Thiếu cơ chế đánh giá của cử tri
Trong phát biểu trước Quốc hội sáng nay 28/3, ông Dương Trung Quốc cho rằng, trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ nếu chúng ta chỉ theo tuyến tính ngày hôm nay hơn ngày hôm qua và ngày mai hơn ngày hôm nay thì mới chỉ nhìn vấn đề một cách phiến diện.
"Điều quan trọng hơn là chúng ta có theo kịp được sự phát triển của đất nước, nhu cầu của đời sống, nguyện vọng của người dân không? Thước đo đó mới là quan trọng.
Nếu thước đo là nhiệm kỳ này chúng ta làm 100 luật và nhiệm kỳ trước là một nửa thì rất đáng ghi nhận. Nhưng luật đó có đi vào đời sống không?
Chỉ người dân - những người thụ hưởng thành quả của Quốc hội cũng như chịu đựng hậu quả của những sai sót của Quốc hội mới là người đánh giá chính xác nhất", ông Quốc nói.
Ông cũng nhìn nhận, đánh giá này không đơn giản và khi đọc xong báo cáo, nghe trình bày có chỗ cho rằng nhân dân rất tin tưởng, có chỗ lại cho rằng băn khoăn...
"Dường như Quốc hội thiếu một cơ chế đánh giá ý kiến cử tri và mối tương tác với cử tri mới là điều quan trọng nhất.
Chúng tôi mong rằng, thời gian tới, bên cạnh hoạt động của MTTQ, của truyền thông... thì Quốc hội cần kênh khoa học để cử tri đánh giá", ông Quốc nêu.
"Làm sao biển không còn gợn sóng nữa"
Ông Quốc cũng nhấn mạnh, hoạt động đối ngoại là rất quan trọng, đa dạng về hình thái. Có rất nhiều hoạt động đối ngoại lớn của Quốc hội mà người dân chưa hiểu hết, chưa thấy hết.
"Nhưng một trong những cái thiết thực nhất với người dân là hoạt động ngoại giao ấy có tác động trực tiếp để làm sao cho người dân đi biển yên tâm không?
Làm sao cho biển không còn gợn sóng nữa, làm sao cho chúng ta bảo vệ được chủ quyền đất nước? Trên lĩnh vực này, tôi thấy Quốc hội qua ý kiến của người dân là chưa hài lòng", ông Quốc nêu.
Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, nhiều phản ứng của Quốc hội chậm. Quốc hội chính là một lĩnh vực ngoại giao nhân dân cao nhất và trải nghiệm lịch sử cho thấy, tiếng nói QH rất quan trọng.
Nó không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà cũng thể hiện mong muốn hòa bình. Do đó, trong thời gian tới những vấn đề còn nguyên vẹn như vậy Quốc hội cần quan tâm, có tiếng nói kịp thời, phản ứng.
Một trong những hoạt động của Quốc hội, trên diễn đàn cao nhất, chúng ta đã hết sức trân trọng đón ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, người đại diện cao nhất của tổ chức quốc tế uy tín nhất mà chúng ta là thành viên.
Một bài diễn văn không dài nhưng rất sâu sắc, khiến nhiều đại biểu hoan nghênh.
"Nhưng qua 3 nhiệm kỳ QH tôi chứng kiến thì ngoài ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chỉ có 2 lần QH đón nguyên thủ Quốc gia và đều của Trung Quốc là ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình.
Việc đón một nguyên thủ quốc gia của một nước lớn, có nhiều quan hệ với chúng ta là rất đáng trân trọng. Nhưng nếu chúng ta không tạo thành một thông lệ, tất nhiên có chuẩn mực, để chúng ta mời có nhiều tiếng nói hơn, thì nhân dân băn khoăn.
Hơn nữa, trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta hiện nay thì ai là người mời...?
Có chuẩn mực quy định nào để được Quốc hội chấp thuận không? Chúng ta cần phải làm để sau này còn mời nhiều người khác đến nữa", ông Quốc nhấn mạnh.
Ông Quốc cũng nêu rõ, diễn đàn Quốc hội là diễn đàn bày tỏ quan điểm chứ không thuần túy là diễn đàn xã giao.
"Người dân hỏi tôi, khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu ý kiến, các đại biểu vỗ tay thì ông thấy như thế nào, đồng thuận với phát biểu chăng hay chỉ là xã giao.
Chắc mỗi ĐBQH hôm đó đều suy nghĩ về việc này. Vì thế, tôi đề nghị nên chuẩn mực chuyện đó và coi như là một sinh hoạt thường xuyên của QH, có quy định rõ ràng, thể hiện sự đồng thuận của chúng ta khi đến với diễn đàn QH.
Từ đó, qua diễn đàn QH, người dân nắm được các vấn đề đối ngoại quan trọng", ông nói.