Những lo lắng lên đến đỉnh điểm khi đêm 24 và rạng sáng 25/12, nhiều người tới chầu trực tại điểm tiêm nhằm chọn chỗ để lấy số thứ tự tiêm chủng cho con.
Tuy nhiên, vì số lượng người chờ quá lớn và vắcxin có hạn nên kết quả là sau cả một đêm Noel thức trắng đêm, dầm mưa… đến phút cuối, đơn vị tiêm chủng buông câu không tiêm do “quá tải” đã khiến không ít người hậm hực, bực tức.
Nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng trên, để có cái nhìn khách quan và thấu đáo, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Vừa qua, tại Hà Nội đã xảy ra tình trạng người dân đi xếp hàng tiêm vắcxin dịch vụ như xếp hàng thời bao cấp. Xin bà cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi, chúng ta phải xem lại về vấn đề vắcxin nhập khẩu. Tại sao Việt Nam thiếu trong khi nhiều quốc gia khác không thiếu.
Tôi đồng ý là nhà sản xuất phải có kế hoạch trước. Vấn đề phải là xây dựng định hướng, nhu cầu. Về vắcxin dịch vụ, đâu phải mỗi năm nay mới thiếu, mà vắcxin dịch vụ đã trong tình trạng thiếu ròng rã mấy năm nay.
- Bà có thể phân tích rõ hơn về nguyên nhân?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tại sao vậy, theo tôi vẫn là do cơ chế xin-cho. Ở đây, tôi nghĩ với tình trạng thiếu nhiều năm và chính việc tuyên truyền đã tạo ra một sự khủng hoảng lòng tin.
Bởi tất cả các bậc làm cha mẹ đều luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Ở đây, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là phải định hướng, làm sao để không bị khủng hoảng như vậy.
Giờ tôi nghĩ, tổng hợp số lượng vắcxin cần dùng, dự báo lượng vắcxin là rất cần vai trò của Nhà nước.
Nếu chứng minh về vắcxin an toàn như thế nào cũng là nhiệm vụ chuyên môn, của quản lý Nhà nước.
Tôi cũng lưu ý, việc nhập khẩu, phân phối như thế nào rất quan trọng, tránh tình trạng nước đục thả câu, không để những nơi không có trách nhiệm người ta cũng nhào vào làm.
Sự việc nhiều người tập trung ngồi xếp hàng chờ vắcxin vừa qua cho thấy dường như chúng ta đang trở về thời bao cấp, chen lấn, giẫm đạp nhau theo tâm lý đám đông.
Trong cuộc sống, yếu tố tâm lý rất quan trọng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, định hướng của chúng ta làm chưa tốt.
- Bà có nghĩ rằng, “cơn sốt” vắcxin dịch vụ dường như đang tăng nhiệt trong mấy ngày gần đây. Liệu có khả năng có một bộ phận vin vào việc thiếu vắcxin để đầu tư trục lợi?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi nghĩ rằng cũng không loại trừ có khả năng đó xảy ra.
Tôi cũng vẫn băn khoăn về câu hỏi, các nước không thiếu vắcxin dịch vụ, tại sao Việt Nam lại thiếu?
Chẳng hạn như, bình thường người dân Singapore vẫn tiêm cho con họ, thậm chí thời gian gần đây cũng có hiện tượng các bậc phụ huynh ở Việt Nam cũng đưa trẻ sang Singapore tiêm chủng vắcxin dịch vụ trên.
Và thực tế, là người Việt sang đó tiêm mà họ có thiếu không?
Thuốc không phải như viên kẹo để nói tăng là tăng. Kinh nghiệm, trước đó thiếu thuốc điều trị tay chân miệng rất nhiều dù đã gửi dự trù. Năm nào chúng ta cũng phải chạy theo mà không chủ động được.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề trên, các bên cần phải ngồi họp bàn hệ thống dự phòng số lượng bao nhiêu. Chấp nhận nếu bán ế, Nhà nước đứng ra đền bù thì còn đỡ hơn.
Còn ở Việt Nam đây, một đơn hàng để được đáp ứng phải mất từ 2-3 năm. Nên chăng khâu thủ tục của chúng ta có bớt được để người dân được thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu.
Xin trân trọng cảm ơn bà!