Tại đây, ba phi hành gia sẽ làm việc và sinh sống trong sáu tháng khi quá trình xây dựng trạm vũ trụ bước vào giai đoạn nước rút.
Tên lửa Trường Chinh-2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-14 và phi hành đoàn sẽ được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, lúc 10h44 ngày 5/6 (theo giờ Bắc Kinh), một quan chức thuộc Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết trong cuộc họp báo vào ngày 4/6.
Ba phi hành gia sẽ gồm chỉ huy Trần Đông, Lưu Dương và Thái Túc Chiết trong sứ mệnh Thần Châu-14 (có nghĩa là "Con tàu thần thánh" trong tiếng Trung Quốc).
Mọi công tác chuẩn bị cho vụ phóng về cơ bản đã sẵn sàng.
Tổ hợp tên lửa và tàu vũ trụ nằm gần tháp phóng. (Ảnh: CGTN)
Sứ mệnh Thần Châu-14 sẽ là nhiệm vụ thứ ba trong số bốn sứ mệnh có phi hành đoàn và là sứ mệnh thứ 7 trong tổng số 11 sứ mệnh cần thiết để hoàn thành trạm vũ trụ vào cuối năm nay.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ ba module của nước này vào tháng 4/2021 với việc phóng Thiên Hà, module đầu tiên và lớn nhất trong ba module của trạm.
Module lõi Thiên Hà, lớn hơn một chút so với một chiếc bus metro, sẽ trở thành nơi sinh sống của các phi hành gia sau khi trạm vũ trụ hình chữ T được hoàn thành.
Sau Thần Châu-14, hai module còn lại, là các cabin phòng thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên, sẽ được đưa vào hoạt động lần lượt vào tháng 7 và tháng 10.
Từ trái sang: Ba phi hành gia Thái Túc Chiết, Trần Đông và Lưu Dương tại một cuộc họp báo ngày 4/6/2022 trước sứ mệnh Thần Châu-14. (Ảnh: AP)
Module cabin phòng thí nghiệm Vấn Thiên sẽ có một cánh tay robot, một cabin liên động cho các chuyến đi bên ngoài trạm và khu sinh hoạt thêm cho ba phi hành gia trong quá trình phi hành đoàn làm việc tại đây.
Phi hành đoàn Thần Châu-14 sẽ lắp ráp Vấn Thiên và Mộng Thiên, cũng như tiến hành các thử nghiệm chức năng trên cả hai module này.
Trạm vũ trụ sẽ có tuổi thọ theo thiết kế là 10 năm. Với trọng lượng 180 tấn, nó sẽ nặng hơn một chút so với Trạm vũ trụ Hòa Bình (Mir) đã ngừng hoạt động của Nga và bằng khoảng 20% so với khối lượng của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).