"Vấn nạn" đa cấp
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, thực tế, bán hàng đa cấp đã được một số nước áp dụng, nhất là các nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và có thành công.
Ở Việt Nam, việc kinh doanh, bán hàng đa cấp đã được công nhận và có nhiều quy định cụ thể về hoạt động này. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh loại hình này đều phải được Bộ Công thương hay các Sở cấp giấy phép hoạt động.
Tuy nhiên, ông Kiêm cũng khẳng định, hoạt động đa cấp ở Việt Nam chỉ có một số phát huy tác dụng còn phần đông đều còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Kiêm chính là do tính pháp lý của chúng ta, điều kiện ràng buộc, cơ chế để đảm bảo hoạt động an toàn chưa đầy đủ.
Thứ nữa là việc chấp hành của một số đơn vị còn chưa nghiêm, có nhiều sai lệch, nhiều đơn vị còn có hành vi hoạt động các lĩnh vực ngoài giấy phép hay làm biến tướng giấy phép đi.
Thậm chí, nhiều đơn vị còn lợi dụng để có những hành vi chụp giật, gian dối, điều này biểu hiện trên giá cả, chất lượng hàng hóa, phương pháp phục vụ.
Ông Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Tuổi trẻ.
"Không những không chấp hành đúng luật pháp, một số đơn vị còn có ý đồ lừa đảo, phục vụ cho lợi ích cá nhân, tiến hành huy động vốn không minh bạch, khi người dân đến thanh toán thì lẩn trốn, không thanh toán.
Nhiều đơn vị còn đưa ra những lời quảng cáo, giới thiệu rất vô lối trong việc huy động vốn trái phép. Họ cho rằng, người dân chỉ cần nộp tiền không cần làm gì mà vẫn có ăn hay đưa ra mức siêu lợi nhuận...
Những hành vi vi phạm này đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi thiết thực của người dân", ông Kiêm nói.
Một thực tế khác ông Kiêm cũng chỉ ra là, đối tượng chính mà các công ty đa cấp đang hướng tới đó là, những người hám lợi và nông dân ở các vùng quê khó khăn, xa xôi, không có thông tin, sinh viên...
"Họ đã tập trung khai thác vào những đối tượng này với những điểm yếu về sự hám lợi, không có thông tin và thành công", ông nhấn mạnh.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nêu rõ, vấn đề đa cấp xảy ra đã ở mức rất nghiêm trọng.
"Chiếm đoạt tài sản của những người nông dân nghèo khổ, của những em sinh viên rất tội nghiệp. Đã có trường hợp bỏ học, đã có ly hôn, đã có tự tử vì dính vào đa cấp", ông Hiến nói.
Ông cho biết, các doanh nghiệp thường sử dụng các thủ đoạn dụ dỗ không làm gì cũng có tiền bằng lãi suất hứa hẹn vô lý, có khi lên đến 4.800%.
Họ còn sử dụng hình ảnh của những nhân vật quan trọng trong các lễ khai trương, lễ tổng kết, thậm chí là lập lờ mạo danh các cơ quan Nhà nước.
Đại biểu QH Bùi Thị An (Hà Nội) nêu quan điểm: "Đây phải gọi là vấn nạn, bởi nó đã làm cho người dân thiệt hại rất nhiều, gây họa cho biết bao gia đình. Ở đây, bán hàng đa cấp trước hết là lừa chính người thân đầu tiên và đó là việc rất vô đạo đức".
Theo bà, việc này làm cho rất nhiều gia đình, trong đó, nhất là các gia đình nghèo, các em sinh viên về mặt kinh tế thất thoát rất nhiều, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Nhiều sinh viên đã phải bỏ học, làm những chuyện đáng tiếc vì việc này, không ít người nông dân khuynh gia, bại sản...
Chưa kể giờ cái gì cũng đa cấp, đến ngay cả thuốc, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng cũng đa cấp thì còn gì nữa. Về nguyên tắc, chúng ta cần phải cấm việc này.
Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng hàng hóa của đa cấp, theo bà An cũng là một thực tế cần phải lên tiếng, đó là "chất lượng thì một tý nhưng giá cả thì trên trời".
"Liều thuốc" nào cho "vấn nạn" đa cấp?
Theo ông Kiêm, những hành vi gian dối, lừa đảo của đa cấp ngày càng phát triển còn do vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng như tự giám sát của cộng đồng, người tiêu dùng chưa thực sự đầy đủ.
Từ đó, gây ra thiệt hại rất lớn cho người dân và làm mất lòng tin của người dân. Vì thế, trong thời gian tới, chúng ta cần rà soát lại việc cấp giấy phép cho các công ty đa cấp và chỉ cho phép hoạt động trong giấy phép.
Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện những sai phạm, lệch lạc. Cùng với đó, cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ đa cấp và giám sát, phát hiện sai phạm.
Còn bà An cũng nêu rõ, từ những sai phạm của các công ty đa cấp thì cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm minh, cấm tuyệt đối các hành vi lừa đảo này.
Đồng thời, cũng nên xem xét, xây dựng một đường dây nóng với công an hay cơ quan có thẩm quyền để nếu phát hiện đa cấp có hành vi sai phạm thì báo để xử lý ngay...
Cùng với đó, vấn đề đa cấp này không còn là vấn đề hẹp nữa mà là vấn đề lớn, lan tràn rồi và những sai phạm đã rất rõ ràng mà các cơ quan chức năng, cán bộ địa phương không nắm được thì là có vấn đề.
Do đó, cũng cần phải quy trách nhiệm cá nhân, xử lý cán bộ địa phương nếu để đa cấp gây hại cho người dân.