Mỹ đánh giá tình trạng của hệ thống phòng không Patriot

Thùy Dương |

Một quan chức Mỹ cho biết sau khi Nga tấn công bằng tên lửa vào thủ đô Kiev của Ukraine sáng sớm 16/5, hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất có khả năng bị hư hỏng, nhưng không bị phá hủy.

Mỹ đánh giá tình trạng của hệ thống phòng không Patriot - Ảnh 1.

Một hệ thống phòng thủ Patriot. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNN (Mỹ), quan chức này cho biết Mỹ vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại của hệ thống Patriot. Đánh giá sẽ quyết định liệu có cần rút hoàn toàn hệ thống này về hay đơn giản là để lực lượng Ukraine sửa chữa ngay tại chỗ.

Trước đó, theo đài RT (Nga), trong một bài đăng trên Telegram ngày 16/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một cuộc tấn công có độ chính xác cao của hệ thống tên lửa siêu vượt âm Kinzhal nhằm vào Kiev đã đánh trúng một hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Về phần mình, cùng ngày, các quan chức Ukraine tuyên bố họ đã đánh chặn thành công tất cả 6 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal do Nga phóng, nhưng quân đội Ukraine từ chối bình luận về tuyên bố của Nga rằng một hệ thống Patriot đã bị bắn trúng.

Trong khi đó, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 16/5 bác bỏ tuyên bố trên của các quan chức quân đội Ukraine. Ông Shoigu nói: “Tôi đã nói điều đó rồi và tôi sẽ nhắc lại lần nữa. Chúng tôi không tung ra nhiều Kinzhal như số lượng họ tuyên bố bắn hạ như mọi lần”.

Ukraine hiện có hai hệ thống phòng không Patriot trong nước, một do Mỹ tài trợ và một do Đức và Hà Lan đồng tài trợ. Không rõ hệ thống nào trong số đó có khả năng bị hư hỏng, nhưng nếu ngừng sử dụng một hệ thống, dù chỉ trong một thời gian ngắn, có thể ảnh hưởng đến khả năng Ukraine bảo vệ Kiev.

Tuần trước, các quan chức Mỹ nói với CNN rằng Nga đã từng dùng tên lửa Kinzhal để nhằm vào các hệ thống Patriot, trong đó có một lần vào ngày 4/5.

Một quan chức khác của Mỹ cho biết có thể loạt tên lửa đã bắn trúng một trong các bộ phận của hệ thống Patriot.

Một khẩu đội Patriot hoàn chỉnh có 6 bộ phận chính: máy phát điện, bộ radar, trạm điều khiển, ăngten, trạm phóng và tên lửa đánh chặn. Các bộ phận hoạt động cùng nhau để bắn một tên lửa Patriot và dẫn đường thành công để nó tới mục tiêu.

Tuy nhiên, hư hỏng nặng ở một hoặc nhiều bộ phận có thể buộc Ukraine phải ngừng dùng hệ thống Patriot và đưa nó ra nước ngoài để sửa chữa.

Patriot có một radar mạnh để phát hiện các mục tiêu đang bay tới ở tầm xa, khiến hệ thống này trở thành một vũ khí phòng không mạnh mẽ, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và các các tên lửa khác. Nhưng khi radar hoạt động để phát hiện các mối đe dọa ở khoảng cách xa thì hệ thống Patriot cũng dễ bị phát hiện vị trí.

Các quan chức Mỹ cho rằng quân đội Nga đã có thể thu được các tín hiệu phát ra từ Patriot, giúp họ nhắm vào hệ thống này bằng tên lửa Kinzhal. Khác với các hệ thống phòng không tầm ngắn, hệ thống Patriot là một hệ thống lớn và cố định hơn nên dần dần lực lượng Nga có thể tìm ra vị trí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại