Đặt vòng mà "cái bụng vẫn cứ to ra"
Kể lại nguồn gốc việc đặt tên lạ cho con trai trên báo Chuyện đời, ông Mai Xuân Cán cho hay, trước năm 1975, ông tham gia hoạt động du kích. Sau khi đất nước thống nhất ông trở về quê nhà.
Nhờ cha mẹ mai mối, ông lấy bà Đỗ Thị Vân, người cùng làng. Cha mẹ túng thiếu, không có đủ đất sản xuất nên khi ra ở riêng, vợ chồng ông Cán chỉ được cho một chiếc ghe nhỏ.
Ngày đó, hai vợ chồng ông đã quyết định ra sông Thu Bồn, ở bến Quảng Huế làm nghề chở khách qua sông để kiếm tiền mưu sinh.
Cưới nhau được 8 năm, hai vợ chồng ông Cán đẻ một mạch 4 người con, 2 gái 2 trai.
Đến năm 1984, chương trình sinh đẻ có kế hoạch được phát động rộng rãi trên cả nước. Thời điểm này, ông Cán tham gia giữ chức vụ công an thôn.
Khi đó, vợ chồng ông đã được vận động tham gia kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp đặt vòng để làm gương cho người dân.
"Vậy mà đặt vòng rồi cái bụng vợ tôi vẫn cứ to ra, rứa nên mới có cái tên của thằng Sáu Rưỡi", ông Cán nhớ lại.
Năm 1987, bà Vân chuyển dạ sinh ra một cậu con trai kháu khỉnh. Ngay sau đó, gia đình ông đã nhận được một tờ giấy báo nộp phạt do UBND xã Đại Cường chuyển về, yêu cầu nộp phạt sáu nghìn rưỡi đồng vì lý do sinh con vượt kế hoạch.
Nói về sự cố này, ông Cán chia sẻ thêm trên tờ này: " Hồi đó tôi cũng ít hiểu biết, tưởng rằng cái vòng tránh thai hắn hết hạn sử dụng nên mới có bầu. Mãi sau này vợ tôi mới biết lúc đi chữa bệnh ở Đà Nẵng, các bác sĩ đã tháo vòng ra mà họ quên nói".
Lấy tiền phạt để đặt tên cho con
Sau khi sinh đứa con thứ 5, ông Cán đã bị UBND xã này buộc phải nộp phạt sáu nghìn rưỡi mới cho đăng ký khai sinh vì sinh con vượt kế hoạch.
Nhận thấy đây là việc ngoài ý muốn chứ ông không hề cố ý nên ông Cán cố gắng trình bày hoàn cảnh cho những cán bộ trong ủy ban hiểu nhưng tất cả đều nhất mực không chịu.
“Gặp ai trong ủy ban tôi cũng đều giải thích cả nhưng có ai nghe và hiểu cho đâu. Lúc đó, cũng có người trong ủy ban xã sinh con thứ 3 mà vẫn không bị phạt nên tôi bức xúc lắm.
Số tiền phạt sáu ngàn rưỡi hồi đó cũng không phải là nhỏ. Gia đình tôi phải đi vay mượn khắp nơi mới có được. Thế nên tôi mới nói với vợ sẽ làm khai sinh cho con với cái tên “Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi” cho bõ tức.
Quyết định cho phép đổi tên Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi thành Mai Hoàng Long. Ảnh: Tuổi trẻ
Lúc đầu vợ tôi nghe thế bà ấy không đồng ý. Người thân trong gia đình và bà con trong làng ai cũng ra sức can ngăn. Bà bảo ai lại đặt cái tên lạ lùng đó cho con nhưng tôi vẫn quyết định không đổi ý. Tên nào cũng là tên cả.
Đứa con này sinh ra bị người ta làm khó dễ nên phải dùng cái tên nó làm kỷ niệm. Hồi đó tôi bức xúc lắm.Tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ quên sự việc này”, ông Cán tâm sự trên tờ Người đưa tin.
Trước thái độ cương quyết thái quá của ông, UBND xã Đại Cường đành phải chấp nhận đăng ký khai sinh cho con ông với cái tên Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi!
Cậu bé mang tên lạ rất thông minh và sáng dạ. Cậu liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi khi học tiểu học và trung học cơ sở.
Thế nhưng khi bước vào cấp 3, do cái tên quá "độc nên thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, do đó mà cậu đã bỏ học mất 2 năm.
Cuối cùng ông Cán phải lên trường nhờ các thầy cô giáo nhắc nhở học sinh đừng chọc ghẹo con trai nữa nên Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi mới chịu bỏ qua những mặc cảm để tiếp tục đến trường.
Sau đó, nhờ người chị ruột, Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho đổi tên lại là Mai Hoàng Long.
Cũng theo ông Cán thì từ ngày đó, Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi rất chăm chỉ học tập. Cậu đã tốt nghiệp ngành kỹ sư điện loại giỏi và đã làm việc ở một công ty lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Chia sẻ thêm trên báo Chuyện đời, ông Cán kể rằng một người họ hàng của ông sau đó cũng bị chính quyền xã phạt vì sinh đẻ vượt kế hoạch và gia đình này cũng lấy luôn số tiền bị phạt để đặt tên con là Mai Phạt Ba Nghìn Rưỡi.
Tổng hợp