Theo Bloomberg đưa tin, Arab Saudi đang tiến hành lên kế hoạch để xây dựng toà nhà lớn nhất thế giới tại khu vực có dân cư thưa thớt nằm trong dự án phát triển mang tên Neom trị giá tới 500 tỷ USD.
Neom chính là dự án của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman. Dự án này hướng tới xây dựng hai toà nhà chọc trời cao khoảng 500 m và trải dài hàng chục km. Hai toà nhà này nằm trong "Thành phố thẳng" (The Line).
Cụ thể, hai toà nhà chọc trời sẽ là tổ hợp gồm nhà ở, khu thương mại và văn phòng kéo dài từ bờ Biển Đỏ tới sa mạc. Dự án này đã được tiến hành thay đổi từ ý tưởng công bố vào năm 2021 về việc xây dựng một chuỗi liên kết gồm các toà nhà sẽ nối liền với đường tàu siêu tốc dưới lòng đất, tạo thành một công trình dài liên tục.
Trên thực tế, các nhà thiết kế đang được yêu cầu để xây dựng một nguyên mẫu dài 0,8 km của hai toà nhà này. Theo đó, sau khi hoàn thành, mỗi công trình sẽ lớn hơn các toà nhà lớn nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt, phần lớn diện tích của toà nhà được dùng để đặt nhà máy hay trung tâm mua sắm, không phải là khu dân cư.
Neom – siêu dự án đầy tham vọng của Arab Saudi
Nemo là dự án rất lớn và tham vọng của Arab Saudi. Dự án sẽ được tiến hành xây dựng trên bờ Biển Đỏ và tập trung vào các ngành như năng lượng, công nghệ sinh học và chế tạo máy móc cao cấp.
Neom là dự án trị giá 500 tỷ USD của Arab Saudi. Ảnh: Neom.
Dự kiến, sau khi hoàn thành, Neom sẽ trở thành trung tâm công nghiệp và thương mại, một điểm đến du lịch nổi tiếng. Dự án Neom cũng là một phần trong kế hoạch để thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó giúp đa dạng hoá nền kinh tế của Arab Saudi, đồng thời làm giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và biến đất nước này thành một trung tâm công nghệ như Thung lũng Silicon, kết hợp với các thị trấn, trung tâm nghiên cứu, giáo dục và các địa điểm du lịch.
Neom được hình dung như một thành phố thông minh áp dụng tất cả các công nghệ tiên tiến, trong đó tập trung vào mọi lĩnh vực trong đời sống của con người như xây dựng, văn hoá, thể thao, năng lượng… Đặc biệt, một phần quan trọng thuộc dự án Neom chính là "Thành phố thẳng" được xây dựng trên sa mạc, không có khí thải carbon và hoạt động bằng 100% năng lượng sạch.
Vào tháng 1/2021, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman lần đầu tiên công bố kế hoạch về xây dựng "Thành phố thẳng", thành phố thông minh trải dài tới 170 km và có thể trở thành nơi cư ngụ của khoảng 1 triệu dân. Thành phố này được đánh giá sẽ là một dự án mang tính cách mạng đặt con người lên hàng đầu.
Tính đến nay, "Thành phố thẳng" gồm 3 tầng đang được thi công, bao gồm có khu vực trên mặt đất cho người đi bộ và hai tầng ở dưới lòng đất dành cho phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng.
"Thành phố thẳng" - Thành phố thông minh
Theo ông Nadhmi Al-Nasr, Giám đốc quản lý dự án, "Thành phố thẳng" là một công trình khổng lồ.
Trải dài từ vùng núi phía tây bắc của Arab Saudi đến Biển Đỏ, "Thành phố thẳng" sẽ được kết nối bằng nhiều tuyến đường siêu nhanh và có các giải pháp di chuyển tự động. Cụ thể, trường học, nhà hàng, cửa hàng và các điểm đến khác đều cách nằm trong phạm vi 5 phút đi bộ và không có chuyến đi nào kéo dài quá 20 phút.
Theo các nhà phát triển dự án cho biết, với hình dạng thẳng và cơ sở hạ tầng đặt dưới lòng đất nên thiết kế của thành phố thông minh này giúp bảo tồn được tới 95% cảnh quan tự nhiên.
Arab Saudi sẽ đầu tư từ 100 đến 200 tỷ USD vào "Thành phố thẳng" và dự kiến dự án này sẽ tạo ra 380.000 việc làm mới, đồng thời thúc đẩy GDP của nước này tăng khoảng 48 tỷ USD vào năm 2030.
"Thành phố thẳng" trải dài 170 km dọc bờ biển Đỏ. Ảnh: Neom
"Thành phố thẳng" là phần đầu tiên của dự án Neom, một siêu thành phố trị giá tới 500 tỷ USD bao phủ tới 25.900 km2 ở tỉnh Tabuk của Arab Saudi, gần với biên giới của Jordan và Ai Cập.
Theo The Wall Street Journal, khi đi vào hoạt động, "Thành phố thẳng" sẽ sử dụng taxi bay để di chuyển, công viên giải trí theo phong cách công viên kỷ Jura với nhiều robot khủng long và có nhiều nhà hàng đạt sao Michelin cao nhất trên thế giới.
Đặc biệt, cảnh quan tuyệt đẹp của khu vực cũng sẽ được biến đổi nhờ ứng dụng máy gây mưa, vườn san hô lớn nhất thế giới, cát phát sáng và có cả mặt trăng nhân tạo khổng lồ sáng vào ban đêm.
Theo kế hoạch, Neom sẽ dựa vào các trang trại gió, năng lượng mặt trời và công nghệ tiên tiến biến nước thành oxy và hydro để làm nhiên liệu.
Ông Nadhmi Al-Nasr, Giám đốc điều hành Neom, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Thành phố thẳng là một ý tưởng nằm ngoài dự đoán".
Giám đốc điều hành Neom cũng từ chối bình luận về các chi tiết cụ thể của kế hoạch: "Những gì chúng tôi sẽ trình bày là khi chúng tôi sẵn sàng được đón nhận rất tích cực và sẽ được coi như một cuộc cách mạng".
Ông Al-Nasr cho biết, các toà nhà sẽ có độ cao khác nhau và thích ứng với cảnh quan, kích thước cuối cùng được xác định sau khi được cân nhắc kỹ về mặt kỹ thuật và địa hình.
Trên thực tế, Trung Đông đã là nơi có toà nhà cao nhất trên thế giới, đó là Burj Khalifa của Dubai. Trước đó, Thái tử Arab Saudi Alwaleed bin Talal cũng đã công bố kế hoạch xây dựng toà nhà cao nhất thế giới ở gần Jeddah. Tuy nhiên, toà nhà chọc trời này hiện chỉ mới hoàn thành một phần.
Burj Khalifa là toà nhà cao nhất trên thế giới. Ảnh: Getty
Hiện nay, theo Bloomberg, một số nguồn thu bất ngờ của Arab Saudi từ việc bán giá dầu cao hơn có thể sẽ chuyển sang xây dựng Neom. Các quan chức chính phủ cũng cho biết, người hưởng lợi từ quỹ thặng dư có thể là Quỹ đầu tư công do Thái tử Mohammed và chủ sở hữu của Neom làm chủ tịch.
Thế nhưng cho đến nay, kinh phí không phải là vấn đề thách thức của Neom. Thay vào đó, câu hỏi về tính khả thi của dự án này đã được nêu ra sau khi một số dự án phát triển khổng lồ khác để thúc đẩy đa dạng hoá về kinh tế trong quá khứ không thành công. Quỹ tài sản PIF là một minh chứng. PIF hiện đang cố gắng biến một cụm văn phòng gần như đã hoàn thiện nằm ở phía bắc Riyadh (có chi phí xây dựng lên tới hàng tỷ USD) thành một trung tâm tài chính.
Do đó, với hy vọng có thể tránh được số phận tương tự, những người tham gia dự án cho biết, "Thành phố thẳng" sẽ được xây dựng theo từng giai đoạn và dựa trên nhu cầu.
Ông Ali Shihabi, một thành viên ban cố vấn của Neom cho biết, khi "Thành phố thẳng" được trình bày trước hội đồng quản trị, ông đã nhìn thấy một thành phố hiện đại bền vững, thông minh, được tư duy tốt và sẽ phù hợp từ những người lao động đến tỷ phú. Thành phố này sẽ được xây dựng theo từng giai đoạn, dựa trên nhu cầu.
"Thành phố thẳng" không chỉ là tham vọng của Arab Saudi mà đó còn là chiến lược, bước đầu để mở ra hướng tăng trưởng mới phi dầu mỏ cho nước này.
Bài viết tham khảo nguồn: Bloomberg, Dailymail, Arabnews, Neom