"Người vi phạm đốt xe" phản ứng với CSGT: Có thể bị xử lý hình sự

Hoàng Đan |

Theo các luật sư, nếu xác định đúng hành vi đốt xe thể hiện sự phản ứng với CSGT ở Thái Bình thì đây là hành động vi phạm, xâm hại đến trật tự công cộng và có thể bị xử lý hình sự.

Có thể bị phạt tù

Khoảng 9h sáng 11.1, tại nút giao thông Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng (TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã xảy ra một vụ cháy xe máy khiến giao thông qua khu vực này bị gián đoạn.

Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, và có nhiều nhận định thiên về khả năng người điều khiển chiếc xe trên vi phạm luật giao thông, bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để xử lý, vì “xin xỏ” bất thành nên phóng hỏa đốt xe.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) cho rằng, một người có toàn quyền đối với tài sản mình sở hữu, kể cả quyền đốt rụi.

Tuy nhiên, theo luật sư Triển, phải xem việc đốt đó được tiến hành ở đâu, có ảnh hưởng đến ai không, nếu đốt ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông... thì rõ ràng là vi phạm, phải bị xử lý.

"Anh phải đốt ở nơi nào không ảnh hưởng đến ai, không được mang ra đường rồi châm lửa, rõ ràng hành vi này đã vi phạm pháp luật vì xâm hại đến trật tự công cộng", luật sư Triển nói.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho hay, trong vụ việc nêu trên cần làm rõ các nội dung sau đây thì mới có căn cứ để xử lý:

Trước hết chủ sở hữu chiếc xe là ai? có phải là ông Đỗ Văn Ve, sinh năm 1964 ở Vũ Lạc, thành phố Thái Bình - Người điều khiển chiếc xe bị cháy nêu trên có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ hay không?

"Nếu ông Ve có hành vi vi phạm luật giao thông thì CSGT xử lý vi phạm đúng quy trình hay chưa, có thái độ gây bức xúc, mất bình tĩnh cho ông Ve hay không?

Ông Ve là người tự châm lửa đốt xe hay xe cháy là do nguyên nhân khác? Tình trạng tinh thần của ông Ve khi sự việc xảy ra... Từ đó mới có thể kết luận về vụ việc này và mới có căn cứ và xử lý theo quy định pháp luật", luật sư Cường nhận định.

Hình ảnh cắt từ clip
Hình ảnh cắt từ clip

Theo luật sư Cường, nếu có căn cứ xác định chiếc xe đó không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Ve mà ông Ve lại tự ý châm lửa đốt xe thì hành vi này là hành vi cố ý hủy hoại tài sản.

Trong trường hợp này, nếu ông Ve không mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức thì ông Ve sẽ bị xử lý về tội cố ý hủy hoại tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự.

"Nếu chiếc xe đó là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Ve mà ông lại tự ý đốt chiếc xe này ở nơi công cộng để thể hiện thái độ phản ứng tiêu cực trước việc xử lý vi phạm của CSGT thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Nếu hành vi này chưa gây hậu quả nghiêm trọng theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì ông Ve sẽ bị xử lý hành chính.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, mức xử phạt  là từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Còn nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ làm căn cứ để xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự.

Theo đó, người gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng.

Đồng thời người vi phạm bị cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm", luật sư Cường nhấn mạnh.

Cần làm rõ xem CSGT có lỗi hay không?

Ngoài ra, theo luật sư Cường, cũng cần làm rõ nguyên nhân, động cơ mục đích nào khiến ông Ve lại có phản ứng tiêu cực gây thiệt hại tới tài sản như vậy.

Nếu chiếc xe đó là tài sản phạm pháp, hành vi đốt xe để phi tang chứng cứ thì cần phải làm rõ để xử lý các sai phạm.

"Nếu chiếc xe là tài sản hợp pháp của ông Ve mà ông này lại tự ý đốt xe thì cũng phải làm rõ nguyên nhân xem các CSGT đó có lỗi gì không...

Với người dân thì chiếc xe máy là phương tiện quan trọng, là tài sản có giá trị. Vậy mà họ bức xúc tới mức phải đốt xe (nếu có) thì người gây bức xúc cũng có lỗi và  cần phải bị xử lý bằng những biện pháp thích hợp", luât sư Cường nêu.

Cùng quan điểm đó, luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cũng nhận định, vụ việc này đang khiến nhiều người tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau, vụ việc còn có dấu hiệu tội phạm.

Vì vậy, cơ quan công an nơi đây cần xác minh, làm rõ và xử lý sao cho công bằng, công khai và đúng pháp luật, bên nào có sai phạm cũng cần phải bị xử lý nghiêm để đảm bảo duy trì trật tự xã hội,.

Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;

b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;

c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;

d. Chết người;

đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;

e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;

g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;

h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

5.2. "Gây cản trở giao thông nghiêm trọng" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu)".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại