Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ người nhà bệnh nhân manh động, hành hung y, bác sĩ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khiến ngành y tế... “dậy sóng”.
Trao đổi với chúng tôi, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho biết, trước đây, những sự việc như vậy rất hiếm khi xảy ra hoặc có nhưng lẻ tẻ, tuy nhiên trong thời gian gần đây, thực trạng này diễn ra nhiều và có những trường hợp, người dân rất manh động.
"Trước đây những vụ việc người nhà bệnh nhân bao vây bệnh viện, hành hung bác sĩ rất hiếm khi xảy ra hoặc có xảy ra nhưng lẻ tẻ. Còn gần đây những vụ việc này xảy ra nhiều hơn và manh động hơn, hậu quả gây ra cũng trầm trọng, tạo áp lực lớn đối với y, bác sĩ nói riêng, ngành y tế nói chung", ông Cuông cho hay.
Ông Cuông cũng nhấn mạnh, để xảy ra những vụ việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chính ở đây là trình độ cũng như sự giảm sút về mặt y đức của một bộ phận y, bác sĩ hiện đang công tác tại các bệnh viện.
"Những vụ người nhà bệnh nhân vây bệnh viện, hành hung bác sĩ xảy ra trong thời gian qua đang khiến cho dư luận rất quan tâm và tạo ra sự bức xúc trong nhân dân. Về nguyên nhân dẫn đến những vụ việc này thì có nhiều nhưng, theo tôi, nguyên nhân chính, sâu xa là do y đức của một bộ phận y, bác sỹ ở các bệnh viện hiện nay giảm sút nghiêm trọng so với trước.
Họ đặt mục tiêu lợi nhuận, thu nhập lên trên, bất chấp tất cả, kể cả những lời mà Bác Hồ đã căn dặn ngành y tế là "lương y như từ mẫu". Ở đâu có tiền, đối xử tốt thì họ quan tâm còn ở đâu ít tiền hoặc không được chu đáo thì họ xao nhãng, thậm chí là vô cảm trước nỗi đau của bệnh nhân, sự lo lắng của người nhà bệnh nhân.
Chưa kể, trước khi người dân vào bệnh viện đã nghe những dư âm không tốt về tiêu cực trong bệnh viện như vậy và đến khi vào thực tế, gặp những cảnh vô cảm của bác sĩ, thái độ, cách ăn nói thiếu tôn trọng hay trong lúc điều trị không đảm bảo, cố tạo ra sức ép không cần thiết.... Những điều đó dễ tạo nên ức chế, sự thiếu lòng tin, ức chế của người nhà bệnh nhân với bác sĩ.
Một nguyên nhân nữa là do vấn đề thiếu nhân lực và trình độ của một bộ phận cán bộ ở các cơ sở y tế hiện nay còn yếu. Không ít người giỏi, có trình độ nhưng do không có tiền phải đi ra ngoài làm hoặc làm trái ngành nghề còn một số tuy trình độ thấp nhưng có tiền, có quan hệ lại được vào bệnh viện.
Vì mất tiền để được vào bệnh viện nên khi vào người ta tìm cách thu lại khoản tiền đó bằng cách móc túi bệnh nhân chứ không lo trau dồi kiến thức, lấy y đức phục vụ bệnh nhân. Tình cảm, trách nhiệm lúc này vì đồng tiền mà bị tha hoá đi. Cho nên trình độ đã yếu lại cộng thêm phẩm chất đạo đức lại kém, trách nhiệm kém nữa khiến cho lòng tin của bệnh nhân đối với bệnh viện giảm sút
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên nhân lại xuất phát từ chính bệnh nhân. Khi bác sĩ thấy trong khả năng của mình có thể điều trị được bệnh đó nhưng bệnh nhân lại cứ khăng khăng đòi chuyển tuyến và không đạt được các mục tiêu của mình thì gây gổ, hành hung bác sĩ...
Đây cũng chỉ là những nguyên nhân chung nhất, khái quát nhất còn theo tôi, muốn làm rõ được nguyên nhân thì phải điều tra, xác định vào từng vụ việc cụ thể ", ông Cuông phân tích.
Cũng theo ông Cuông, việc xảy ra các vụ việc bao vây bệnh viện, hành hung bác sĩ không chỉ gây áp lực, ảnh hưởng tâm lý tới bác sĩ mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh của bệnh viện và hơn cả là ngành Y tế nói chung.
"Thực sự là khi xảy ra các vụ việc như vậy, không biết đúng sai thế nào nhưng các bác sĩ sẽ rất lo lắng về an toàn thân thể, tính mạng cũng như uy tín, tâm lý bị ảnh hưởng, sợ sẽ đến lượt bị như vậy. Rồi uy tín của bệnh viện trước dư luận khi các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc. Và hơn cả những vụ việc như thế này còn ảnh hưởng tới uy tín của cả ngành Y nói chung", ông Cuông nói.
Theo ông Cuông để giải quyết được thực trạng này cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội.
"Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì hiện tượng xã hội này sẽ gây ra sự mất ổn định xã hội, niềm tin của người dân. Vì vậy, theo tôi, để khắc phục thực trạng này, Bộ Y tế cần vào cuộc và phải có các giải pháp phù hợp.
Còn trước hết, ở đây, vì vụ việc có thể xảy ra chỉ qua một câu nói, một cách ứng xử nên các cán bộ y, bác sĩ ngoài việc giỏi chuyên môn phải có một văn hoá ứng xử đúng mực với bệnh nhân. Thêm vào đó, cũng phải tuyên truyền để cả bác sĩ và người nhà bệnh nhân thực hiện đúng pháp luật, nắm rõ nội quy của bệnh viện, có văn hoá ứng xử.
Các bệnh viện cũng cần tăng cường bộ phận an ninh nội bộ để khi xảy ra những trường hợp đó thì phải có mặt ngay để ngăn chặn kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc. Và sau khi có kết quả điều tra về nguyên nhân dẫn đến vụ việc, trách nhiệm thuộc về bên nào thì cần phải có hình thức xử phạt hành chính, thậm chí nếu vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ... thì phải xử lý bằng hình sự.
Ngoài ra, theo tôi cũng cần một tổ chức làm trung gian để ngăn chặn, xử lý bước đầu những xung đột này. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới mong giải quyết triệt để được tình trạng này còn không thì sẽ rất nguy hiểm...", ông Cuông nhấn mạnh.