Theo các nhà khoa học của NASA, trong vòng 30 năm tới, loài người sẽ gặp một vấn đề đó là Mặt trời sẽ bị yếu đi đáng kể. Trong tương lai, năng lượng mặt trời cung cấp cho Trái đất sẽ bị suy yếu đi rất nhiều. Việc này có thể sẽ khiến Trái đất bước vào kỷ băng hà mới.
Sở dĩ các nhà khoa học khẳng định như vậy là bởi khi nghiên cứu về Mặt trời họ phát hiện ra rằng hoạt động của nó tuân theo chu kỳ. Cụ thể, chu kỳ Mặt trời hay còn gọi là chu kỳ hoạt động từ năng lượng Mặt trời kéo dài trung bình trong 11 năm.
Chu kỳ của Mặt trời thường kéo dài trong khoảng 11 năm. (Ảnh: Baidu)
Chu kỳ Mặt trời là thuật ngữ chỉ sự thay đổi định kỳ số lượng các vết đen trên bề mặt của nó. Trong đó, khi Mặt trời có ít vết đen nhất được gọi là giai đoạn cực tiểu và khi Mặt trời hoạt động mạnh nhất, tức là có nhiều vết đen nhất được gọi là giai đoạn cực đại.
Thông thường, một chu kỳ Mặt trời kéo dài từ giai đoạn cực tiểu này tới giai đoạn cực tiểu tiếp theo. Các chuyên gia của NASA và Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã phối hợp và thành lập Ban dự đoán Chu kỳ Mặt trời (SCPP). Theo SCPP, cực tiểu năng lượng Mặt trời xảy ra vào tháng 12/2019, đánh dấu chính thức sự bắt đầu của một chu kỳ Mặt trời mới – Chu kỳ Mặt trời 25 (Solar Cycle 25). Chu kỳ này dự kiến kéo dài từ năm 2019 tới 2030.
Trong chu kỳ Mặt trời 25, Mặt trời dự kiến sẽ hoạt động cực đại vào tháng 7/2025. Giai đoạn cực đại thường sẽ làm gia tăng số lượng các vết đen, tia lửa Mặt trời (solar flare) và bão từ. Vết đen của Mặt Trời là dấu hiệu khởi đầu cho các vụ nổ và sự kiện giải phóng ánh sáng, vật chất và năng lượng vào không gian.
Chu kỳ Mặt trời cực đại và cực tiểu. (Ảnh: NASA, việt hóa: VNE)
Bão từ có thể làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, hư hỏng vệ tinh, ảnh hưởng đến hệ thống điện trên Trái đất. Ngoài ra, trong giai đoạn cực đại, hoạt động của Mặt trời có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện, hàng không, tên lửa, GPS, vệ tinh và các phi hành gia trong không gian.
Và mới đây, trong một nghiên cứu mới về mặt trời của đại học California, các nhà khoa học đã đưa ra dự đoán về giai đoạn cực tiểu tiếp theo của Mặt trời là vào năm 2050. Họ cũng dự đoán thời điểm này Mặt trời sẽ rơi vào thời kỳ bất thường nhất. Đó là trong thời gian này Mặt trời sẽ trở nên "rất lạnh".
Nguy cơ rơi vào Kỷ Băng hà nhỏ năm 2050
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc trường đại học California, Mặt trời vào năm 2050 sẽ đi vào " chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài" hay còn gọi là Maunder Minimum. Vào chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài này, các vệt đen trên Mặt trời sẽ trở nên cực kỳ hiếm. Thuật ngữ này được nhà thiên văn học người Mỹ - John A, Eddy công bố trong một bài báo trên tạp chí Science vào năm 1976.
Trước đây, chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài đã được ghi nhận lần đầu bởi Gustav Spörer, một nhà thiên văn học người Đức vào năm 1887 và 1889. Công trình này đã được chuyển tiếp cho Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia ở London và được mở rộng bởi các nhà thiên văn học là Edward Walter Maunder (1851–1928) và vợ của ông là Annie Russell Maunder (1868–1947).
Chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài này đã từng xảy ra trong Kỷ Băng hà nhỏ. Khoảng thời gian này nhiệt độ của châu Âu và Bắc Mỹ được ghi nhận là có mức nhiệt thấp hơn mức trung bình rất nhiều. Mối tương quan giữa số lượng vết đen Mặt trời ít và mùa đông lạnh giá ở Anh vào những năm 1683-1684, 1694-1695 và 1708-1709 đã được phân tích dựa trên tập dữ liệu khí tượng của nước Anh.
Trái đất đã từng xuất hiện Kỷ Băng hà nhỏ vào thế kỷ 17. (Ảnh: Baidu)
Ngoài ra, một lời giải thích khác được đưa ra bởi các quan sát từ Thí nghiệm Khí hậu và Bức xạ Mặt trời của NASA cho thấy rằng sản lượng ánh sáng cực tím thay đổi nhiều hơn trong chu kỳ Mặt trời. Nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động năng lượng Mặt trời thấp dẫn đến mùa đông lạnh hơn ở một số nơi thuộc miền nam châu Âu, Canada, bắc Ây và Mỹ…
Vào thế kỷ 17 khi chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài diễn ra, sông Thames của Anh đã biến thành dòng sông băng vì nhiệt độ thấp bất thường. Thậm chí biển Baltic còn xuất hiện lớp băng cực hiếm và độ dày của băng đạt tới mức không thể tưởng tượng được. Trong thời gian đó, quân đội Thụy Điển đã trực tiếp băng qua biển Baltic để tiến vào Đan Mạch.
Đối với hiện tượng này, nhà vật lý người Mỹ - Dan Lubin đã tiến hành nghiên cứu đặc biệt về chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài. Qua nghiên cứu, ông tìn rằng hiện tượng một vài khu vực trên Trái đất trở nên lạnh hơn có liên quan mật thiết đến chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài của Mặt trời. Dan Lubin cho rằng vào năm 2050, Trái đất sẽ bước vào Kỷ băng hà nhỏ tồi tệ hơn cả ở thế kỷ 17.
Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, năm 2050, Trái đất có thể rơi vào Kỷ băng hà nhỏ lần nữa. (Ảnh: Baidu)
Một khi Mặt trời bước vào chu kỳ này, không chỉ các tia cực tím sẽ bị suy yếu đáng kể mà độ sáng của nó cũng sẽ giảm đi. Do đó, nhiệt lượng của Mặt trời mà Trái đất nhận được sẽ giảm đi rất nhiều và việc này sẽ dẫn tới một loạt khu vực bị đóng băng. Và khi Mặt trời bước vào chu kỳ cực đại, tia cực tím và cường độ ánh sáng mà Trái đất nhận được cũng sẽ tăng lên nhiều lần.
Năng lượng Mặt trời suy yếu sẽ dẫn đến lớp Ozone ở tầng bình lưu của Trái đất mỏng đi. Dòng khí quyển bên dưới sẽ thay đổi và gây ra tác động đến thời tiết và môi trường. Nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tác động của chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài của Mặt trời là không đồng đều. Do đó, châu Âu và Bắc Mỹ sẽ trở nên cực kỳ lạnh và phía nam Greenland sẽ trở nên ấm hơn.
Về tác động của chu kỳ này, một số người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu nó có tác động tích cực đến sự nóng lên toàn cầu hay không? Các chuyên ra cũng đã đưa ra câu trả lời, dù Kỷ Băng hà nhỏ không thể ngăn chặn hoàn toàn việc biến đổi khí hậu nhưng chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài sẽ làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu. Ngoài ra, dù nhiệt độ của tại một số nơi trên Trái đất có thể xuống tới âm độ vào chu kỳ cực tiểu vết đen kéo dài nhưng sự nóng lên toàn cầu vẫn là xu hướng chính.
*Bài viết tổng hợp từ nguồn Sohu, NASA, Phys, Universetoday