Xin chồng con cho chết vì quá đau đớn
11h trưa, bà Đỗ Thị Năm (SN 1956, Kỳ Đồng, Tiến Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) tất tả trở về sau buổi làm đồng trong khi ông Vũ Văn Thu (chồng bà Năm – PV) đã về nhà nghỉ ngơi từ cách đó 2 giờ đồng hồ.
Những giọt mồ hôi chưa ráo trên gương mặt, bà Năm đon đả: “Đợi tôi thay quần áo rồi tôi sẽ kể cho các cháu nghe câu chuyện “thần kỳ” giúp tôi thoát khỏi đau đớn nhờ môn học trị khỏi bệnh nhưng không mất tiền”.
Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của bà Năm, mấy ai nghĩ, bà đã từng có thời kì bưng bát cơm lên còn bị rơi vỡ bát; chải tóc, gội đầu, buông màn… đều phải nhờ chồng làm giúp.
Thậm chí sang hàng xóm chơi bà phải lấy điểm tựa ở chiếc xe đạp, nhìn thấy cháu muốn bế nhưng không bế nổi…
Cuộc sống lao động, cái nghèo, cái khổ đã đeo bám bà Năm từ khi mới lọt lòng. Tới khi lấy chồng, cảnh nghèo vẫn bám riết cuộc sống của bà.
Vợ chồng bà Năm - ông Thu
Ông Thu lại bị hở van tim bẩm sinh nên mọi việc nặng trong gia đình lại đổ dồn lên vai người vợ. Ngoài việc đồng áng, bà Năm còn đi làm thuê hết phu hồ lại gánh gạch, mò cua bắt ốc… để kiếm thêm thu nhập.
Từ bé đã bị bệnh viêm xoang và cũng phải sang tận Đông Anh (Hà Nội) cắt thuốc nhưng ở cái ngưỡng tuổi 20, sức khỏe luôn là niềm tự hào của bà Năm.
Khi đó, sớm bà đi gánh gạch, trưa lại tranh thủ vác cuốc ra đồng, chiều bà lại tiếp tục công việc gánh gạch mưu sinh.
“Thời kì ấy, gánh phân khoán, tôi chỉ thua 1 người trong làng. Họ gánh được 88kg còn tôi cũng ở mức gánh được 86kg” – bà Năm nhớ lại.
Thế nhưng bệnh tật chẳng buông bỏ 1 ai. Năm 2002, trong 1 lần đang đi gánh gạch ở Đông Anh, bà Năm thấy đau đốt sống cổ. Cơn đau điếng khiến bà không thể đặt được đòn gánh lên vai.
“Đây là lần đầu tiên tôi phải đối diện với cơn đau như thế nhưng lại không hình dung được cơn đau ấy sẽ đeo đẳng cùng cuộc sống của mình, thậm chí có lúc còn kinh khủng hơn.
Sau khi tiêm liều thuốc, thấy đỡ hơn, tiếc ngày công, tôi lại tiếp tục công việc gánh gạch” – bà Năm kể.
Năm 2006, kết luận của bác sỹ về bệnh tật của mình khiến bà Năm như chết đứng. Bà bị mắc căn bệnh viêm khớp với các chẩn đoán: Thoái hóa tất cả các đốt sống cổ; 9 đốt sống lưng trong đó gai 3 đốt, xẹp 2 đốt, xốp 4 đốt; các khớp vai, bờ xương trước bị thoái hóa hoàn toàn.
Căn bệnh này càng ngày càng tệ hại hơn khiến những bước chân đi của bà Năm càng lúc càng khó khăn. Có lúc những đốt xẹp chèn vào dây thần kinh khiến mỗi cơn ho, dây thần kinh co giật làm bà bị ngã.
Từ lao động chính trong nhà bà gần như trở thành người “ăn bám” khi mọi sinh hoạt đều phải dựa vào chồng, con.
“Không có ai đỡ dậy tôi cứ nằm ở giường từ sáng tới trưa vì không thể tự mình dậy được. Còn khi đã dậy rồi nếu không có người lại phải đi đi, lại lại hoặc ngồi vì bản thân tôi không tự mình nằm xuống được.
Tôi đi mà như bò, như lết, đứng mà mặt gần chạm đất, nhiều khi xấu hổ không dám ra ngoài. Mọi người nhìn tôi tưởng tôi “phát tướng” nhưng kì thực là do uống thuốc nên mặt, bụng… đều trở nên nặng nề.
Nhiều lúc đau quá tôi nổi cáu với chồng, lúc ấy chồng tôi chỉ biết im lặng để giúp vợ xoa dịu cơn đau.
Có lúc tôi tuyệt vọng tới mức tôi nói với chồng con: “5 bố con nhà ông cho tôi xin 5 liều thuốc, tôi có chết được tôi còn cảm ơn bố con nhà ông” – bà Năm chia sẻ.
Người đồng hành cùng bà Năm trên suốt chặng đường tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh là người chồng cũng bị bệnh tật của bà.
Môn học trị khỏi bệnh nhưng không mất tiền
Ngày ấy, nhà bà Năm nghèo lắm, đi các bệnh viện, siêu âm, chiếu chụp xong biết bệnh của mình như thế nhưng bà không có tiền lấy thuốc ở bệnh viện nên đành phó mặc sự đời rồi bà quay về cắt thuốc nam với giá 20.000 đồng/thang uống trong 3 ngày.
Tới khi không chịu được những cơn đau, gia đình đi vay mượn tiền cắt thang thuốc giá 3 triệu đồng/tháng để tiêm, trị liệu cho bà.
Biết vợ đau đớn và từng có ý nghĩ muốn chết nên ông Thu luôn ở bên cạnh để san sẻ những cơn đau ấy cùng vợ. Có lúc ông đã xác định, vợ mình sẽ mãi nằm 1 chỗ như vậy.
“Nhưng đúng là điều kì diệu đã xảy tới với gia đình tôi khi 1 ngày tôi thấy vợ mình có thể đứng thẳng dậy.
Giờ bà ấy lại có thể bê vác, làm 5 sào ruộng mà nhiều thanh niên sức cũng không bằng” – ông Thu hồ hởi chia sẻ câu chuyện với chúng tôi.
Ngồi nghe những tâm sự của chồng, bà Năm cười. Cái duyên ấy tới gia đình bà vào 1 ngày tháng 7 năm 2012 khi em dâu của bà Năm về chơi nhà, thấy hình ảnh chị mình bệnh tật đang nằm 1 chỗ nên đã “mách nước” cho bà Năm đi học thiền.
Bà Dung đang được bà Năm phụ phương pháp thiền Dưỡng sinh Trường sinh học để đẩy lùi cơn hen suyễn
Ban đầu, bà Năm không tin vào phương pháp điều trị chỉ dựa vào thiền. Bởi lẽ, bệnh của bà đã đi khắp nơi, uống nhiều loại thuốc kể cả dùng phương pháp châm cứu, bấm huyệt cũng không thuyên giảm.
Thế nhưng sau khi “mạnh dạn” ghi tên mình vào khóa học về thiền Dưỡng sinh Trường sinh học, bà Năm thấy bệnh của mình thuyên giảm từng ngày.
Những ngày đầu ngồi thiền, bà Năm phải đặt tay vào hông bên phải để giữ cho cơn đau không làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh.
Chia sẻ về phương pháp ngồi thiền, bà Năm nói:
"Những lúc đau quá, tôi lấy hơi từ từ vươn cao người, hít vào thật sâu căng lồng ngực sau đó giữ hơi, nín thở đến khi không nín được thì từ từ xả ra bằng mũi.
Tôi lặp đi lặp lại động tác đó khoảng 3 – 4 lần thì cơn đau dần thuyên giảm”.
Chỉ sau 3 tháng tìm tới với bộ môn này và chăm chỉ luyện tập, bà Năm có thể ngồi thiền theo tư thế khó nhất trong các động tác thiền.
Học xong lớp hướng dẫn căn bản cấp 1 và cấp 2, bà Năm trở về địa phương với 1 sức khỏe khác trước rất nhiều.
Không còn là những cơn đau đầu hay cái dáng đi vẹo vọ, hai vai lệch… thay vào đó là 1 bà Đỗ Thị Năm với dáng đi của gần 10 năm trước.
“Về nhà tôi chăm chỉ luyện tập, mỗi ngày trung bình tôi tập 3 lần, mỗi lần khoảng 1 – 1,5 tiếng.
Lần nào ngồi chưa tới 1 tiếng đồng hồ tôi lại thấy chân bị tê, đứng dậy không đi được. Thời gian thiền hơn 1 tiếng đồng hồ, tôi lại thấy chân tay bình thường.
Muốn chiến thắng bệnh tật phải cố gắng ngồi thiền” – bà Năm nhấn mạnh.
Cùng chiến thắng bệnh tật như bà Năm nhờ phương pháp ngồi thiền, bà Trần Thị Dung (SN 1965, thôn Kỳ Đồng) cũng đã đẩy lùi những cơn hen suyễn mãn tính trong suốt 8 tháng.
Lần lặp lại những cơn hen suyễn gần đây nhất, gia đình định đưa bà Dung đi tiêm thuốc nhưng chỉ sau 15 phút được bà Năm phụ phương pháp thiền Dưỡng sinh Trường sinh học, bà Dung đã lấy lại nhịp thở đều của mình.
“Ngồi thiền tới đâu tôi thấy phấn khỏi tới đó” – bà Dung cười sau cơn hen suyễn vừa “tìm” tới mình.
Hiện tại, bà Đỗ Thị Năm là chủ nhiệm CLB Dưỡng sinh Trường sinh học Tiến Thịnh có “trụ sở” đặt tại nhà văn hóa thôn Kỳ Đồng. Người cao tuổi nhất đến học và tập ngồi thiền cũng đã 80 tuổi.
Từng chứng kiến bà Năm “vật vã” trong những cơn đau do bệnh thoái hóa cột sống gây nên, ông Đàm Đức Thắng – Phó trưởng thôn Kỳ Đồng chia sẻ:
“Bà Năm từng bị bệnh về cột sống. Cách đây 2 năm, để đi lại được bà ấy phải vịn vào xe đạp. Bà Năm cũng đi chạy chữa nhiều nơi, uống đủ mọi loại thuốc nhưng không khỏi.
Sau khi nghe có phương pháp ngồi thiền bà Năm đã khăn gói lên Cẩm Khê (Phú Thọ) để học và thấy hiệu quả.
Thực tế, hiện nay, bà ấy có thể đi lại thoải mái, không phải vịn vào xe đạp như trước, tinh thần cũng phấn chấn, khỏe mạnh và tươi tỉnh hơn”.
Còn với bác sỹ Đàm Tọa (người từng khám, chữa bệnh cho bà Năm cách đây 5 – 6 năm) cũng đưa ra quan điểm:
"Bà Năm có bị bệnh thoái hóa đốt sống thắt lưng và trượt thân đốt sống. Đây là bệnh chữa khó khỏi.
Trượt mang tính cơ học do tác động của lao động làm lệch lạc cột sống nên gây đau chứ không phải là bệnh viêm nhiễm. Thường trượt thân đốt sống nghiền vào thần kinh gây đau đớn, phải can thiệp mới khỏi nếu không dễ mang tật.
Thời kì đó tôi cũng khuyên bà ấy nghỉ ngơi, không mang vác nặng, không có động tác cúi vác nước hay bế cháu, về có thể tập dưỡng sinh.
Bà ấy về có uống thuốc giảm đau và sau đó có đi ngồi thiền. Theo tôi ngồi thiền mà khỏi được bệnh này là rất đặc biệt và may mắn".