Nên thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm"
Bàn về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, ông Lê Minh Quý – phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Tp HCM cho rằng nên thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để dễ quản lý hơn.
Việc thí điểm chúng ta sẽ tổ chức ở một số địa phương trọng điểm như Tp HCM, Tp Hà Nội, Tp Hải Phòng…
Những lao động trong ngành nghề này sẽ được giám sát, đảm bảo quyền lợi, tránh bị bạo hành và nhất là được pháp luật bảo vệ.
Ngoài ra, họ sẽ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được phổ biến kiến thức để tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS.
“Thành phố sẽ lập khu vực quy hoạch, sau đó có cơ chế khuyến khích như giảm thuế, tạo điều kiện kinh doanh hợp pháp để mời gọi các cơ sở dịch vụ nhạy cảm vào. Tất nhiên, lực lượng chức năng vẫn sẽ giám sát và xử lý mạnh tay nếu xảy ra sai phạm”, ông Quý nói.
Ông Quý cũng khẳng định, việc tập trung dịch vụ “nhạy cảm” vào một chỗ khác với việc lập “phố đèn đỏ”. Bởi gom lại là để dễ quản lý, tránh việc phát sinh tràn lan, người hoạt động trong lĩnh vực này không được bảo vệ.
Trao đổi với chúng tôi bên lề kỳ họp thứ 10, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho hay, ông có đi một số nước trên thế giới và thấy với những hoạt động "nhạy cảm" nên đưa vào khu phố riêng.
"Việc này có tác dụng quản lý được tốt hơn. Thậm chí đối với một số người hành nghề mắc bệnh tật thì việc quản lý, chữa bệnh tốt hơn", ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng cho rằng, việc thiết lập "khu nhạy cảm" này không chỉ là để quản lý việc hành nghề mà còn là để quản lý chính cán bộ, công chức.
"Nếu cán bộ, công chức mà mon men vào khu vực đó thì có nghĩa là có vấn đề.
Luật của nhiều nước không thừa nhận mại dâm nhưng thực tế tất cả các nước trên thế giới đều thấy, càng cấm càng bùng lên, do thực tế tồn tại trong xã hội nên vẫn phải có giải pháp”, ông Lê Như Tiến nói.
Trước những băn khoăn về việc pháp luật chưa thừa nhận mại dâm là một ngành nghề, nếu gom vào một khu thì phải chăng đã vô tình thừa nhận hoạt động mại dâm là hợp pháp?.
Ông Tiến cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh phải nghiên cứu kỹ để tìm giải pháp vừa giảm thiểu tệ nạn xã hội, vừa quản lý được.
“Nếu như không có giải pháp nào cả, cứ để thả lỏng ra thì họ đều hút sách, mại dâm khắp các gốc cây, đường phố còn có hại hơn, lâu nay có ý kiến coi đó là tệ nạn xã hội, đã có hội thảo phải coi đây là hiện tượng xã hội, nên như thế nào phải nghiên cứu thật kỹ.
Chúng tôi đang còn cân nhắc, chưa nói ủng hộ hay không ủng hộ”, ông Tiến cho biết.
Cần xem xét mục đích
Đồng quan điểm đó, khi được hỏi, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp Hồ Chí Minh) cho rằng, trước hết phải xem mục đích gom dịch vụ "nhạy cảm" là gì.
"Nếu để hạn chế các tệ nạn xã hội, bảo vệ phụ nữ rồi bảo vệ thuần phong mỹ tục, thì chúng ta phải tìm phương thức, phương tiện để thực hiện mục đích đó đạt kết quả tốt nhất.
Với dịch vụ "nhạy cảm", nhiều nước đã dùng đến biện pháp gom lại và quản lý", ông Nghĩa cho hay.
Đại biểu Nghĩa lấy ví dụ, ở Hà Lan, vấn đề ma tuý, họ gom lại theo dạng có một số địa điểm nhất định cho người vào đó được dùng, tuy nhiên chỉ cho dùng ma tuý nhẹ, còn sử dụng bên ngoài trừng trị rất nặng.
"Ở Hà Lan cũng có "khu đèn đỏ", nhưng có ai dám nói ở Hà Lan thuần phong mỹ tục băng hoại không, có ai dám nói công dân, phụ nữ của họ bị đối xử tệ hại không?", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, không phải ngẫu nhiên mà ở những quốc gia phát triển, có điều kiện nhân quyền, tiêu chuẩn sống cao, luật pháp nghiêm minh, nhưng họ chọn phương án gom dịch vụ "nhạy cảm" lại để quản lý.
Nước ta trong mấy chục năm qua đã vượt lên rất nhiều. Có những vấn đề trước đây không thừa nhận, nhưng bây giờ chúng ta cũng phải thừa nhận.
"Một khi gom dịch vụ "nhạy cảm" để quản lý, tôi nói thật rất nhiều người hiện nay họ có sử dụng dịch vụ ấy thì trong số đó sẽ rất nhiều người không dám, đặc biệt cán bộ công chức", đại biểu Nghĩa nói.