Dấu ấn vụ ông Chấn
Cụ thể năm nay, số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các trường hợp làm oan, sai công dân đến thời điểm này là 16,4 tỷ đồng, tăng hơn 11 tỷ so với năm 2014.
Trong đó, riêng số tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn đã là 7,2 tỷ đồng, cao hơn cả số tiền bồi thường cho tất cả các trường hợp năm 2014.
Chính phủ thông tin thêm, bên cạnh việc giải quyết bồi thường tại các cơ quan có trách nhiệm bồi thường, tòa án các cấp cũng đã thụ lý 21 vụ án dân sự về bồi thường Nhà nước, đã giải quyết xong 14 vụ việc, với số tiền là 26,098 tỷ đồng, còn 7 vụ việc đang giải quyết.
Như vậy, nếu tính tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các văn bản giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật (quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường; bản án, quyết định của tòa án giải quyết các vụ án bồi thường Nhà nước), con số sẽ tới 42,536 tỷ đồng.
Với từng lĩnh vực, Chính phủ phân tích, trong hoạt động quản lý hành chính, các cơ quan đã thụ lý, giải quyết 24 vụ việc, 14 vụ việc thụ lý mới (giảm 2 vụ việc so với năm 2014), 2/24 vụ đã giải quyết xong, với số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 1,4 tỷ đồng (tăng 440 triệu đồng so với năm 2014), còn 15 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc bồi thường là: thuế, đất đai, xử lý vi phạm hành chính.
Số tiền bồi thường, theo báo cáo của Chính phủ, chủ yếu nằm trong hoạt động tố tụng. Có 56 vụ việc được thụ lý, giải quyết (giảm 11 vụ so với 2014), 29 vụ trong số đó đã giải quyết xong với tổng số tiền 14,3 tỷ (tăng 10,6 tỷ đồng so với năm 2014). Còn 26 vụ việc đang giải quyết.
Tòa án là ngành phải bồi thường nhiều nhất với số tiền đã thống nhất chi trả năm nay là 9,6 tỷ đồng (tăng 8,5 tỷ), trong đó riêng vụ việc của ông Chấn đã chiếm 7,2 tỷ đồng). Còn 2 vụ việc khác của năm 2015, ngành toà án đang giải quyết.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về 36 vụ việc, đã xong được 15 vụ. Dù số vụ việc như vậy là giảm 10 vụ so với 2014 nhưng số tiến phải chi trả bồi thường lại tăng hơn 2 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, tổng số tiền phải bồi thường là 3,9 tỷ đồng mà còn 21 vụ việc khác đang giải quyết, báo cáo nêu rõ.
Ngành công an nhận giải quyết 6 vụ việc đã giải quyết xong 2 vụ với tổng số tiền phải bồi thường là 710 triệu đồng, tăng 448 triệu so với năm 2014.
Nhiều vụ việc đã giải quyết dứt điểm
Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, trong năm 2015, Bộ Tài chính đã tiếp nhận, giải quyết 14 hồ sơ đề nghị cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường, đã duyệt và cấp phát 13 hồ sơ với tổng số tiền cấp phát là 13,3 tỷ đồng trên 15 tỷ đồng cần duyệt (đạt tỷ lệ 88%).
So với số tiền cấp pháp năm 2014, cơ quan bồi thường Nhà nước cho biết, năm 2015, số tiền tăng 6,3 tỷ đồng.
Bộ Tài chính thống kê cụ thể tiền đã cấp phát cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là 4 tỷ cho 7 vụ việc; cấp phát cho Tòa án Nhân dân Tối cao để chi trả cho 5 vụ việc, với số tiền 8,6 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh đã chi tiền cho vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn là 7 tỷ 272 triệu 247 nghìn đồng, còn cơ quan thi hành án dân sự được cấp phát 650 triệu đồng cho 1 vụ việc phải chi trả bồi thường.
Chính phủ cũng điểm tên một số vụ việc phức tạp hoặc tồn đọng từ nhiều năm trước đã được giải quyết dứt điểm, trong đó có vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn; vụ việc ông Phan Văn Lá ở tỉnh Long An; vụ việc ông Trương Bá Nhàn ở Tp.HCM (trong hoạt động tố tụng hình sự); vụ việc bà Đặng Thị Thông ở tỉnh Bình Định; vụ việc của các ông, bà Nguyễn Thị Hỵ - Nguyễn Thị Xem - Võ Hữu Hạnh ở tỉnh Tây Ninh (trong hoạt động thi hành án dân sự).
Chính phủ đánh giá: có thể khẳng định rằng, năm 2015 công tác bồi thường Nhà nước đã được các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai và thực hiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, lợi ích của Nhà nước.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận hạn chế là 94 vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường Nhà nước đã thụ lý, giải quyết trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực thi pháp luật và chế độ công vụ của đội ngũ công chức, nhất là trong hoạt động quản lý hành chính.
Theo báo cáo thì có tới 21 bộ, cơ quan ngang bộ và 52 địa phương không phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính, trong khi các cơ quan quản lý hành chính, hàng năm phải giải quyết rất nhiều khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức, đặc biệt trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, cấp, thu hồi đất đai, Chính phủ phân tích.