Xung đột ở Ukraine khiến Mỹ phải nghĩ lại về chính sách đối phó Nga, Trung Quốc

Kiều Anh |

Cuộc chiến ở Ukraine sẽ đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh và dẫn tới sự quay trở lại của cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường ở cả châu Âu và Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa: Getty

Ảnh minh họa: Getty

Cạnh tranh nước lớn ngày càng khốc liệt

Không lâu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, khi được hỏi rằng cuộc chiến lớn nhất châu Âu kể từ năm 1945 sẽ thay đổi địa chính trị thế giới như thế nào, mặc dù có quan điểm khác nhau nhưng hầu hết các nhà quan sát đều nhất trí một điều rằng: Cuộc chiến này sẽ đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh và dẫn tới sự quay trở lại của cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường ở cả châu Âu và Thái Bình Dương.

Bước sang tháng thứ 7, cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi NATO, EU và Mỹ khi NATO kết nạp 2 thành viên mới, EU tiến hành cuộc chiến kinh tế với Nga trong khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ đối mặt với một vài vấn đề mà trước hết là việc hầu hết các quốc gia ngoài phương Tây đều từ chối chọn bên. Những ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine đã vượt ngoài châu Âu và tác động cả đến cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Xung đột ở Ukraine cũng đẩy nhanh quá trình tách rời giữa các siêu cường, đặc biệt là về công nghệ, vốn có thể đặt dấu chấm hết cho toàn cầu hóa và thị trường mở - những yếu tố quan trọng trong trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.

Đầu tiên, cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh châu Âu và khiến các đồng minh NATO nhận ra một thực tế rằng họ chỉ có thể tự bảo vệ mình dưới chiếc ô an ninh của Mỹ. Trong khi đó, bất chấp những tham vọng và kế hoạch của mình, EU vẫn không thể đạt được sự tự trị chiến lược.

Sau khi NATO rút khỏi Afghanistan đầy khó khăn, khối này đã phát hiện ra một nhiệm vụ mới của mình: Đó là kiềm chế Nga. Sự khác biệt căn bản trong giai đoạn này là NATO sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác châu Á sau khi khối này coi Trung Quốc là đối thủ. Còn Mỹ, qua QUAD và AUKUS cũng như các liên minh song phương ở châu Á sẽ dẫn đầu liên minh phương Tây tìm cách kiềm chế cùng lúc cả Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, phương Tây ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì sự đoàn kết trước những tác động của cuộc chiến kinh tế khi các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao.

Washington sẽ phải dẫn đầu nỗ lực hỗ trợ các đồng minh tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu mỏ và khí đốt Nga, đồng thời tiếp tục theo đuổi chính sách từ bỏ nhiên liệu hóa thạch theo từng giai đoạn của mình.

Mỹ cũng đối mặt với một thực tế mới. Đó là trong khi phương Tây chỉ trích Nga và ủng hộ Ukraine thì hầu hết các nước ở bán cầu Nam từ chối chọn bên. Ấn Độ là một đối tác của Mỹ trong QUAD nhưng nước này đã từ chối chỉ trích hay trừng phạt Nga.

Thậm chí, New Delhi còn tăng nhập khẩu dầu Nga kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Trung Quốc cũng không bày tỏ thái độ ủng hộ hay chỉ trích chiến dịch của Nga ở Ukraine, song Bắc Kinh đã ủng hộ những nhận định của Moscow rằng cuộc chiến này được tiến hành do những mối đe dọa từ NATO với an ninh Nga.

Nga và Trung Quốc đều cho rằng trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh với Mỹ chiếm vai trò chi phối sẽ không còn mang tính quyết định nữa.

Mỹ phải nghĩ lại về chính sách đối ngoại

Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy quyền lực cứng vẫn là một quyền lực quan trọng trong thế kỷ 21. Ông Stephen M. Walt, giáo sư Đại học Harvard cho rằng cuộc xung đột này đã phơi bày những hạn chế về quân sự của châu Âu và cho thấy những hạn chế trong cam kết của Mỹ.

Chuyên gia này cho rằng việc xây dựng lực lượng phòng thủ châu Âu sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng một châu Âu có trách nhiệm hơn với an ninh của mình sẽ cho phép Mỹ dịch chuyển sự chú ý sang châu Á để đối phó với các thách thức do Trung Quốc tạo ra.

Ông cũng đánh giá, nếu chính quyền Tổng thống Biden phớt lờ điều này và khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ, Washington sẽ tiếp tục phải kéo căng nguồn lực và gặp khó khăn hơn trong việc cân bằng quyền lực với Trung Quốc.

Theo đó, Mỹ sẽ phải tập trung nhiều hơn vào châu Âu và không huy động đủ nguồn lực ở châu Á. Chuyên gia này cho rằng, đây sẽ là một sai lầm căn bản trong đại chiến lược của Mỹ.

Trọng tâm chiến lược chính của Mỹ vẫn là chuyển hướng sang châu Á và tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington sẽ gặp khó nếu vẫn vướng vào một cuộc xung đột kéo dài ở châu Âu. Mùa đông khắc nghiệt phía trước sẽ là phép thử với sự đoàn kết của phương Tây.

Trong nhiều thập kỷ qua, ảnh hưởng kinh tế là trung tâm trong đại chiến lược của Mỹ nhưng chỉ là quyền lực mềm.

Tuy nhiên, với cuộc chiến ở Ukraine, kinh tế đã trở thành một công cụ để phương Tây đối phó với Nga. Mỹ và đồng minh đã áp những biện pháp trừng phạt chưa từng có lên Nga nhằm khiến Moscow phải dừng chiến dịch quân sự. Dù vậy, các biện pháp trừng phạt có tác động phức tạp và phương Tây cũng đang đối mặt với khó khăn vì các biện pháp trừng phạt này.

Trong khi đó, các nhà quan sát phương Tây cho rằng Nga đang siết chặt nguồn cung năng lượng, thậm chí chấp nhận trả giá về kinh tế để làm suy yếu sự ủng hộ của châu Âu cho Ukraine.

Những động thái trên đã cho thấy xu hướng của cuộc xung đột kinh tế trong tương lai giữa các siêu cường. Mỹ và đồng minh hy vọng sự thống trị về mặt công nghệ sẽ khiến họ có lợi thế quyết định. Tuy nhiên, có một vấn đề với chiến lược này: Đó là phần còn lại của thế giới không muốn là một phần của cuộc chiến này.

Hầu hết các nước ngoài phương Tây đều từ chối chọn bên trong cuộc xung đột ở Ukraine cũng như từ chối tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga. Ấn Độ tiếp tục mua dầu giảm giá từ Nga. Saudi Arabia tiếp tục chấp nhận Nga là một phần của OPEC+, đồng thời từ chối lời kêu gọi của Mỹ về việc loại Moscow khỏi tổ chức này.

Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latin chủ yếu tập trung vào những vấn đề kinh tế của mình, giải quyết nguy cơ thiếu lương thực và lạm phát tăng cao do cuộc chiến ở Ukraine. Indonesia đã từ chối lời kêu gọi của phương Tây về việc loại Nga khỏi Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức vào tháng 11 tới trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác nhận sẽ tham dự sự kiện này.

"Sự đối đầu giữa các nước lớn thực sự đáng lo ngại. Những gì chúng tôi mong muốn cho khu vực này là sự ổn định và hòa bình để phát triển kinh tế".

Không giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi mà phương Tây chỉ cần dựa vào sự giàu có và các tổ chức quốc tế để đưa ra những "củ cà rốt" kinh tế, Mỹ hiện đối mặt với cuộc cạnh tranh dữ dội hơn nhiều. Trung Quốc và Nga đều có nhiều khả năng cạnh tranh hơn. Trung Quốc sở hữu một tập hợp các khả năng từ thị trường khổng lồ, cho tới các khoản đầu tư và cho vay nước ngoài, cũng như hàng hóa xuất khẩu với chi phí thấp. Nga cũng có những mặt hàng cạnh tranh như dầu mỏ và phân bón - vốn có vai trò quan trọng với các nước đang phát triển.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng như những thay đổi địa chính trị trên toàn cầu đã khiến Mỹ phải nghĩ lại về chiến lược của mình cũng như sự dịch chuyển trong cuộc cạnh tranh nước lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại