Ớn lạnh” với thức ăn đường phố
Dạo quanh một khu chợ P.Tân Hưng, Q.7 (TPHCM), không khó để phóng viên bắt gặp hình ảnh các quán ăn bụi theo nghĩa đen, đặt cạnh miệng cống, thùng rác.
Chị Hà - chủ một quán này - trả lời rất hồn nhiên “gần cống để tiện rửa chén, tiện dọn dẹp, gom rác cho nhanh”.
Tại một trường THCS ở quận 4, ngay cả khi cổng trường đã đóng, nhóm người bán hàng rong vẫn “giao dịch”, chuyền thức ăn vào cho học sinh qua song sắt.
Tất cả các khâu làm thức ăn đều bằng tay không, thực phẩm như tương ớt, bánh, gia vị khác đều được đặt ở ngay trên mặt đất...
Trước cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (quận 5, TPHCM) trưa 13.1, các xe bán thức ăn theo phong cách “lưu động” tập trung rất đông ở đây. Cứ cách 1-2 mét lại có một xe bán cháo, trái cây, cơm, bánh mỳ hoặc đồ ăn vặt.
Người bán hàng không ai dùng bao tay nylon để làm thức ăn cho khách. Một quán cơm bày bàn ngay sát nhà vệ sinh công cộng. Thức ăn không được che đậy bằng bất cứ dụng cụ nào.
Tương tự, trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, 2 nhà vệ sinh công cộng đều được người bán hàng tận dụng để bán thức ăn, bán cà phê. Khoai lang, chuối luộc được một người phụ nữ bày bán sát cổng giữ xe, và thức ăn hoàn toàn “trần trụi”.
Tuy nhiên, tình trạng bán thức ăn ngay trước cửa nhà vệ sinh công cộng, bàn ăn bày ngay miệng cống, sát hố ga, thức ăn nhanh “trần trụi”, không một dụng cụ che đậy... là những hình ảnh đã trở nên quá quen thuộc với cả người dân Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác.
Còn trên các đường phố Hà Nội, chưa bao giờ vỉa hè lại được tận dụng tối đa như hiện nay. Chỉ vài ba chiếc ghế nhựa thành quán trà đá, cái bếp nhỏ thành quán ăn khoái khẩu của sinh viên, người lao động nghèo với đủ đồ chiên rán… bày la liệt.
Đa số những quán ăn này tập trung ở gần các trường đại học, khu công nghiệp và bệnh viện. Bạn Hoàng Công Hoàn (Cầu Giấy) cho biết:
“Dù biết là thức ăn ở đây không đảm bảo vệ sinh, ngồi vỉa hè thì bụi bẩn bám đầy thức ăn, nhưng vì quán ăn vỉa hè giá rẻ lại ngon miệng nên luôn là lựa chọn hàng đầu, chứ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì em không quan tâm lắm”.
Qua khảo sát một số chợ trên địa bàn Hà Nội chiều 13.1, PV ghi nhận mặc dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song rất nhiều thực phẩm với vô số mẫu mã, chủng loại đã được bày bán la liệt.
Thực phẩm tươi sống như thịt, cá và các loại thực phẩm khác như giò, chả… cũng được bày bán tràn lan.
Chuối luộc, khoai lang phong cách “trần trụi” bán ngay trước cổng gửi xe Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: K.Q
Cuối năm cũng là dịp người người, nhà nhà tổ chức liên hoan, hội họp, do đó từ nhà hàng đến các quán ăn đường phố đều luôn tấp nập khách ra-vào.
Tuy nhiên, do lượng khách đông cũng là thời điểm hàng quán không chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ghi nhận tại một số tuyến phố tập trung dày đặc các quán ăn uống như Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng, Nghĩa Tân, Hai Bà Trưng… thì thấy, hầu như thời điểm nào trong ngày, các quán ăn cũng luôn đông khách. Các quán nhỏ chỉ cần có ghế nhựa, gánh đồ ăn.
Do không gian hạn hẹp, nên việc chế biến và vệ sinh bát đũa không sạch sẽ. Bát bẩn được đổ dồn thành một đống ở góc nhà, nhân viên chỉ cần 2-3 thùng nước sạch là có thể rửa xong bát đĩa rồi mang lên phục vụ khách.
Cốc uống nước thì chỉ cần tráng qua loa trong một chậu nước là đã có thể sử dụng cho các khách hàng tiếp theo.
Xử lý khó “thấu tình đạt lý”
Theo BS Huỳnh Mai, cái khó trong quản lý thức ăn đường phố là thiếu quy hoạch. Nhóm đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố khó “vào nếp”, nhất là những người bán thức ăn trên các xe đẩy.
Với phương tiện linh động, họ di chuyển và bán hàng ở địa bàn rộng, khó quản lý. Đa phần, các hàng ăn này chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, các hộ kinh doanh này thường rất nghèo, một gánh hàng rong có thể là vốn liếng và nuôi sống cả gia đình.
Do vậy, nếu thấy họ vi phạm mà “hốt hàng” hay xử phạt ngay thì “đạt lý” nhưng chưa “thấu tình”. Hiện tại, cán bộ vẫn thường dùng hình thức xử lý nhắc nhở với nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, theo BS Mai, về tương lai, các UBND phường cần quy hoạch một nơi kinh doanh cố định cho các hộ kinh doanh ở khu vực này để dễ quản lý. Nếu họ không đồng ý kinh doanh ở khu vực này thì sẽ không cho phép kinh doanh nữa.
Còn đối với nhà sản xuất lợi dụng dịp tết tuồn các thực phẩm bẩn ra thị trường, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho rằng:
“Phải xử lý thật nghiêm, đặc biệt là đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng phải được công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Nếu doanh nghiệp nào vi phạm đến lần thứ 3, cục sẽ thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi giấy phép hoạt động đồng thời yêu cầu dừng lưu thông.
Tình từ đầu năm đến ngày 16.12.2015, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 251 cơ sở, tổng số tiền phạt lên đến hơn 4,5 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2014.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay có tới 70-80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30/2012/TT-BYT ban hành những quy định về điều kiện an toàn thực phẩm như bán hàng phải có mũ, khẩu trang, tạp dề, đeo găng tay khi chế biến thức ăn… Song, rõ ràng là rất hiếm các cơ sở thức ăn đường phố chấp hành quy định trên.