Ông Dương Danh Dy lật tẩy "3 sáng kiến" của Trung Quốc

Hoàng Đan |

Ông Dương Danh Dy cho rằng, cái gọi là "3 sáng kiến" của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là nhằm phục vụ cho ý đồ, thủ đoạn của nước này ở Biển Đông

Cái gọi là "3 sáng kiến" của Trung Quốc

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra một chùm “3 sáng kiến" nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

"Sáng kiến” thứ nhất là “cam kết thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC) một cách toàn diện, hiệu quả và đầy đủ...”

"Sáng kiến” thứ nhì là “các nước bên ngoài khu vực cam kết hậu thuẫn các nỗ lực nêu trên của các nước trong khu vực, và không tiến hành các hành động có thể gây căng thẳng và phức tạp trong khu vực”.

“Sáng kiến” thứ ba là “các nước cam kết thực thi và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không của mình trên biển Nam Hải (cách gọi khác của Trung Quốc về Biển Đông) đúng với luật pháp quốc tế”.

Trước những "sáng kiến" này của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trao đổi với chúng tôi, ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho rằng, đây không phải là những "sáng kiến" bởi không có gì mới trong đó.

"Tôi cho rằng, đây chẳng có gì được gọi là sáng kiến cả. Bởi tất cả những gì ông Vương Nghị đưa ra đều chỉ là những ý nhằm phục vụ cho ý đồ, thủ đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông trong lúc này mà thôi.

Khi Việt Nam cùng các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế đã nhận thấy rõ bộ mặt, bản chất của Trung Quốc và cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ thì họ bắt đầu đưa ra những tuyên bố theo kiểu "xoa dịu" này.

Nhưng chắc chắn một điều, chẳng ai có thể tin được những gì mà Trung Quốc tuyên bố khi mà các hành động thực tế luôn luôn ngược lại", ông Dy nói.

Nhìn vào tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa đưa ra, ông Dy cho hay, các sáng kiến này chỉ là sự giậm chân tại chỗ ở bước tham vấn của Trung Quốc.

Theo ông Dy, trong thông cáo chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhấn mạnh: “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc nhanh chóng thiết lập một COC... để tiến tới giai đoạn tiếp theo của cuộc tham vấn và đàm phán”.

"Nhưng nếu nhìn lại sáng kiến của ông Nghị thì rõ ràng đây chỉ là sự kêu gọi tăng tốc trong tham vấn mà thôi.

Chưa kể, để thực hiện sáng kiến này thì sẽ không bao giờ được đưa giàn khoan lấn vào vùng đặc quyền kinh tế nước khác như Trung Quốc đã thực hiện.

Đồng thời, không được thực hiện những hành động ngang ngược như hiện đang thấy trên các bãi Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập... mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa cả.

Đưa ra sáng kiến nhưng chính mình không tôn trọng, không thực hiện thì chẳng có nghĩa lý gì cả", ông Dy nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp mặt bên lề hội nghị ARF. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp mặt bên lề hội nghị ARF. Ảnh: Reuters

Đồng thời, ông Dy cũng nhìn nhận, việc Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra "sáng kiến" về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông nhưng lại đòi xét máy bay, tàu các nước đi vào không phận biển quốc tế thì càng cho thấy sự đối ngược.

"Tuyên bố một đằng nhưng thực thi một nẻo luôn là bản chất của Trung Quốc thể hiện rõ ràng trong thời gian qua.

Cho nên hơn lúc nào hết, Việt Nam cũng như các nước ASEAN cần phải cảnh giác, đoàn kết và kiên quyết đấu tranh phản đối những hành vi sai trái, vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Dy nêu quan điểm.

Thủ đoạn "vừa đấm, vừa xoa" của Trung Quốc

Nhắc lại tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc cho hay, nước này đã ngừng hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.

"Trung Quốc đã dừng lại. Bạn hãy nhìn xem ai đang xây dựng? Hãy lên máy bay và tự mình kiểm chứng", ông Nghị nói với báo giới bên lề Hội nghị ARF.

Ông Dương Danh Dy cho rằng, sáng kiến kể trên cộng với tuyên bố này của Trung Quốc rõ ràng là một thủ đoạn rất khôn ngoan trong tình hình hiện nay.

"Có thể thấy rõ, trong thời gian qua, Việt Nam chúng ta đã có những phản ứng rất mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống lại những hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đặc biệt là sự thành công của chuyến công du đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ và có cuộc gặp, hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama vừa qua.

Cùng với đó, cộng đồng ASEAN cũng như nhiều quốc gia lớn trên thế giới đều đã nhận thấy rõ bản chất của Trung Quốc, lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động ngang ngược của nước này.

Từ những điều đó, dẫn tới việc, Trung Quốc đưa ra những tuyên bố theo hướng xoa dịu hơn để giảm bớt sự phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là dù tuyên bố thế nhưng Trung Quốc không bao giờ hành động như thế. Họ luôn nói một đằng làm một nẻo và thế giới cũng đã nhận rõ điều này", ông Dy nói.

Cũng theo ông Dy, Trung Quốc cũng muốn xoa dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông để chuẩn bị cho chuyến thăm tới Mỹ tháng 9 tới đây của ông Tập Cận Bình.

"Trung Quốc muốn gây mơ hồ cho Mỹ từ đó tránh để những vấn đề nóng ở Biển Đông có thể gây ảnh hưởng đến cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama", ông Dy nói.

Ông Dy cũng nhấn mạnh thêm: "Mưu đồ bánh trướng, bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là rất rõ ràng và cả thế giới đều đã nhìn ra.

Nhưng Biển Đông cũng là nơi mà nước này coi là sống còn, bởi, trên thực tế, đây là vùng biển rất giàu tài nguyên, khoáng sản, dầu khí...

Trong khi đó, tài nguyên trên cạn trong nước của Trung Quốc đã cạn kiệt, lại phải nuôi đến hơn 1 tỷ dân nên họ sẽ không bao giờ từ bỏ Biển Đông.

Trung Quốc sẽ "vừa xoa" nhưng sẽ lại có thể "đấm" ngay các nước có chủ quyền ở Biển Đông và thủ đoạn vừa đấm, vừa xoa này sẽ rất thâm độc", ông Dy bày tỏ.

Ông Dy cũng tái khẳng định, với Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần tăng cường xây dựng lực lượng vững chắc, đồng thời phát triển kinh tế đảm bảo sự vững mạnh.

"Khi trở thành một nước Việt Nam giàu, mạnh thì chúng ta sẽ không phải lo lắng nhiều.

Nhưng trong thời điểm hiện tại, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và quan tâm, phát triển hơn nữa việc hợp tác với các nước, nhất là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc...

Và bất cứ khi nào, Trung Quốc có hành động vi phạm, ngang ngược, chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ để cộng đồng quốc tế cùng vào cuộc, có phản ứng kịp thời để ngăn chặn, đẩy lùi", ông Dy chia sẻ.

 
Thiếu tướng Lê Văn cương
Nếu nhìn từ góc độ lịch sử Trung Quốc thì đây là sử dụng một kế trong 36 kế của binh pháp Tôn Tử, đó là lúc nước sôi thì rút củi ở đáy nồi. Có thể thấy rõ, từ đầu năm tới giờ, cả thế giới đã cùng lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc cải tạo, xây dựng các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và biến đây thành căn cứ quân sự. Khi cả thế giới nhận ra rõ bộ mặt hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc và sục sôi phản đối thì Trung Quốc đưa ra thông điệp này để gián tiếp nói rằng là chúng tôi đã dừng và mời các nước đến quan sát. Điều này, Trung Quốc mong rằng, sẽ khiến các nước không thể nói được gì nữa và đám phán COC.

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại