LTS: Nhiều năm qua, đã có không ít phóng viên chắp bút viết về ngôi nhà số 300 Kim Mã (Hà Nội). Thế nhưng, tại sao những đồn đoán ma mị bấy lâu nay vẫn chưa dừng lại? Chúng tôi và nhóm cộng sự đã cất công lưu lại nhiều đêm ở ngôi nhà này, để đi đến tận cùng của sự thật và chuyển đến độc giả câu trả lời cuối cùng.
Kỳ 1: Bên trong "nhà ma" 300 Kim Mã có gì?
Kỳ 2: "Ngôi nhà ma" 300 Kim Mã: Bí mật bóng người trong đêm
Từ những tiếng kêu trong đêm vắng...
Không khó để tìm gặp lại nữ lao công đã “vẽ đường” giúp chúng tôi dễ dàng nhảy vào bên trong căn nhà u ám ở số 300 Kim Mã.
Chị H. vẫn cần mẫn với công việc làm lao công ở góc ngã 3 Kim Mã - Vạn Bảo vào khung giờ khuya khoắt.
“Tôi không nhớ cụ thể, nhưng từ rất lâu rồi, cứ một vài tuần, tôi lại tận mắt thấy có người tìm cách vào bên trong ngôi nhà. Có lẽ cũng vì tò mò, muốn thử cảm giác mạnh...”, chị H. nói.
Tuy nhiên, theo người lao công này, không phải ai cũng lặng lẽ như nhóm chúng tôi. Có nhóm vào căn nhà này còn la hét, chạy nhảy, chơi trò chơi, đóng phim và thậm chí đốt lửa sưởi ấm ngay giữa những gian phòng hoang lạnh.
Không ít người coi việc đột nhập vào căn nhà 300 Kim Mã vào ban đêm là một trải nghiệm cảm giác mạnh. (Ảnh: Internet)
"Thậm chí, còn có 2 nhóm không biết nhau, cùng vào bên trong rồi vô tình chạm mặt nhau, tất thảy họ sợ hãi hét toáng lên, vang động cả khu phố.
Do đó, tôi tin rằng những tiếng động lạ mà người ta vẫn đồn thổi phát ra từ chính những người tò mò này", chị H. bày tỏ.
Nhận định của người phụ nữ này sau đó được chúng tôi kết luận là có cơ sở. Việc tham khảo các tài liệu còn lưu trữ trên internet, cùng với đó là lần giáp mặt trực tiếp với nhóm người đang loay hoay tìm cách trèo tường vào trong, đã giúp chúng tôi có góc nhìn đa chiều hơn.
Nhiều dấu giày nghịch ngợm lưu lại trên tường đã thể hiện không phải nhóm người nào cũng lặng lẽ khi vào bên trong...
Thậm chí, đã có một cuộc "chạy đua" chinh phục nhà 300 Kim Mã giữa những người trẻ tuổi ưa mạo hiểm, đặc biệt sau vụ án "giết người trên xe Lexus" rúng động năm 2009.
Có cả kim tiêm vương vãi ở căn nhà này. (Ảnh: Lao động)
Bên cạnh đó, việc tiếp cận vào ban ngày, còn cho thấy việc căn nhà khoác lên mình sự bí hiểm hoang lạnh, đang làm lợi cho chủ nhân một số quán cóc xung quanh.
Họ đã khéo léo tận dụng vị trí đắc địa để bán hàng và sử dụng khoảng đất sau hàng rào để trữ đồ nghề. Ngoài ra, chỉ tính riêng lượng khách vì tò mò mà kéo đến ngắm nghía căn nhà từ bên ngoài cũng đủ cho các chủ quán nước... đuổi đi không hết khách.
Một máy xay nước mía cùng ghế nhựa được cất gọn sau cánh cổng phụ của căn nhà 300 Kim Mã.
Chủ nhân của một quán nước mía, người vẫn tận dụng phần sau cổng sắt căn nhà hoang để cất dụng cụ buôn bán, sau nhiều nỗ nực gặng hỏi, cũng thừa nhận với chúng tôi rằng họ “thích thế này hơn”.
“Chẳng ai tranh giành, chỗ ngồi rộng rãi, khách lại nhiều”, người này nói, đồng thời tiết lộ họ "là chỗ thân tình với nhóm bảo vệ nên được tạo điều kiện để đồ”.
Đến những bóng trắng dị thường...
Trả lời về những chuyện ma mị đeo bám suốt nhiều năm qua, về những bóng trắng oan khuất lơ lửng trên các tán cây, người chủ quán thả một tràng cười rồi khẳng định, tất cả những đồn đoán nhuốm màu mê tín đều do con người tạo ra.
"Tôi ngồi đây từng gặp nhiều nhóm người vào đó để chụp ảnh. Khi chẳng chụp được gì, thì họ lại tự tạo ra thứ gì đó để chụp, rồi về khoe khoang lẫn nhau...", người bán hàng này nói.
Lớp đá rửa trát ngoài căn nhà chuyển thành màu bạc khi có ánh đèn chiếu vào.
Bằng việc quan sát kỹ các bức ảnh và kiến trúc căn nhà, kiến trúc sư Phạm Anh Thế và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Thọ, với chuyên môn của mình cũng cho biết, những bức ảnh ma mị lan truyền rộng rãi trên internet có thể do hiệu ứng ánh sáng mà thành.
Theo lời giải thích, lớp đá rửa trát bên ngoài tòa nhà có gam màu ghi xám, khi trời tối sẽ quyện với ánh đèn đường rồi chuyển màu bạc lạnh, giống với màu "bóng ma".
Cùng với việc những bức ảnh chụp buổi tối đều thường để ống kính mở lớn, độ nhạy sáng (iso) cao, dẫn đến màu sắc không còn trung thực, ảnh nhiễu… Do đó, rất nhiều phần của ngôi nhà đã bị lầm tưởng là "bóng ma" khi có ánh đèn lướt qua.
Một trong những "bức ảnh ma" nổi tiếng nhất về căn nhà số 300 Kim Mã. Nhìn "bóng ma" (ô đỏ) có màu tương đồng với màu căn nhà bên phải. (Ảnh: Internet)
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Thọ đã mổ xẻ một trong những "bức ảnh ma" nổi tiếng nhất về căn nhà số 300 Kim Mã.
Trong đó, ghi lại cảnh một nam sinh chụp ảnh "tự sướng" và vô tình lọt vào trong ống kính là "bóng ma thiếu nữ" như đang ngoảnh đầu nhìn chằm chằm vào ông kính. Bức ảnh này lập tức "gây bão" trên mạng xã hội khi xuất hiện.
Tuy nhiên, chỉ cần quay lại vào ban ngày, có thể dễ dàng nhận thấy, chiếc bóng ghê rợn đó chẳng qua chỉ là... cột nhà. Phần cột này nhận được nhiều ánh sáng hơn các phần khác của ngôi nhà khi ánh đèn phản chiếu.
Ánh đèn có thể đến từ đèn đường, đèn phương tiện qua lại, đèn plash máy ảnh hoặc thậm chí là do đèn pin của nhóm người nào đó đang ở bên trong ngôi nhà tình cờ rọi vào.
Thực chất, "bóng ma" chỉ là một cột nhà.
Đi đến tận cùng bí ẩn
Thế nhưng, những giải thích xem chừng rất hợp lý đó vẫn chưa hoàn hoàn thuyết phục được 3 người chúng tôi.
Chúng tôi sau đó đã tìm gặp GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, một chuyên gia về phong thủy - địa lý.
GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, căn nhà có thể nằm trên vùng đất xấu, khí âm vượng.
Giáo sư Thịnh nói căn nhà "vô cùng đắc địa", nhưng ông cũng cho rằng, có thể do lối kiến trúc không đẹp, cổ xưa nên đã cản trở nhu cầu con người hiện đại muốn chuyển về sử dụng.
"Tôi cũng chưa làm một nghiên cứu nào cụ thể, nhưng dựa vào thực tế quan sát và các thông tin tìm hiểu được, có thể thấy rằng, căn nhà này không loại trừ khả năng nằm ở thế đất xấu, khí âm vượng, khiến con người sống trên đó luôn có cảm giác mệt mỏi", GS Thịnh nói.
Theo lời giải thích của ông, trái đất cũng giống như một cơ thể sống có điểm mạnh (khí dương vượng) và điểm yếu (khí âm vượng).
Những địa điểm tụ khí dương (đất lành) nếu nhỏ thuân cho xây cất nhà cửa, lớn hơn làm làng mạc, thôn xóm. Còn nếu rất vượng và rộng rãi thì thậm chí có thể được chọn làm kinh đô.
Ngược lại, những nơi vượng khí âm (đất dữ) thường được chọn làm bãi tha ma, nghĩa trang và đặc biệt không thuận để con người sinh sống và cũng chẳng ai muốn sống trên đó.
Đồng quan điểm, TS Vũ Bằng (Phó Viện trưởng Viện Nước và công nghệ môi trường) cũng đặt giả thiết, căn nhà trên nằm ở phần đất xấu, hay nói theo khoa học là có tia đất xấu.
TS Vũ Bằng và chiếc máy đo tia đất của mình.
TS Bằng là người sáng chế chiếc máy đo tia đất, các thông số trên máy có thể biết được tương đối khu vực đất là lành hay dữ. Ông cũng hứa sẽ cùng chúng tôi đi kiểm chứng lại lần cuối về tia đất ở khu vực nhà 300 Kim Mã.
Tiếp tục hành trình đi giải mã sự bí ẩn, sau nhiều công sức tìm kiếm, chúng tôi đã tìm gặp được ông Chu Văn K., 50 tuổi, trú tại phố Đội Cấn.
Ông K. là trường hợp nghiện ma túy duy nhất còn sống sót trong đám bạn cùng trang lứa, sau khi cơn bão "cái chết trắng" càn quét quà Hà Nội những năm 90 của thế kỷ trước.
Người đàn ông này tự nhận là người đã tạo ra những tiếng động lạ trong căn nhà 300 Kim Mã năm xưa.
Theo lời người đàn ông này, nhiều năm trở về trước, do nhu cầu cần một địa điểm để chích hút ma túy, nhóm bạn ông đã chọn căn nhà bỏ hoang 300 Kim Mã để làm "bãi đáp".
Do thời đó, điện đóm còn chưa nhiều, nên khi chích thì ánh đèn leo lét từ những mồi thuốc, cộng với tiếng rên rỉ khi đang "phê", cùng những bóng người gầy guộc run rẩy hắt trên cửa sổ đã khiến người qua đường chú ý.
Một đồn mười, mười đồn trăm và câu chuyện ma mị đã xuất phát từ đó.
Việc này vô hình chung đã giúp ích cho nhóm thanh niên nghiện ngập có một địa điểm lý tưởng để "hành sự" mà chẳng cần lo lắng người lạ lai vãng tới.
"Lâu lâu, chúng tôi lại cố tình tạo ra những tiếng động như chạy nhảy, xô đẩy và cười đùa để gây hoảng sợ cho người xung quanh, mong họ tránh càng xa càng tốt", ông K. nói.
Mặc dù, chẳng ai có thể kiểm chứng được những lời kể trên của người đàn ông trong bộ dạng da bọc xương này là đúng sự thật, nhưng ít nhất, chúng tôi cuối cùng cũng đã có cơ sở để chạm đến tận cùng của những sự bí ẩn.
Như vậy, tất cả những câu chuyện đồn thổi, phủ bóng đen bí ẩn lên căn nhà 300 Kim Mã suốt hàng chục năm qua, đều đã bị phản bác trong hành trình tìm kiếm sự thật về ngôi nhà này của chúng tôi...