Giá rau, củ ở chợ đã tăng gấp đôi, thậm chí là gấp 3, gấp 4 lần
Mới đây trên các diễn đàn mạng xã hội cập nhật tình hình về cuộc sống của người dân sau khi cơn bão số 3 Yagi đi qua, câu chuyện giá rau tăng vọt được nhiều người chia sẻ, thu hút lượng tương tác cao.
Tại Hà Nội, nhiều người cho biết sau khi hết thực phẩm đã mua dự trữ trước đó, họ tìm đến các khu chợ gần nhà để tiếp tục mua sắm. Cá, thịt và rau là những loại thực phẩm thiết yếu hằng ngày, được nhiều người lựa chọn, các mặt hàng này vẫn còn nhiều, song có sự thay đổi giá rõ rệt. Nhiều người chia sẻ giá rau, củ ở chợ đã tăng gấp đôi, thậm chí là gấp 3, gấp 4 lần so với bình thường.
Dưới một clip có gần 500 nghìn lượt xem trên TikTok nói về việc giá rau tăng, nhiều bình luận chia sẻ: “Tôi mua 1 cái bắp cải mà 120 nghìn đồng, lúc người bán nói giá mà giật mình”, “Giá thịt lợn bây giờ cũng 200 nghìn đồng/kg, mua một bó rau mồng tơi, bình thường 10-15 nghìn đồng, bây giờ là 35 nghìn đồng”, “Bí xanh 50 nghìn đồng/1kg”,...
Tuy nhiên, nhiều người cũng chia sẻ rằng không nên đánh đồng việc thực phẩm tăng giá nhảy vọt, vì vẫn còn rất nhiều khu chợ giá vẫn giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ trong khoảng 1-3 nghìn đồng với các loại rau và 5-10 nghìn đồng đối với các loại thịt, cá.
Tại các siêu thị, mức giá gần như vẫn bình ổn. Tuy nhiên, cũng có nhiều mặt hàng không còn hoặc không đa dạng.
Nhiều người cho rằng việc giá rau tăng ở thời điểm hiện tại là điều dễ dàng thông cảm được, bởi hiện tại tình hình lũ lụt sau bão vẫn đang rất phức tạp, hầu hết những địa phương lân cận, là nơi cung cấp các loại thực phẩm như cá, thịt, đặc biệt là rau xanh tới các chợ, siêu thị trong nội thành Hà Nội đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề do bão, các tuyến đường cũng khó khăn trong việc di chuyển vì tình trạng ngập úng.
“Mẹ em đi mua rau bán hàng mà tranh nhau luôn, giá mua cũng đắt gấp mấy lần bình thường”, tài khoản nhungbe_nhunhun chia sẻ. Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, nếu tình hình ngập lụt còn kéo dài, lượng rau sẽ ngày càng khan hiếm, thế nên giá rau dễ dàng rơi vào tình trạng tăng lên từng ngày.
Sinh viên, nhân viên văn phòng "căng mình" tiết kiệm
Bạn Chí Thành (22 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối trường Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ rằng cậu bạn thường ăn cơm ở quán nhiều hơn và không nấu ăn. Tuy nhiên, vì mấy hôm nay mưa nhiều, đường ngập úng gây khó khăn cho việc đi lại, và shipper giao đồ ăn cũng khan hiếm nên cậu bạn đã ra chợ mua thực phẩm tự nấu.
Vì gia đình ở quê có kinh doanh rau, thịt,... nên cậu cũng biết được giá cả của từng mặt hàng, tuy nhiên vào sáng 10/9, khi đi một khu chợ cóc đầu ngõ, cậu đã mua một bó rau muống với giá 25 nghìn đồng, một cái bắp cải khoảng chừng hơn 1kg với giá 50 nghìn đồng và 3 quả trứng có giá 15 nghìn đồng.
“Mình nghĩ với tình hình như hiện tại, giá rau tăng là điều đương nhiên nhưng đắt quá, nên mình nghĩ mình sẽ ăn tiết kiệm hơn hoặc đến siêu thị hay tìm những địa chỉ rẻ hơn để mua”, nam sinh viên chia sẻ.
Một cô bạn Gen Z khác, tên Mỹ Hạnh (20 tuổi) chia sẻ đang tạm dừng việc mua rau, chờ gia đình ở Nghệ An gửi rau, củ từ quê ra. “Mẹ bảo chờ mấy hôm nữa sẽ gửi rau ra cho mình. Mình có đọc được thông tin trên mạng giá rau tăng nên vẫn chưa dám mua. 30-40 nghìn một bó rau thì quá đắt so với sinh viên như mình, hàng tháng gia đình vẫn phải gửi tiền, rất nhiều chi phí khác phải lo. Đợt này mình có nhờ mẹ gửi thêm một ít bí, bầu,... cho một số đứa bạn thân của mình ở trên này”, cô bạn chia sẻ.
Khác với Chí Thành, Linh (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) đã quyết định chỉ mua một bó rau cải, với giá 30 nghìn đồng, sau khi hỏi giá tất cả các loại rau, củ trong một khu chợ ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội đều tăng gấp 2-3 lần những ngày bình thường.
Cô bạn chia sẻ: “Tuy đã đi làm nhưng bố mẹ vẫn gửi thực phẩm cho mình, nhưng chủ yếu sẽ là thịt, hoặc cá vì rau cũng không bảo quản được lâu mà giá rau ở Hà Nội cũng không quá cao.
Tuy nhiên, mới đây như thường lệ, mình đến mua rau thì được cô bán rau thông báo là giá đã tăng, mua nhanh kẻo hết nhưng mà giá cao quá, bình thường bó rau cải mình mua chỉ khoảng 15 nghìn đồng, nay đã lên 30 nghìn đồng, hai quả cà chua nhỏ có giá 10 nghìn đồng. Hành lá có giá 60.000 đồng/kg. Các loại củ quả khác như su su, bắp cải,.... cũng tăng khoảng 5-10 nghìn đồng/kg. Thế nên, mình quyết định ăn ít đi và chi tiền cho loại rau rẻ hơn, rẻ nhất chứ không mua như những ngày bình thường khác”.
Chị Bảo Châu (30 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) lại không thể mua ít đi, vì gia đình có 4 thành viên, và lượng rau mua tích trữ trước đó đã hết. “Tôi dành giờ nghỉ buổi trưa, tranh thủ ra siêu thị gần công ty mua rau, ở đây, giá cả bình ổn hơn. Tôi thấy nhiều mặt hàng giá cũng như ngày bình thường, chỉ có một điều là các mặt hàng cũng hết khá nhanh, như thời điểm trước lũ. Ngoài ra, ở ban công nhà tôi cũng trồng một số loại rau trong thùng xốp, thời điểm này cũng giúp mình có thêm 3-5 bữa canh qua ngày.
Chứ thú thật, gia đình tôi có 4 người, nếu mua ít sẽ không đủ mà nhiều thì quá đắt. Hôm qua vì quá bận, tôi đã mua một bó rau muống 25 nghìn đồng và 1 trái bầu nhỏ 57 nghìn đồng ở một khu chợ gần nhà...”.
Tuy nhiên, chị Bảo Châu cũng cho biết giá rau có thể sẽ tiếp tục tăng vì nguồn cung ngày càng khan hiếm. Thế nên, việc mua tích trữ ở thời điểm hiện tại cũng là điều cần thiết. Song, mọi người nên chọn địa điểm phù hợp và mua những loại rau có giá thành vừa phải.