"Ngôi nhà ma" 300 Kim Mã: TS nhắn PGS "không nên ăn nói chợ búa"

Như Hòa |

Sau khi có ý kiến hoài nghi phương pháp đo xương cốt tại "ngôi nhà ma" 300 Kim Mã, chủ nhân của chiếc máy đo này lên tiếng phản pháo.

LTS: Mới đây, để tìm câu trả lời cho sự bí ẩn của “căn nhà ma” số 300 Kim Mã (Hà Nội), nhóm phóng viên tìm đến trụ sở của Công ty Nghiên cứu tia đất bảo vệ sức khỏe, ở địa chỉ số 1 đường Ven Hồ (Hà Nội).

Tại đây, TS Vật lý Vũ Văn Bằng (Phó Giám đốc công ty) giới thiệu chiếc máy đo tia đất, hoạt động trên nguyên tắc nhiễm từ, có thể đo đếm được đặc tính của đất, mạch nước ngầm, thậm chí còn nhận biết được sự tồn tại của hài cốt, mồ mả…

Kết quả từ những phép tính, đo đạc, TS. Vũ Văn Bằng kết luận: Căn nhà số 300 Kim Mã gối đầu lên 2 khu nghĩa địa.

Sau khi kết quả này được công bố đã xuất hiện nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng thực sự của chiếc máy đo tia đất và càng không tin những thành quả của vị tiến sĩ.

Từ trường tác động vào máy

Hoài nghi về chiếc máy đo tia đất có thể nhận biết được sự tồn tại của xương cốt, mồ mả, PGS. TS Lê Viết Hòa, giảng viên Khoa Vật lý – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, chưa từng nghe thấy cái tên “máy đo tia đất”.

“Không thấy nhà vật lý nào đi làm chuyện đó cả. Nếu máy hoạt động trên nguyên tắc nhiễm từ thì xin thưa rằng, phải là kim loại mới bị từ hóa chứ xương cốt nhiễm từ sao được mà đo?!”

Phản ứng trước ý kiến này, TS. Vũ Văn Bằng cho rằng, khi có vấn đề khó hiểu, hoài nghi, người đó có thể tự tìm hiểu, nghiên cứu. Hoặc gọi cho chính tác giả đó để hỏi, tranh luận về vấn đề.

“Khi nói chưa từng thấy máy tia đất và hoài nghi về chiếc máy thì khi anh phản biện hãy đưa ra những chứng cứ, những cơ sở nghiên cứu khoa học mà anh đã tìm hiểu để chứng minh cho lời nói.

Hãy đưa ra được cơ sở khoa học là anh đã nghiên cứu về vấn đề và nó không đúng như những gì tôi nói. Có tài liệu chứng minh, khi ấy, mọi lời nói của anh đều thuyết phục. Là những nhà khoa học, không nên ăn nói như kiểu chợ búa”, ông Bằng bày tỏ.

Tiến sĩ Bằng trao đổi với PV về chiếc máy đo tia đất.

Theo TS. Bằng, vật lý hiện đại đã chứng minh, tất cả các vật chất tồn tại đều phát ra điện từ, con người cũng không ngoại lệ. Khi người chết được chôn trong lòng đất, từ trường của con người sẽ nhiễm vào đất ở khu vực được chôn cất.

Ông nói: “Khi đó, trên nguyên tắc hoạt động nhiễm từ của chiếc máy, khi gặp những khu vực như thế, dòng từ trường tại khu vực người được chôn cất sẽ tác động đến máy và ta có thể nhận biết được chỗ đó có hài cốt hay không”.

Thực chất máy đo tia đất là gì?

Theo TS. Vũ Văn Bằng, chiếc máy đo tia đất của ông thực chất tên là Máy bức xạ từ.

Chiếc máy này hoạt động trên nguyên tắc nhiễm từ, có thể đo đếm được đặc tính của đất, mạch nước ngầm, thậm chí còn nhận biết được sự tồn tại của hài cốt, mồ mả…

Một trong những thành quả nổi bật không thể phủ nhận của chiếc máy bức xạ từ của TS. Bằng là lần tìm kiếm nguồn nước cho khu công nghiệp cảng biển Hòn La (Quảng Bình).

Chiếc máy đo tia đất là một sản phẩm của công trình khoa học do TS. Bằng nghiên cứu và Viện Công nghệ nước và môi trường đã thành lập Hội đồng khoa học đánh giá Công trình khoa học này năm 2012.

Sau 1 năm các đơn vị chức năng tham gia tìm kiếm nguồn nước tại xã Hải Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) không có kết quả với 17 điểm khoan.

TS. Bằng cùng với chiếc máy đo tia đất của mình đã tìm ra nguồn nước trữ lượng khai thác hơn 9000 mét khối/ngày với 10 điểm khoan ngay tại chính địa bàn xã này.

Thành phần hội đồng tham gia đánh giá công trình khoa học của TS. Bằng gồm rất nhiều các GS, TSKH đầu ngành.
Công trình khoa học của TS. Bằng nhận được những kết quả khả quan từ phía Hội đồng đánh giá.

Theo tài liệu ông Vũ Bằng cung cấp, chiếc máy đo tia đất hay máy bức xạ từ theo đúng tên chuyên môn là sản phẩm của công trình khoa học: “Công nghệ bức xạ từ thứ cấp nghiên cứu các đối tượng trong lòng đất” của TS. Vũ Văn Bằng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại