Vụ 2 trẻ nghi bị tiêm thuốc độc: Người mẹ xin về nhà chờ chết

Duy Tính |

Lần đầu tiên BV Nhi đồng 1 tiếp nhận ca ngộ độc Paraquat qua đường tiêm. Người mẹ có dấu hiệu thần kinh không bình thường, cũng đang bị ngộ độc tương tự nhưng không hợp tác điều trị mà xin về nhà chờ chết.

Trưa 3-12, anh Huỳnh Văn Bảo (cha ruột hai đứa trẻ nghi bị tiêm thuốc diệt cỏ) mếu máo nói với chúng tôi: “Thằng nhỏ con anh chết rồi!”.

Vợ chồng nhiều lần đánh nhau

Anh Bảo kể hơn tám năm trước anh từ An Giang lên TP.HCM làm bốc vác và tình cờ gặp và cưới chị Nguyễn Thị Bé Đào (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu).

Hai đứa con kháu khỉnh ra đời là Huỳnh Văn Quốc (bảy tuổi) và Huỳnh Quốc Em (hai tuổi rưỡi).

Từ khi anh Bảo nghỉ bốc xếp ở Sài Gòn về sống ở An Giang làm nghề đạp xe lôi, mỗi khi hai vợ chồng mâu thuẫn, vợ anh lại bế đứa con nhỏ đi, có khi đi đến cả tháng.

“Hai vợ chồng xảy ra xô xát nhiều lần, lần nào tôi cũng bị vợ cắn và xé rách quần áo, máu me đầy người. Có lần tôi bị cắn suýt rớt ngón tay!” - anh Bảo kể.

Bà nội của hai đứa bé nói trong nước mắt: “Nó xuống Bà Rịa-Vũng Tàu làm, hai vợ chồng gây lộn và bà ngoại giành bắt cháu. Thằng Bảo buồn về Châu Đốc (An Giang).

Về được một tháng thì bà ngoại bé gọi nó lên nói đón con về chứ để đây mẹ nó đánh đập, giết chết.

Khi hai bé về nhà mới hai đêm, phát bệnh vàng da và đưa ra BV Đa khoa khu vực An Giang. Hai thằng cháu lanh lợi và thông minh lắm chú à!…”.

Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bé Huỳnh Quốc Em đã không qua khỏi. Ảnh: TÙNG SƠN

Ca ngộ độc chưa từng có

TS-BS Phạm Văn Quang, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Nhi đồng 1, cho biết ngày 22-11, hai trẻ được chuyển lên từ BV Đa khoa khu vực An Giang trong tình trạng vàng da, vàng mắt.

Vài ngày sau, hai bé bắt đầu suy hô hấp, khó thở. Trong máu và nước tiểu của hai bé có độc chất Paraquat.

“Cả hai bé đều tổn thương gan và xơ phổi. Đứa bé lớn khai bị mẹ tiêm gì đó, chúng tôi nghĩ nhiều đến ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật.

Khi kiểm tra thì thấy trên vai, mông hai bé có hoại tử, tuy nhiên để có kết luận chính xác phải chờ công an” - TS Quang nói.

Vì sao các bác sĩ nghĩ là ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật? TS Quang trả lời: “Chỉ có thuốc bảo vệ thực vật là sử dụng dễ nhất, bởi người dân thường khó ra nhà thuốc Tây mua thuốc độc.

Khả năng hai trẻ bị tiêm thuốc một tuần hoặc 10 ngày trước khi nhập viện”.

“Hiện nay cháu nhỏ đã tử vong do nhiễm độc quá nặng gây tổn thương gan, xơ phổi dẫn đến suy hô hấp.

Cháu bé lớn tiên lượng dè dặt vì sợ xơ phổi kéo dài sẽ suy hô hấp mạn tính, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác.

BV đang cố gắng bằng mọi phương pháp chặn quá trình xơ phổi lại, hy vọng có thể cải thiện được.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận ca ngộ độc Paraquat qua đường tiêm” - TS-BS Quang cho biết.

Người mẹ có dấu hiệu không bình thường

PV trao đổi với người mẹ hai trẻ bị nghi tiêm thuốc độc.

Chiều 2-12, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã đến thị trấn Ngãi Giao (thuộc huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) để xác minh thông tin về chị Nguyễn Thị Bé Đào.

Tại đây, sau khi tra cứu, Công an thị trấn Ngãi Giao đã xác định được người tên Nguyễn Thị Bé Đào (ngụ ấp Phú Giáo 2, thị trấn Ngãi Giao) có thân nhân là chồng, hai con như phản ánh.

Sáng 3-12, Công an huyện Châu Đức và PC45 - Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm việc với chị Đào và cho về nhà.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Đào vẫn một mực khẳng định không cho con uống thuốc gì. Chị Đào kể hơn 10 năm lấy chồng và sinh sống tại An Giang, chị nhiều lần bị chồng đánh đập.

Vì bức xúc, uất ức nhiều chuyện nên chị đã đưa con về nhà mẹ tại Châu Đức sinh sống.

Trong khi trò chuyện, nhiều lần chị Đào tỏ thái độ rất gay gắt, có khi tự nói chuyện và khóc một mình.

Người thân của chị Đào và hàng xóm kể thời gian gần đây Đào có biểu hiện không kiểm soát được bản thân, dùng cây đánh vào đầu con trai gây chảy máu rất nhiều nhưng khi được hỏi thì Đào bảo đó là chuyện bình thường và cứ tự cười một mình.

Đôi lúc, Đào tự nói nhảm nếu chết ba mẹ con sẽ cùng chết.

Chị Đào nói với chúng tôi: “Em biết mình sắp chết. Bác sĩ đã cho về. Em không cho con uống thuốc gì hết.

Mọi người tìm quanh vườn cũng không thấy gì đâu. Em không muốn ăn uống, không muốn đi đâu, ở nhà chờ chết”.

Chiều 3-12, bà Ngô Thị Bê - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết Đào đến điều trị tại trung tâm sáng 2-12, được chẩn đoán vàng da, viêm phổi, vượt quá khả năng điều trị của trung tâm.

Trung tâm đề nghị chuyển lên điều trị tại tuyến tỉnh nhưng người nhà của Đào đã ký giấy tờ xin không chuyển viện mà về nhà.

Việc Đào có bị nhiễm thuốc diệt cỏ Paraquat hay không BV tuyến huyện không thể xét nghiệm ra.

TRÙNG KHÁNH - HOÀNG TUYẾT

Can thiệp sớm mới có cơ may cứu sống

Thuốc diệt cỏ nhóm Paraquat độc tính rất cao. Nếu bệnh nhân nhập viện sớm trong những giờ đầu sau khi bị ngộ độc sẽ được thay huyết tương hoặc lọc máu với than hoạt tính để loại bỏ độc chất thì mới có cơ may cứu sống.

Nếu can thiệp trễ thì độc tính vào máu, gây xơ phổi, đây là yếu tố quyết định sự sống còn.

Ở các gia đình, nếu phát hiện người nào uống thuốc này thì phải nhanh chóng móc họng cho ói càng nhiều càng tốt và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để rửa dạ dày và kết hợp cho uống chất kết dính với độc chất như đất sét… sau đó chuyển lên tuyến trên.

TS-BS PHẠM VĂN QUANG, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Nhi đồng 1

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại