Tôi ngủ dậy trễ. Tôi vừa xuất bản số báo địa phương đầu tiên, Atlanta 30306, và đang ngủ bù lại sau ba đêm thức trắng. Điện thoại reo.
Anh hoặc chị tôi gọi đến. Bây giờ tôi cũng không nhớ nữa. Cha tôi bị đột quỵ khi đang đi bộ trên hành lang phía Bắc YMCA trên Đại lộ Roswell, trên đường đến lớp học bơi thường ngày.
Tôi nhanh chóng lái xe đến bệnh viện Piedmont và lao đến phòng cấp cứu. Tôi nghĩ đến cảnh chính nơi đó cha đã chăm sóc cho tôi những lúc tôi bị gãy xương, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa và những việc tương tự như thế nào. Giờ đây, tôi lại sắp gặp cha.
Tôi thấy cha nằm trong phòng, bất tỉnh. Thật yên lặng. Tôi chỉ bất lực đứng cạnh cha. Một cô y tá đứng ở góc phòng mà tôi không chú ý nói tôi có thể chạm vào ông.
Khi còn nhỏ, chúng ta dễ dàng thể hiện tình cảm với cha mẹ, nhưng càng lớn, thì điều đó càng khó.
Chạm vào cha? Tôi nghĩ. Nhưng bằng cách nào? Tôi nhìn đôi tay cha. Tôi nhớ tôi đã nắm chặt tay cha khi bắt tay ông suốt nhiều năm qua.
Tôi cũng nhớ sau đó, khi gia đình biết tình trạng bệnh của cha, chúng tôi cũng ôm cha và thậm chí vài năm gần đây, là hôn cha. Nhưng tôi không hề ấn tượng gì về việc nắm lấy tay cha, theo kiểu một đứa trẻ nắm chặt tay cha mẹ để băng qua đường.
Tôi đặt tay cha trong tay tôi và nắm lấy tay cha. Tay cha thật to; bàn tay xương xương nhưng mềm mại. Tôi nghĩ: Tại sao trước đây mình lại không nắm tay cha? Đó là do tôi thiếu tự tin hay do cha? Có lẽ là cả hai. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nắm tay cha. Cha đã không bao giờ tỉnh lại và qua đời vào tối hôm đó.
Tôi thường ngồi nhớ lại và liên tưởng đến cảm giác dễ chịu khi được nắm lấy tay cha trong những giờ phút cuối đời của ông. Một cử chỉ có vẻ nhỏ thôi, nhưng nó khiến cho hai người trở nên nhanh chóng thật gần nhau.
Đứa con trai mười một tuổi của tôi biết điều đó và may mắn làm sao, nó không bị bó buộc bởi những hạn chế như thế hệ trước nó. Một lần, sau cái chết của cha, tôi đi dạo với con trai và đứa cháu cùng tuổi với thằng bé. Đứa cháu hỏi con trai tôi tại sao thằng bé lại nắm tay tôi.
Thằng bé không nói gì, nhưng nó nhanh chóng bỏ tay ra. Tôi nghĩ: Chính là lúc này đây. Mặc dù tôi vẫn có chút e dè khi nắm tay con đi dạo, nhưng tôi biết tôi sẽ nhớ cái nắm tay của thằng bé biết bao.
Nhưng, vài tuần sau đó, thằng bé lặng lẽ nắm tay tôi trong một dịp chúng tôi bên nhau vào cuối tuần. Tôi cảm thấy mình lại được gắn kết.
Hè này, tại Paris, tôi dắt thằng bé và người chị mười ba tuổi của nó đi bộ dọc theo dòng sông Seine đến nhà thờ và viện bảo tàng.
Thằng bé nắm chặt tay tôi và chúng tôi cùng nhau đi qua nhiều con phố. Con gái tôi đã không còn nắm tay tôi nữa từ lúc con bé lên chín hay mười tuổi, nó rảo đi nhanh, nhìn tôi và em nó nắm tay nhau bước đi.
Tôi biết con bé đang muốn nói gì đó nhưng là chị, nó khó bày tỏ cảm xúc trước mặt em trai. Sau đó, con bé bắt gặp ánh mắt và nụ cười của tôi. Như thường lệ, con bé lùi lại, không nói gì.
Và ba mẹ con chúng tôi tiếp tục đi dọc theo bờ sông, con gái tôi có thể cảm thấy thoải mái khi được tách biệt, còn con trai tôi hài lòng với nhu cầu bản năng cần được gắn kết với mọi người, và với tôi, đâu đó giữa mọi người.
Đôi khi, chúng ta có thể quyết định khi nào có thể buông tay, đôi khi chúng ta lại không thể.