Kỳ lạ hơn nữa là con mắt của ông sáng lại khi ông đã ở ngưỡng bát thập gần đất xa trời. Từ hồi sáng mắt đến giờ, ông cụ 85 tuổi ấy vẫn khỏe mạnh, vẫn ruộng vườn, ao cá như một lão nông tri điền thực thụ.
Con mắt hỏng vì đạn hóa học của anh phóng viên chiến trường
Ông Nguyễn Thế viên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chưa đầy 20 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Vào quân đội với trình độ văn hóa lớp 7 (ông Viên sinh năm 1930), lại tích cực trong mặt trận nên đơn vị đã cử ông đi học khoa Văn, trường ĐH Tổng hợp (cũ).
Học xong, “do thời chiến ác liệt, lòng quyết tâm, chí khí đã tôi luyện lòng dũng cảm”, ông lại xung phong làm phóng viên chiến trường, lấy bút danh là Trường Sơn.
Giữa thời chiến, nhà báo như ông không ngại khó, ngại khổ, thậm chí là sự an toàn của tính mạng. Ông bảo:
“Trong trái tim khi ấy chỉ có khẩu hiệu “mặt trận là nhà, bom đạn là sự kiện”, bây giờ nhớ lại, thấy mình ngày đó bản lĩnh thật, viết “máu” và “sung” lắm”.
Một buổi chiều cuối năm 1969, khi đang là phóng viên chiến trường ở Tây Nguyên, ông Viên cùng các đồng nghiệp nhận được tin nóng, rằng lực lượng của ta sẽ tấn công sân bay An Khê (Gia Lai).
Ông và ba đồng nghiệp nữa lên đường, trong đó có một nhà báo người Đức.
Trên đường đi, khi cùng nhau bàn bạc, chia sẻ về sự kiện sắp diễn ra, trong đầu ông Viên đã tính “sáng mai trên trang báo sẽ có bức ảnh khói lửa nghi ngút của máy bay địch. Bạn đọc sẽ rất hả hê, vui mừng”.
Gần đến sân bay An Khê, hai đồng nghiệp cùng cơ quan dừng chân vì họ chỉ viết bài, còn phần ảnh là nhiệm vụ của ông Viên, thế nên ông và nhà báo người Đức đã len lỏi qua những lùm cây, tìm hướng tiến sát đến sân bay nơi địch đang chiếm đóng.
Khi đã thấp thoáng bóng những chiếc máy bay, hai người đang bò đến sát hàng rào dây thép gai thì bị địch phát hiện và bắn pháo hóa học (loại pháo chỉ nổ một số điểm làm cho đối tượng bị ngất) hòng bắt sống ông và nhà báo Đức.
Sau khi pháo nổ, hai người bị thương, các đồng nghiệp khác đã kịp ứng cứu nên ông và nhà báo người Đức được giải thoát. Thế nhưng ngay sau khi tỉnh dậy, mắt trái của ông đã không nhìn thấy gì nữa.
Ra nước ngoài thay mắt nhưng “chỉ để cho đẹp”
Sau đó, nhà báo người Đức về nước, ông Viên may mắn được cùng đi chuyến bay sang Đức để chữa mắt. Các bác sĩ bên Đức chẩn đoán ông bị nổ mắt trái, giác mạc hỏng hoàn toàn.
Nghe tin, ông Viên tuyệt vọng, vì “khi biết được sang Đức chữa trị, tôi đã rất mừng…”.
Sau mấy ngày nằm viện để phục hồi sức khỏe, các bác sĩ lại mang đến cho ông một tin khác, tin mừng: Có người hiến giác mạc, và có thể thay giác mạc mắt trái cho ông, khả năng mắt trái hồi phục được là rất lớn.
Ca mổ ghép giác mạc cho ông Viên được tiến hành ngay sau đó và được đánh giá là một ca thành công.
Những ngày chờ tháo băng, ông Viên đã khấp khởi vô cùng. Lúc bác sĩ tháo băng, ông nín thở theo từng vòng băng trắng được tháo ra, chờ đợi giây phút con mắt trái sáng bừng trở lại.
Thế nhưng khi ông chầm chậm mở hai mắt, mắt phải vẫn nhìn thấy bình thường, còn mắt trái không nhìn thấy gì – không khác gì lúc chưa thay giác mạc.
Cả bệnh viện họp, các bác sĩ bàn bạc, phân tích mà vẫn không hiểu tại sao mắt trái lại không nhìn thấy, trong khi ca ghép giác mạc, về kỹ thuật là rất thành công.
Sau 6 tháng điều trị mắt và 4 tháng nữa an dưỡng phục hồi sức khỏe, ông Viên về nước với ánh nhìn tối thui của con mắt trái – hệt như gần một năm trước ông lên máy bay sang Đức.
“Cứ tưởng mình được thay mắt là sẽ thấy lại được ánh sáng, thế mà rồi cuối cùng lại chỉ là thay cho… đẹp” - ông Viên cười - “Ngoài con mắt trang trí này, trên người tôi còn rất nhiều vết thương, 6 viên đạn vẫn găm trong người, bộ răng thì bị bom Mỹ đánh gãy gần hết, răng bây giờ cũng là răng giả thôi”.
Về nước, người thương binh nặng Nguyễn Thế Viên tiếp tục công việc của một nhà báo ở báo Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam… đến năm 1986 ông nghỉ hưu.
Ông về quê sinh sống, nhưng ông lại không muốn ngồi một chỗ hưởng cảnh thanh nhàn nhưng buồn tẻ, xã Hùng Thành bên cạnh có rừng thung Mây, thấy có thể cải tạo làm trang trại, thế là ông làm đơn xin chính quyền cho đấu thầu vùng rừng đó.
Ông và anh em họ hàng bắt đầu khai hoang thung Mây, ông nhờ người đắp đập ngăn dòng suối – bấy giờ hai bên bờ suối toàn hang hốc, cây cối gai góc rậm rạp, um tùm.
Mất 3 tháng mới làm được đường vào suối, 5 tháng nữa dòng suối mới thành những vuông ao. Ông dựng lều và bắt đầu thả cá.
Ngày nào ông cũng đi nhặt phân trâu, bò, đi cắt cỏ về nuôi 2 tạ cá giống; dần dần ông còn mở thêm chuồng trại nuôi gia súc, chăn thả gia cầm, đấu thầu đất rừng để trồng cây nguyên liệu, đấu thầu đất ruộng để trồng cây giống, thậm chí ông vẫn viết báo, gửi bài cộng tác nhiều nơi…
Ông làm tất cả mọi việc chỉ bằng một con mắt sáng.
Mắt sáng trở lại như một phép màu
Khi ông Viên đã ở tuổi 80, một buổi sáng như mọi ngày, ông thức dậy lúc 5h để tập thể dục, trời đất mờ mờ tỏ tỏ, lúc bước ra cửa, ông bỗng thấy mắt trái nhìn thấy mọi thứ lờ mờ.
Ông không tin vào mắt mình nữa, ông nhớ lại: “Thực ra tôi cũng không để ý vì mù mắt trái đã gần 40 năm. Cái hồi làm Hội trưởng Hội Phụ huynh trường THPT Bắc Yên Thành, tôi vẫn đeo cái kính gần 4 độ và mắt trái vẫn không trông thấy gì cả.
Mắt bỗng dưng sáng đã thấy lạ lắm rồi, thế mà cái sự lạ nó còn lạ hơn, ấy là từ khi mắt trái sáng, tôi lại không phải đeo kính nữa mà vẫn đọc được sách báo, vẫn nhìn rõ ràng các sự vật xung quanh”.
Rồi ông lý giải: “Có thể khi mắt trái “sống lại”, nó đã kéo mắt phải lại mạnh hơn, giờ nó còn sáng hơn con mắt lành”. Khi ông Viên đi đo mắt, thị lực của mắt lành là 7/10, còn thị lực của con mắt mù gần 40 năm nay sáng lại là 9/10.
Nói về con mắt mù bỗng dưng sáng lại của ông Viên, ông Trần Vũ Phú (xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành) vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Thấy ông Viên sáng mắt tôi không tin lắm.
Trước đó cả xã này ai cũng biết ông ấy một mắt bị hỏng nhưng ông ấy vẫn năng động nên ít người để ý. Mấy năm lại đây thấy bảo mắt ông Viên đã sáng nên mọi người vui cho ông ấy. Nhưng thú thực cũng thấy bất ngờ”.
Cái hồi ông Viên mới sáng mắt trở lại như một sự lạ lùng, bà con không ai tin là mắt ông “tự dưng sống lại”, nhiều người còn đồn do ông uống thuốc của bà dân tộc Thái, người khác lại đồn do ông uống nước thiêng ở dòng suối Gâm.
Ngay cả cháu dâu ông là chị Tạ Thị Lợi còn bán tín bán nghi hỏi ông rằng: “Bác có thuốc thánh hay được bề trên phù hộ à?”.
Trước mọi lời đồn thổi, ông Viên chỉ cười bảo: “Sau lần ở Đức về, tôi không đi khám chuyên khoa lần nào cả. Nhưng cái sự “sống lại” của con mắt mù này thì chỉ có các nhà khoa học kết luận được thôi. Song tôi nghĩ là rất có thể do sức khỏe.
Trước tôi uống rượu, hút thuốc nhiều nhưng sau khi bỏ thì trọng lượng tăng từ 45kg lên hơn 50kg. Khỏe thì khả năng thích ứng thần kinh đã kéo con mắt trái sáng lại.
Mặt khác có thể tôi sống ở môi trường trong lành, lại vô tư nên con mắt nó mới “sống lại” như thế”.
Nói về trường hợp con mắt bỗng dưng sáng lại của ông Viên, PGS-TS Đỗ Như Hơn – Bệnh viện Mắt TƯ cho biết:
Trường hợp đã từng được ghép giác mạc, không nhìn thấy sau 40 năm lại có thể sáng bình thường như thế này thì thật kỳ lạ, tôi chưa thấy bao giờ. Thực tế vẫn có những trường hợp bị đục nhân mắt, họ không đi mổ và không thể nhìn thấy được.
Vì một lý do nào đó như khi họ bị ngã, nhân mắt rơi ra thì lại nhìn thấy nhưng không thể bình thường mà vẫn mờ. Nghe qua lời kể của ông Viên thì không thể biết chính xác được.
Tuy nhiên, tôi khẳng định lại lần nữa, đây hoàn toàn là chuyện lạ, cần phải xác minh trên cơ sở khoa học!