Vụ bé Ngân bị hành hạ dã man: "Quá tàn khốc, tàn bạo!"

Thiên Di |

“Quá tàn khốc! Những hình ảnh khiến tôi bức xúc, ám ảnh và căm hận người làm cha, mẹ đã tàn nhẫn đánh đập, hành hạ tàn bạo đứa trẻ mới 4 tuổi như vậy”.

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trước hành vi tàn bạo của người mẹ Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi, quê Vĩnh Long) và cha dượng Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, trú tại Đồng Nai) đối với bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) tại Bình Dương. Ông An đề nghị xử lý nghiêm hai đối tượng này.

Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đề nghị xử lý nghiêm hai đối tượng hành hạ bé 4 tuổi.
Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đề nghị xử lý nghiêm hai đối tượng hành hạ bé 4 tuổi.

Quá tàn bạo!

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng An bày tỏ sự bức xúc khi thấy những hình ảnh khuôn mặt của bé Kim Ngân bị bầm tím, sưng vù được đăng tải trên báo chí. Ông căm phẫn hơn khi người hành hạ cháu không chỉ một lần chính là mẹ đẻ và người cha dượng.

Hình ảnh xót xa khuôn mặt bé Ngân 4 tuổi bị đánh đập bởi chính mẹ đẻ và người tình của mẹ.
Hình ảnh xót xa khuôn mặt bé Ngân 4 tuổi bị đánh đập bởi chính mẹ đẻ và người tình của mẹ.

“Không chỉ tôi mà dư luận đều bức xúc. Một đứa trẻ 4 tuổi ngây thơ như vậy mà bị hành hạ thường xuyên. Quá tàn khốc, tàn bạo! Đứa trẻ còn quá nhỏ mà bị đánh đến xuất huyết lưới nhện (một hình thức chấn thương sọ não) như vậy.

Đây chỉ là mảng nổi của “tảng băng chìm” – còn rất nhiều em bé bị hành hạ nhưng không được phát hiện. 16 năm làm Phó Cục trưởng, hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em, những hiện tượng tương tự khiến tôi bức xúc, bị ám ảnh và căm hận. Tôi rất buồn, xót xa!”,-nguyên Phó Cục trưởng chia sẻ.

Theo ông, điều quan trọng là sự phòng ngừa làm sao cho em bé không bị tổn thương về mặt tinh thần. Bởi những trận đánh, hạnh hạ dã man này sẽ khiến em bị sang chấn tâm lý, tổn thương về sức khỏe tâm thần. Chính vì thế, mỗi khi tỉnh giấc hay trong giấc ngủ bé mê man hét lên: “Ba mẹ ơi đừng đánh con, đừng liệng con đi, đừng chích điện con…”.

“Những chấn thương có thể ám ảnh cuộc đời sau này của cô bé, bùng phát bất cứ lúc nào. Việc cần làm là chúng ta phải có sự can thiệp, hỗ trợ phục hồi của chuyên gia tâm lý, bác sỹ tâm thần, gia đình thay thế chăm sóc và yêu thương bé”, ông An nhấn mạnh.

Tước quyền nuôi con của người mẹ

Khi thấy những hình ảnh này, hiện tượng trẻ bị đánh đập, hành hạ trong chính gia đình của mình, bị bắt cóc, bị hiếp dâm...diễn ra hàng ngày, ông An xót xa buồn rầu: “Chúng ta có cả một hệ thống bảo vệ trẻ như vậy sao vẫn để điều đó xảy ra? Cơ quan bảo vệ trẻ em, chính quyền địa phương dường như không can thiệp hoặc hoạt động chưa hiệu quả?”

Đi tìm nguyên nhân sâu xa của hiện tượng đáng tiếc xảy ra gần đây như người bố ở Bắc Ninh đánh con bằng điếu cày,... nguyên Phó Cục trưởng phân tích:

Thứ nhất, hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng của chúng ta còn non yếu, chưa được kiện toàn. Công tác dự phòng, tuyên truyền giáo dục, phát hiện sớm của địa phương rất kém, vì vậy hầu hết các vụ việc đều do báo chí phát hiện, phanh phui. Sự việc xảy ra rồi, các em bị bạo hành, lạm dụng…cơ quan mới vào cuộc!

Gốc rễ ở đâu? Chính là do chúng ta thiếu đội ngũ cộng tác viên cộng đồng hoạt động tại địa phương. Trước đây chúng ta có mạng lưới bảo vệ trẻ em khoảng 162 nghìn cộng tác viên, nhưng sau bị hổng về số lượng, chất lượng do nhiều lý do.

Hai đối tượng hành hạ trẻ 4 tuổi khiến dư luận bức xúc.
Hai đối tượng hành hạ trẻ 4 tuổi khiến dư luận bức xúc.

Thứ hai, trách niệm quản lý của chính quyền địa phương ở đâu? Các đoàn thể địa phương trách nhiệm để đi đâu? Mặc dù nhà nước đã có những văn bản như Chỉ thị 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, quy định rất rõ nếu địa phương nào để xảy ra bạo lực trẻ em thì người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm. “Nhưng từ đó đến nay tôi chưa thấy “người đứng đầu” nào bị kỷ luật?” -  ông An nhấn mạnh.

Thứ 3, quy định văn bản pháp luật của chúng ta còn thiếu nhiều. Luật quy định khung, chứ không quy định rõ ràng xử lý cụ thể ra sao đối với từng hành vi bạo lực, hạnh hạ trẻ em. Điều 7 trong Luật Bảo vệ trẻ em chỉ quy định, nếu xâm hại trẻ em thì chịu hình phạt trước pháp luật.

“Ngay trong câu chuyện bé 4 tuổi này bị chính mẹ đẻ, người tình của mẹ đánh đập dã man có thể chỉ xử lý vi phạm xâm hại hay bạo hành thôi, xử phạt rất nhẹ tùy theo mức độ thương tật của bé. Tôi đề nghị, cần quy định rõ trong luật rằng nếu bố mẹ bạo hành thì chế tài ra sao, có thể là tước quyền nuôi con.

Tôi cho rằng, đây là cơ hội để đưa điều này ra thảo luận, đưa vào luật rõ ràng, cụ thể đặc biệt trong thời gian đang sửa Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, ông Nguyễn Trọng An cho biết.

Cũng theo ông, hai đối tượng Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi, quê Vĩnh Long) Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, trú tại Đồng Nai) đã vi phạm Luật Hình sự cố ý gây thương tích trẻ em (điều 104); vi phạm Luật Bảo vệ Trẻ em (Điều 7); Luật Phòng chống Bạo lực gia đình.

“Việc xử phạt chưa phải là nặng, chỉ là răn đe tức thời. Ở nước ngoài như Úc, Mỹ, các nước châu Âu pháp luật sẽ tước quyền nuôi con của cha mẹ và phạt rất nặng nếu có hành vi đánh đập thường xuyên như vậy”- ông An kiến nghị.

Bé Ngân bị cha mẹ hành hạ dã man đang được điều trị tại bệnh viện

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại