Hình minh họa
Vì sao "Kẻ hủy diệt" vô dụng?
Xe chiến đấu hỗ trợ tăng (BMPT) "Terminator" (Kẻ hủy diệt) đang được các chuyên gia quan tâm trở lại. Tuy nhiên tôi (Roman Skomorokhov) xin đề xuất nhìn "Kẻ hủy diệt" từ một góc độ khác.
Ý tưởng về BMPT ra đời dưới ảnh hưởng của cuộc chiến ở Afghanistan (1979-1989).
Hồng quân Liên Xô khi đó thấy rằng họ cần một khí tài được bảo vệ tốt hơn xe bọc thép và có hỏa lực tương đương pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka - thứ sở hữu 4 pháo 23 mm với tốc độ bắn khủng khiếp - cứu cánh của họ ở Afghanistan.
Có thể thấy 2 yêu cầu chính đối với BMPT là tăng cường giáp và hỏa lực để xử lý tất cả các mục tiêu trên chiến trường mà pháo chính xe tăng bỏ qua.
Chúng ta hãy bắt đầu từ lớp giáp của "Kẻ hủy diệt".
Khung gầm T-72 cung cấp lớp bảo vệ tương đương một xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT), nhưng tháp pháo tự động của nó hoàn toàn không được bảo vệ và tồn tại nhiều điểm yếu - từ cơ chế quay, nâng đến thiết bị ngắm bắn và hệ thống dây điện.
Chỉ 1 hoặc 2 viên đạn xuyên giáp được một tay bắn tỉa nã đúng vị trí - "Kẻ hủy diệt" sẽ bị "mù" và đối với nó, trận chiến sẽ kết thúc (hoặc một viễn cảnh đáng ngờ về việc sửa chữa dưới hỏa lực của đối phương).
Một tháp pháo không được bảo vệ rõ ràng chỉ để diễu hành chứ không phải là trên chiến trường bên cạnh xe tăng.
Ngoài ra việc "Kẻ hủy diệt" cao hơn MBT T-72 - không chỉ khiến đối phương tập trung khai hỏa vào nó mà còn khiến nó bị bắn trúng thường xuyên hơn.
Tiếp theo tôi xin nói về vũ khí.
Đầu tiên là về súng phóng lựu tự động AG-17D. Nói chung, súng phóng lựu là thứ được trang bị cho bộ binh để đối phó với bộ binh địch ở tầm gần - nghĩa là hỏa lực loại này sẽ không hiệu quả khi trang bị lên cơ giới.
Tiếp theo là Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Ataka. Nói chung Ataka vẫn được đánh giá là vũ khí hiệu quả - nhất là khi được trang bị trên trực thăng vũ trang.
Tuy nhiên việc dẫn đường bằng laser khiến nó trở nên không thích hợp khi chiến đấu trên mặt đất đầy khói bụi và các nguồn gây nhiễu khác - thứ có thể phát sinh từ những chiếc xe tăng mà BMPT đi cùng.
Trong bối cảnh các trận đánh trong chiến tranh hiện đại chỉ diễn ra trong vài phút, tất cả những gì mà kíp lái BMPT có cuối cùng sẽ chỉ là pháo tự động 30 mm, những thứ nói trên sẽ không có cơ hội sử dụng.
Đây là thứ có thể giải quyết nhiều nhiệm vụ chiến đấu mặt đất - cụ thể là tiêu diệt bộ binh và xe bọc thép hạng nhẹ của đối phương - ngoại trừ "câu chuyện cổ tích" về việc chúng sẽ bảo vệ xe tăng khỏi các mối đe dọa từ trên không.
Tôi xin lưu ý rằng pháo tự động cần có radar để đối phó với các mục tiêu trên không - và nếu không nó sẽ không thể đánh chặn các mục tiêu có tốc độ cao như trực thăng vũ trang hoặc Máy bay không người lái (UAV).
Kết luận
Có thể ai đó đã nghĩ rằng "Kẻ hủy diệt" hữu dụng nhưng đó không phải là Bộ Quốc phòng Nga. Quân đội Nga đã không vội vàng đưa BMPT vào trang bị sau các cuộc thử nghiệm ở Syria vào năm 2017.
Việc sản xuất hàng loạt cũng không xảy ra và hiện tại "Kẻ hủy diệt" chỉ dừng lại ở 10 đến 12 nguyên mẫu thử nghiệm.
Các nhược điểm kể trên của BMPT có thể khắc phục thông qua các hệ thống radar, hệ thống ngắm hiện đại - nhưng sẽ tốn rất nhiều tiền. Việc không có các chiến thuật vận dụng tối đa năng lực của BMPT dẫn đến việc Quân đội Nga không muốn chi tiền cho nó.
Vậy chúng ta có gì để đi cùng MBT? Có một cách đó là chúng ta lấy ra một chiếc T-72, tháo pháo chính 125 mm và thay bằng 2 khẩu pháo tự động 30 mm với tốc độ bắn lên tới 550 viên mỗi phút. Chúng ta sẽ có một khí tài đơn giản nhưng nguy hiểm.
Nó vừa có khả năng quét sạch các ổ hỏa điểm, thiết giáp - vừa được bảo vệ trước hỏa lực mà các mục tiêu này sở hữu. Và cỗ máy này khi đó sẽ có thể xưng danh là xe chiến đấu hỗ trợ tăng (BMPT).
Có thể thấy chiến tranh hiện đại không bao gồm các "đồ chơi" với vẻ đẹp phô trương mà là tính hợp lý và khả năng sống sót tối đa trên chiến trường. Nghĩa là cho đến nay "Kẻ hủy diệt" vẫn chỉ là một khái niệm và các nguyên mẫu hiện có sẽ chỉ là các cỗ máy để duyệt binh.