Khu di chỉ khảo cổ học Cồn Điệp (hay còn gọi là Cồn Sò Điệp) rộng hơn 5000m2 nằm ngay sát quốc lộ 1A trên địa bàn xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Khu di tích này được công nhận là di chỉ tiêu biểu cho thời đại đá mới.
Theo sử sách ghi lại, khu di chỉ Cồn Điệp này từng là nơi cư trú vừa là khu mộ của người nguyên thủy.
Khu di chỉ khảo cổ học Cồn Điệp đang bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Từ những năm 1960, các đoàn khoa học đã tiến hành khai quật khu di chỉ khảo cổ này và tìm thấy hàng trăm hiện vật quý, chứng minh sự tồn tại của người Việt cổ với nền văn hóa tồn tại cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm trước Công Nguyên.
Đến nay, qua các cuộc khai quật, các đoàn nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng chục ngôi mộ cổ và nhiều vật dụng bằng đá, gốm... tại khu di chỉ này.
Với những giá trị quý báu về lịch sử mà di chỉ khảo cổ này còn lưu giữ được, năm 1997 UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Văn hóa - Thông tin và huyện Quỳnh Lưu lên phương án để có trách nhiệm bảo vệ khu di chỉ này.
Ở phía ngoài đường lớn nhìn vào, khu di chỉ bị "che" lấp bởi rác thải. Nếu không phải là người địa phương thì ít ai biết rằng, phía trong là 1 khu di chỉ khảo cổ học quý giá thời đại đá mới.
Thế nhưng do nhu cầu thông thương, họp chợ của người dân nên UBND xã Quỳnh Văn đã cho xây dựng 1 chợ kiên cố trên khu di chỉ khảo cổ này khiến nơi đây bị biến dạng và xâm hại nặng nề.
Trong quá trình xây chợ, Cồn Điệp đã bị máy móc san bằng và làm hư hại nhiều. Một lượng lớn vỏ sò, điệp cũng bị người dân đào lên mang về đóng gạch, làm vật liệu, làm nhà.
Mãi đến năm 2014, một chợ mới được xây dựng nên, toàn bộ hoạt động buôn bán của người dân được chuyển đi nên mặt bằng khu di chỉ khảo cổ Cồn Điệp được trả lại.
Ngay sau đó, phía chính quyền địa phương cũng đã cho triển khai xây các bức tường bao quanh để mục đích bảo tồn khu di chỉ và ngăn chặn người dân vào đào trộm vỏ sò, điệp.
Trải qua thời gian và sự tàn phá, 1 lượng lớn sò điệp trong khu di chỉ này đã bị người dân đào phá, lấy trộm.
Thế nhưng, sau gần 2 năm triển khai, dự án công trình có trị giá hơn 1 tỉ đồng để bảo vệ Khu di chỉ này vẫn còn dang dở, cổng chính và một số hạng mục khác vẫn chưa hoàn thành.
Trong khi đó, phía bên trong Khu di chỉ ngày càng hoang phế, cỏ mọc um tùm. Không những thế, vì chưa có cổng hay người trông coi nên người dân đã vào đây để tập kết vật liệu, vứt rác… Nhiều người còn chọn nơi đây làm nơi đậu xe như bến bãi.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Ba - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn thừa nhận thực trạng trên đang xảy ra tại Khu di chỉ Cồn Điệp, mặc dù địa phương đã tuyên truyền cho người dân hiểu nhưng vẫn không được.
Phía bên trong những lớp vỏ sò, vỏ điệp vẫn còn nằm ẩn sâu dưới lớp đất đá, mang một giá trị quý báu về lịch sử.
“Chính quyền xã đã tuyên truyền nhưng một số người dân vẫn thiếu ý thức đem rác đến đây đổ trộm, bỏ vật liệu, trồng cây tại Khu di chỉ khảo cổ này.
Dù được UBND tỉnh cho chủ trương và hỗ trợ kinh phí nhưng do nguồn vốn quá eo hẹp nên đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại xã đã có công văn gửi tỉnh và huyện để có phương án đầu tư xây dựng, bảo vệ di chỉ”, ông Ba nói.
Hiện tại, Khu di chỉ khảo cổ này đang từng ngày xuống cấp và có nguy cơ bị “xóa sổ” bởi sự “hành hạ” người dân nơi đây. Mong rằng các cấp chính quyền Nghệ An cần có phương án và lên kế hoạch để bảo vệ Khu di chỉ khảo cổ có giá trị lớn này.