Theo chương trình kỳ họp, hôm nay (thứ 2 ngày 28/3), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.
Tiếp đó, ngày 29/3, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
Đáng chú ý, các phiên thảo luận trên sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 để người dân cả nước theo dõi và giám sát các hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…
Đối với với công tác nhân sự, vào sáng 30/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội.
Sáng 31/3, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Chiều 31/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Sáng 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Sáng 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng.
Sáng 7/4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội.
Ngày 8/4, tân Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Tới 9/4, Thủ tướng trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Sau khi bỏ phiếu kín, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Cử tri kỳ vọng gì vào các lãnh đạo mới?
Trao đổi với phóng viên Infonet về những kỳ vọng của cử tri trước việc Quốc hội khóa XIII sẽ bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước trong tuần làm việc này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa qua, Đại hội Đảng lần thứ 12 đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Do đó, để thống nhất sự lãnh đạo đạo của Đảng với nhà nước, Quốc hội, đặc biệt là Chính phủ, qua sự phân công của Bộ Chính trị có một số thành viên dự kiến sẽ được giới thiệu ứng cử chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Đây là những gương mặt mới được Đại hội tín nhiệm, Ban chấp hành Trung ương tín nhiệm và dư luận cũng kỳ vọng các đồng chí sắp tới được bầu vào các vị trí cao nhất của Nhà nước sẽ phát huy vai trò của những người tiền nhiệm.
Theo nguyên Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, kỳ vọng của cử tri cả nước mong muốn những người đứng đầu các cơ quan của nhà nước, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội sẽ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hội nhập sâu với quốc tế, đem lại các kết quả nhân dân mong đợi.
Đặc biệt, là phải làm thế nào để cải thiện được cuộc sống của người dân, đảm bảo được an ninh quốc phòng để hội nhập quốc tế.
“Cử tri cả nước trông đợi những người có trách nhiệm ở vị trí cao phấn đấu hết mình vì dân vì nước và phải làm thế nào phải loại bỏ được những trở lực trong phát triển đất nước, trong đó đặc biệt là “lợi ích nhóm” hiện nay đang là trở lực rất lớn với sự phát triển của đất nước, nó cũng là mầm mống của tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Vì vậy, cử tri mong các vị đứng đầu các cơ quan nhà nước phải có giải pháp thế nào để cho có hiệu lực, hiệu quả, giải phóng được tiềm năng đất nước, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, ông Cuông nêu mong muốn.