thu bình quân trong tháng 7 đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng.

Cơn ác mộng đóng cửa càn quét chuỗi Nhà thuốc An Khang

Một trong những điểm đáng chú ý của báo cáo lần này, có thể nhận thấy, hoạt động tái cơ cấu cửa hàng của Thế giới Di động tại chuỗi Thế giới Di động đã gần như hoàn thiện khi số cửa hàng của chuỗi chỉ giảm một lượng nhỏ so với các tháng trước đó. Tính đến cuối tháng 7, MWG có 1.028 cửa hàng TGDĐ (bao gồm Topzone), giảm 18 cửa hàng so với cuối tháng 6. Chuỗi Điện Máy Xanh cũng thu hẹp 59 điểm bán xuống còn 2.034 cửa hàng.

Tuy nhiên, đối với chuỗi Nhà thuốc An Khang, quá trình tái cơ cấu dường như mới bắt đầu. Tính đến cuối năm 2023, chuỗi nhà thuốc An Khang đạt 527 điểm bán. Tuy nhiên, đến cuối quý 2/2024, con số này đã giảm xuống còn 481 điểm, tương đương việc đã có 46 nhà thuốc bị đóng cửa trong 6 tháng đầu năm. Và đến cuối tháng 7, số nhà thuốc trong chuỗi chỉ còn 387 nhà thuốc, điều này đồng nghĩa với việc 94 cửa hàng đã bị "bay màu" trong vòng 1 tháng.

1 tháng, gần 100 cửa hàng bị "bay màu", cơn ác mộng đang càn quét chuỗi nhà thuốc của Thế giới Di động - Ảnh 2.

Trước đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư và cổ đổng của MWG diễn ra cách đây ít ngày, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thegioididong.com cho biết chuỗi nhà thuốc An Khang đang được tiến hành tái cấu trúc, tương tự như chuỗi Bách Hóa Xanh và Điện Máy Xanh.

"Chúng tôi đang đánh giá lại từng nhà thuốc và sẽ đóng cửa những nhà thuốc không đạt hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận", ông chia sẻ. Theo kế hoạch tới cuối năm 2024, số lượng nhà thuốc An Khang sẽ thu hẹp xuống còn khoảng 300 cửa hàng.

"Với số lượng nhà thuốc còn lại, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện mô hình kinh doanh và chỉ nghĩ đến việc mở rộng khi các cửa hàng đã đạt điểm hòa vốn", ông Hiểu Em nói.

Ông cũng cho biết thêm, mỗi nhà thuốc cần đạt doanh thu 550 triệu đồng/tháng để đạt điểm hòa vốn. Hiện tại, doanh thu trung bình của mỗi nhà thuốc này là 500 triệu đồng/tháng.

1 tháng, gần 100 cửa hàng bị "bay màu", cơn ác mộng đang càn quét chuỗi nhà thuốc của Thế giới Di động - Ảnh 3.

Chuỗi Nhà thuốc An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang, được Thế Giới Di Động mua lại từ năm 2017. Lãnh đạo Thế Giới Di Động tự tin vào khả năng mở rộng của An Khang khi đặt mục tiêu đạt 800 cửa hàng vào cuối năm 2022 và 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không khả thi khi đến năm 2023, chuỗi nhà thuốc An Khang chỉ tăng thêm 27 cửa hàng so với đầu năm.

Trên thực tế, chuỗi nhà thuốc này những năm qua liên tục thua lỗ. Năm 2019, An Khang ghi nhận lỗ gần 6 tỷ đồng, lỗ 6,4 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2022, chuỗi này tiếp tục báo lỗ đậm tới 306 tỷ đồng. 

Năm 2023, chuỗi nhà thuốc này báo lỗ 343 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm sáng là doanh thu của cửa hàng đã tăng từ 280 triệu đồng hồi đầu năm 2023 lên 450 triệu đồng vào cuối năm.

Trong quý 2/2024, chuỗi Nhà thuốc An Khang vẫn báo lỗ sau thuế hơn 102 tỷ đồng. Tính chung, 6 tháng đầu năm, chuỗi Anh Khang ghi nhận lỗ 172 tỷ đồng. Luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến nay, chuỗi nhà thuốc này đã lỗ thuế gần 834 tỷ đồng.

Năm nay, ban lãnh đạo công ty kỳ vọng chuỗi nhà thuốc này sẽ tăng trưởng doanh thu hai con số, gia tăng thị phần và đạt điểm hoà vốn trước cuối năm.

Nhận định tình hình kinh doanh của Anh Khang, Công ty chứng khoán SSI ước tính, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đạt 2.500 tỷ đồng doanh thu và lỗ 339 tỷ đồng năm 2024; doanh thu 2.900 tỷ đồng nhưng lỗ 243 tỷ đồng trong năm 2025. Như vậy, ước tính chuỗi nhà thuốc An Khang có thể lỗ thêm 582 tỷ đồng trong 2 năm, nâng tổng số lỗ luỹ kế lên 1.416 tỷ đồng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại