Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Ai tình nguyện nhập ngũ thay thủ khoa ĐH Y?

Bùi Hà |

(Soha.vn) - Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, việc em Tiến thủ khoa có nguyện vọng đi học đại học thay vì nhập ngũ là tâm lý bình thường, đại đa số học sinh thi đỗ đại học đều có mong muốn đó.

Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý, Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM về trường hợp của em Nguyễn Hữu Tiến thủ khoa 29,5 điểm ĐH Y Hà Nội có thể tạm dừng việc học để nhập ngũ trong 2 năm.


	Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu bày tỏ quan điểm và đưa ra lời khuyên cho cậu học trò thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến.

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu bày tỏ quan điểm và đưa ra lời khuyên cho cậu học trò thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến.

Tuyển quân là công bằng và không phân biệt

- Thầy có nghe đến câu chuyện em Nguyễn Hữu Tiến thủ khoa ĐH Y Hà Nội có thể sẽ tạm dừng việc nhập học năm nay để đi bộ đội không?

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Tôi đang theo dõi trường hợp đặc biệt này và chờ xem Ban chỉ huy quân sự địa phương có gửi lệnh gọi nhập ngũ cho em Tiến hay không.

Nếu Tiến nhập ngũ sẽ rất có lợi về mặt tâm lý cho việc tuyển quân, vì thủ khoa còn phải tham gia nghĩa vụ quân sự, huống hồ gì các thí sinh thi đậu khác. Động thái đó cho thấy việc tuyển quân là công bằng và không phân biệt.

Ngoài ra, theo thông tin đại chúng, quân đội cũng đang rất cần nhân lực trình độ cao. Do đó các đối tượng có học lực tốt như Tiến cũng sẽ nằm trong diện ưu tiên tuyển.

- Trường hợp em Tiến có mong muốn được đi học đại học nhưng lại không được ưu tiên?

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Ngày xưa, thời chiến, người ta rất tự hào khi được vào quân đội, được chiến đấu để bảo vệ quê hương, bảo vệ gia đình. Còn ngày nay, thời bình, người ta lại tự hào khi được vào giảng đường, vào thương trường để làm việc xây dựng quê hương, phụ giúp gia đình.

Đó là quy luật chuyển dịch khách quan từ tâm thế thời chiến sang tâm thế thời bình. Cho nên, nếu Tiến có nguyện vọng mong muốn đi học đại học là tâm lý rất bình thường, tuyệt đại đa số thí sinh thi đậu đều muốn vậy, phụ huynh cũng muốn vậy.

Nhưng ở đây, Tiến là một công dân, Tiến sống trong một xã hội chung. Xã hội thì có lề luật để đảm bảo lợi ích chung. Do đó mong muốn ấy có được đáp ứng hay không là phụ thuộc vào yếu tố quyết định ở đây là  pháp luật, là nhu cầu của Tổ Quốc, mà người đại diện thực thi là Ban chỉ huy quân sự.

- Nhưng em Tiến sẽ mất nhiều cơ hội học tập. Hơn nữa gia đình em rất nghèo và mong muốn của Tiến là được đi học sớm để giúp đỡ bố mẹ?

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Nếu cắt đứt con đường học hành gần 2 năm, một điều không thể chối cãi là sẽ phải ít nhiều tốn thêm thời gian để thích nghi lại với hoạt động học tập, để khởi động lại kiến thức đã bỏ quên. Đi học liền mạch thì "có trớn" nên ít nhiều thuận lợi hơn.

Ngoài ra, 2 năm không phải là quá dài nhưng cũng không hề ngắn. Người ta có thể làm được rất nhiều việc, tích lũy rất nhiều kỹ năng nghề nghiệp trong hai năm đó. Từ đó ít có nguy cơ thụt lùi hơn so với tốc độ phát triển chung của bạn cùng trang lứa.

Có thể thấy, đóng góp cho Tổ Quốc thì có nhiều cách. Cầm súng hay cầm bút đều là xây dựng và bảo vệ đất nước mình, quê hương mình, gia đình mình.

- Liệu gia đình em có thể làm giấy tạm hoãn nhập ngũ để đi học không?

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Nếu Tiến chưa hoàn tất thủ tục nhập học mà được nhận lệnh gọi nhập ngũ thì theo luật, gia đình Tiến không thể làm giấy tạm hoãn.

Ai sẽ tình nguyện đi thay Tiến?

- Có ý kiến cho rằng để thủ khoa đại học 29,5 đi nghĩa vụ quân sự là phí phạm nhân tài vì mỗi công dân có cách đóng góp cho đất nước riêng, theo đúng sở trường, đam mê của mình?

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Không đến mức phí phạm nhân tài đâu, vì nếu nhìn tích cực thì ta thấy: hoàn thành nghĩa vụ xong Tiến vẫn có thể tiếp tục nhập học và đóng góp cho đất nước. Ngoài ra, nếu một nhân tài mà được tôi rèn thêm về tính cách và kỷ luật trong môi trường quân đội thì càng tuyệt vời.

Ngược lại, nếu muốn Tiến đóng góp theo cách học hành ngay bây giờ thì cũng tốt và cần được tạo cơ hội.

Như vậy, ở đây không có phương án nào là hoàn hảo để hoàn toàn mỹ mãn giữa hai con đường. Tuy nhiên, nếu Tiến đi học thì sẽ phải có một người tương đương để thế vào chỗ Tiến. Vậy đó sẽ là ai? Ai sẽ tình nguyện?

Tâm lý của Tiến có nguyện vọng được đi học là bình thường bởi đó là quy luật khách quan. (Ảnh minh họa).

Tâm lý của Tiến có nguyện vọng được đi học là bình thường bởi đó là quy luật khách quan. (Ảnh minh họa).

- Bản thân Tiến cũng bày tỏ rằng mình không trốn tránh đi nghĩa vụ quân sự, nếu gọi Tiến sẽ sẵn sàng đi. Tuy nhiên, trong thâm tâm Tiến và gia đình vẫn đang hy vọng và mong được đi học trước. Thầy sẽ khuyên bạn điều gì?

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Nếu em Tiến nhận được lệnh gọi nhập ngũ, em hãy vui vẻ lên đường và hãy tự hào rằng mình là một người có trách nhiệm với Tổ quốc, với gia đình. Em sẽ là một tấm gương cổ vũ cho nhiều bạn khác và hãy dùng trí tuệ của mình đóng góp cho những công việc phù hợp trong môi trường quân đội.

1,5 - 2 năm đó xem như là khoảng thời gian để em rèn luyện. Giới trẻ các em hay nói rằng: "Phong độ chỉ là nhất thời - đẳng cấp mới là mãi mãi"; nếu là người có trí tuệ thì sau 2 năm rèn luyện trong quân đội em sẽ vẫn giữ và phát triển thêm trí tuệ của mình với lối tư duy chiến lược được học trong quân đội.

- Theo thầy, nhà nước có cần một chế độ đãi ngộ riêng đối với những em đạt số điểm 29,5 đại học không?

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Nếu có chế độ này, người dân sẽ càng đậm suy nghĩ: quân đội chỉ tập hợp những người “không có năng lực, không có trí tuệ”, “bất tài mới đi bộ đội”. Điều đó hoàn toàn không tốt cho tâm thế bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, thời hiện đại, quân đội phải là lực lượng đầy trí tuệ, đầy người tài để bảo vệ đất nước trong mọi mặt trận chứ không chỉ đơn giản là chuyện cầm súng. Mình không ủng hộ chế độ ưu tiên này.

Tuy nhiên, Ban chỉ huy quân sự địa phương có thể linh động tùy trường hợp để sao cho đất nước có lợi nhất và công dân cũng cống hiến được nhiều nhất.

Trân trọng cảm ơn thầy!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại