Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm leo thang căng thẳng địa chính trị toàn cầu, làm thay đổi cấu trúc NATO, đồng thời dẫn tới sự gia tăng chi tiêu quân sự ở mức chưa từng có khi phương Tây tìm cách củng cố hệ thống phòng thủ.
Một binh sĩ Ukraine dùng súng trường để bắn UAV của Nga tại Kharkiv tháng 3/2022. Ảnh: AFP
Ngoài những vũ khí truyền thống như máy bay chiến đấu và tên lửa có độ chính xác cao, cuộc chiến Nga-Ukraine cũng cho thấy nhu cầu đối với những hệ thống vũ khí mới, trong đó có các phương tiện bay không người lái cỡ nhỏ có thể hoạt động lâu trên không trung, nhanh chóng tấn công đối phương và những hệ thống phòng không đơn giản có khả năng đối phó với chúng.
Một số nhà sản xuất đã thấy trước giá trị chiến lược của những công nghệ như vậy trong các cuộc xung đột trước đây và đã dành nhiều năm đầu tư và các hệ thống đó trước khi chiến sự bùng phát tại Ukraine.
Vai trò của UAV cỡ nhỏ
Những máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn, chẳng hạn như MQ-9 Reaper do tập đoàn General Atomics Aeronautical Systems phát triển hay RQ-4 Global Hawk của tập đoàn Northrop Grumman đã xuất hiện trên chiến trường hiện đại trong gần 2 thập kỷ qua. Chúng có tải trọng khá lớn, hơn 1.000kg và thể bay ở độ cao tương tự như độ cao mà máy bay có cánh cố định thông thường hoạt động. Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng các phương tiện này.
Tuy vậy, cuộc chiến tại Ukraine lại cho thấy hiệu quả của những máy bay không người lái cỡ nhỏ, chẳng hạn như UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Với giá thành rẻ và vận hành khá đơn giản, những UAV này có thể được triển khai với số lượng lớn để thực hiện các cuộc tấn công sát thương hoặc tiến hành trinh sát và điều chỉnh hỏa lịch pháo binh. Vào năm 2022, cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Mỹ cảnh báo rằng, những UAV cỡ nhỏ cũng có thể phá vỡ trật tự quân sự toàn cầu.
Các binh sỹ của của Nga và Ukraine đã sử dụng rộng rãi máy bay không người lái thương mại có sẵn trên thị trường để giám sát trận địa, thậm chí sửa đổi và nâng cấp để chúng có khả năng mang đạn dược không dẫn đường.
Hiệu quả của chiến thuật này đã cho thấy lỗ hổng của các hệ thống phòng không hiện đại. Các hệ thống phòng không hiện nay chủ yếu được thiết kế để tấn công những mục tiêu lớn như máy bay chiến đấu có người lái và tên lửa hành trình có dẫn đường với giá trị lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD.
Vũ khí chống UAV
Ông Luke Savoie, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của công ty công nghệ L3Harris cho biết: “Có một khoảng trống trong phạm vi từ 5 đến 10km. Trong vùng xám này, những hệ thống phòng không hiện có không hiệu quả lắm khi đối phó với các mối đe dọa, do máy bay không người lái có nhiều kích cỡ khác nhau, từ nhỏ đến trung bình và lớn”.
Cách đây vài năm, trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, L3Harris đã bắt đầu thiết kế một hệ thống chống lại các mục tiêu như vậy, để đáp ứng yêu cầu của những nhà thầu liên kết với các lực lượng đặc nhiệm của phương Tây tại Syria và nhiều khu vực khác trên khắp Trung Đông. Vào năm 2022, công ty đã trình làng hệ thống chống UAV có tên gọi Vampire tại một hội nghị mang tên Tuần lễ của Lực lượng Hoạt động đặc biệt (SOF). Ba tháng sau, Lầu Năm Góc cho biết họ đang chuyển giao hệ thống này cho Ukraine.
Hệ thống chống UAV Vampire. Ảnh: L3Harris
Hệ thống có chức năng kết nối phiên bản mặt đất của cảm biến quang điện/hồng ngoại MX-10 do L3Harris phát triển với một bệ phóng tên lửa nhỏ có thể gắn trên hầu hết mọi phương tiện, kể cả xe bán tải. Bệ phóng này có thể phóng các tên lửa Hydra 70mm giá thành rẻ, được trang bị ngòi nổ cận đích nhắm vào mục tiêu nhờ sử dụng cảm biến MX-10.
Việc phát triển phương tiện chống máy bay không người lái (CUAS) đã nhanh chóng trở thành một trong những ưu tiên trong ngành công nghiệp quốc phòng. Các nhà sản xuất đã cung cấp nhiều hệ thống khác nhau, từ vũ khí laser tiên tiến đến súng gây nhiễu cầm tay có khả năng vô hiệu hóa máy bay không người lái. Sự nhanh nhạy của L3Harris trong lĩnh vực này đã giúp họ gặt hái nhiều lợi ích. Vào tháng 1/2023, công ty đã giành được hợp đồng trị giá 40 triệu của Lầu Năm Góc để cung cấp 14 hệ thống Vampire cho Ukraine.
Tối đa hóa sức mạnh của UAV cỡ nhỏ
Trong khi L3Harris đang phát triển những hệ thống bắn hạ UAV cỡ nhỏ thì nhiều nhà sản xuất quốc phòng khác lại tìm cách tối đa hóa sức mạnh sát thương của loại UAV này.
Trong cuộc chiến với lực lượng nổi dậy ở Afghanistan và Iraq, quân đội Mỹ liên tục đối mặt với mối đe dọa từ chất nổ tự chế được cài dọc các con đường và lối đi. Lực lượng nổi dậy thường tìm cách đặt các thiết bị nổ này vào ban đêm.
Mặc dù những UAV như Puma hay Raven của AeroVironment có thể quan sát được hoạt động của đối phương, nhưng chúng không được trang bị vũ khí để đối phó. Ở thời điểm đó ông Brett Hush – người phụ trách các hệ thống tên lửa chiến thuật tại tập đoàn AeroVironment cho rằng: “Cần phải phản ứng nhanh trước mối đe dọa này”. Kết quả là UAV được trang bị đầu đạn nổ ra đời.
Sau khi được phóng từ một ống nhỏ, UAV khởi động hệ thống cánh quạt để bay và giữ thăng bằng. Khi xác định được mục tiêu, nó sẽ lao tới, bổ nhào vào mục tiêu và phát nổ. Những loại UAV như vậy, được biết với tên gọi UAV cảm tử.
Một trong những UAV cảm tử khá lợi hại do AeroVironment sản xuất là Switchblade. Nguyên mẫu đầu tiên đã được lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ sử dụng tại Afghanistan. Chúng đã giúp quân đội Mỹ nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt các lực lượng vận hành súng cối và tên lửa của đối phương.
Một binh sỹ đang vận hành UAV Switchblade. Ảnh: AeroVironment
Mỹ đã quyết định cung cấp UAV Switchblade cho Ukraine trong gói hỗ trợ quân sự sớm nhất vào tháng 3/2022. Vào mùa Hè năm 2022, Ukraine đã tiếp nhận hơn 700 chiếc Switchblade 300. Một số nhà phân tích cho rằng, Washington nhiều khả năng cũng đã cung cấp cho Ukraine phiên bản lợi hại hơn của UAV này là Switchblade 600.
Ông Brett Hush cho biết, tính năng “độc nhất vô nhị” của Switchblade là khả năng tấn công các mục tiêu có kích cỡ như con người với độ chính xác cao và cách xa hàng chục km, trong khi trọng lượng của nó rất nhẹ vì thế một binh sỹ có thể dễ dàng mang theo trên chiến trường.
Quan chức này lưu ý, AeroVironment cũng bắt đầu phát triển các phương tiện nhằm phá vỡ biện pháp tác chiến điện tử để vô hiệu hóa các loại UAV lảng vảng, dựa trên phản hồi từ chiến trường.
“Để đối phó với các biện pháp chống UAV là một quá trình phức tạp, đòi hỏi quá trình học hỏi, thích nghi và thử nghiệm không ngừng nghỉ. Có những thứ mà chúng tôi có thể thay đổi, chủ yếu là về phần mềm, để làm cho UAV linh hoạt hơn”.