Theo ghi nhận trên báo Nông nghiệp Việt Nam, hơn tuần nay ở các huyện biên giới thuộc tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã xuất hiện cá linh non đầu mùa, đặc sản vùng sông nước miền Tây, một năm xuất hiện một lần.
Cá linh là một loại thủy sản đặc trưng của mùa nước nổi, theo sông Mekong bắt đầu tràn về vùng đầu nguồn lũ ĐBSCL vào trung tuần tháng 7 Âm lịch hàng năm.
Theo một số ngư dân chuyên đánh bắt cá linh mùa nước nổi thì năm nay cá linh về sớm hơn mọi năm.
Cá linh non đầu vụ có giá rất cao khoảng 150.000 – 200.000đ/kg (bán tại các chợ xã biên giới). Còn tại nhà hàng lớn giá loại cá này lên đến 250.000 -300.000đ/kg, cao hơn năm ngoái.
Cá linh thường có giá cao nhất vào đầu mùa, lúc này cá nhỏ hơn ngón tay út. Ảnh: Dân việt
Tờ Dân việt thông tin, tại một số địa điểm trên sông Hậu và sông Tiền thuộc địa phận các huyện đầu nguồn lũ, cá linh ở thời điểm hiện nay còn rất nhỏ, con lớn nhất cũng chỉ bằng đầu đũa ăn và xuất hiện rất ít.
Hiện, cá linh đã có bán ở các chợ huyện vùng đầu nguồn lũ của An Giang (như An Phú, Tân Châu...) với mức giá cao gấp đôi so với năm trước.
Cũng theo lý giải trên tờ này, sở dĩ cá linh non đầu mùa có giá đắt đỏ, bởi sản lượng cá tự nhiên rất ít.
Cá linh non có kích cỡ tầm khoảng đầu đũa ăn cơm, ăn cả nguyên con, thịt ngọt, hương vị đậm đà là món ăn đặc sản của người dân miền Tây chỉ có vào đầu những tháng nước nổi (từ tháng 7 đến tháng 8 Âm lịch).
Nếu kéo dài qua tháng 9 Âm lịch thì cá linh đã "già", cá lớn lúc đó vào vụ nên cá rẻ, thịt ăn cũng ngon nhưng hương vị không bằng cá linh non.
Cá linh loại lớn rẻ hơn còn được sử dụng làm mắm.
Ông Lê Văn Trạch, ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) có hơn 20 năm làm nghề đánh bắt cá linh non cho biết trên báo Nông nghiệp VN:
"Năm nay nước lũ nhỏ và về muộn nên thời điểm này lượng cá linh non vào lưới khá ít, bình quân mỗi ngày kiếm khoảng 4-5 kg đã được xem là trúng lớn".
Cá linh non ăn rất ngon và có thể chế biến nhiều món như kho lạt với me, nấu canh chua bông điên điển, chiên với bột hoặc làm chả....
Tổng hợp