Sau đỉa, ốc bươu vàng, sừng trâu… thương lái nước này một lần nữa gây ngạc nhiên khi tạo nên “cơn sốt” cỏ.
30.000 đồng/kg cỏ gấu
Cây cỏ gấu có tên khoa học là Cyperus rotundus, thuộc họ Cói - Cyperaceae, người dân miền Trung còn gọi là củ gấu, hay cò cú hoặc hương phụ.
Đây là loại cỏ mọc hoang nhiều ở vùng ven biển Nghệ An. Loại cỏ này bỗng dưng trở nên hiếm bởi sự truy lùng của người dân địa phương.
Cỏ gấu tuy là một loại cỏ nhưng sống lâu năm. Chúng cao 20 - 60cm, thân rễ phát triển thành củ, tùy theo đất rắn hay xốp củ phát triển to hay nhỏ. Lá nhỏ hẹp, ở giữa lưng có gân nổi lên, cứng và bóng, phần dưới lá ôm lây thân cây.
Ông Hoàng Trung Cường ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu cho biết: “Loại cỏ này thường nở hoa vào tháng 6 khi thời tiết nắng nóng.
Trên ngọn cây có 3 đến 8 cụm hoa hình tán màu xám nâu, hoa lưỡng tính, 3 nhị dài chừng 2mm, nhụy có đầu núm chia thành 2 nhánh như lông tơ. Quả 3 cạnh màu xám. Trước đây loại cỏ này mọc hoang đầy rẫy người dân không buồn nhổ.
Nhưng gần đây, chúng được săn lùng. Thật lạ, bỗng dưng cỏ trở thành món hàng hóa khiến người nông dân bỏ công việc khác đổ ra bờ đê, bãi cát, cánh đồng nhổ tận gốc đem đi bán”.
Địa bàn các xã ven biển huyện Diễn Châu là nơi “sốt” cỏ gấu nhất. Tại đây, những ngày cuối tháng 11 này, khi chưa vào vụ Đông, người ta thấy từng tốp phụ nữ rủ nhau ra đồng đào bới cây cỏ gấu. Các bãi cát, cửa sông là nơi mọc nhiều loại cỏ này.
“Sau vài tuần nhổ, cây cỏ gấu cũng bắt đầu khan hiếm. Chúng mọc nhiều ở các bãi cát ven biển, các cửa sông, cửa lạch nhưng giờ hầu như không còn.
Nhiều chị em đã đi sang các xã khác, thậm chỉ các huyện lân cận để tìm nhổ”, chị Hồ Thị Bảy ở Diễn Vạn cho biết.
Cỏ gấu thường mọc thành từng đám nên nếu phát hiện ra thì việc thu hoạch không có gì khó khăn. “Chỉ cần một cái cuốc loại nhỏ hoặc liềm là có thể đào được cả rễ cây. Nếu ai chăm chỉ và gặp “thổ” thì mỗi ngày có thể thu hái đến 30 kg cỏ”, chị Bảy nói thêm.
Cây cỏ gấu sau khi đào bới được chất từng đống, phơi dọc các tuyến đê biển và các ngõ. Sau đó, nếu số lượng lớn thì xe tải các đại lý chạy đến thu mua, còn nhỏ lẻ thì do người dân mang về đưa đến các đại lý bán” - chị Bảy kể.
Không dừng lại ở việc tìm kiếm cỏ gấu trên phạm vi địa bàn huyện mình sinh sống mà thậm chí, một số tốp người huyện Diễn Châu còn tràn sang cả các huyện lân cận để đào bới mang về bán.
Chị Bảy là một trong những người đi đào cây cỏ gấu từ khi loại cỏ này bắt đầu “sốt”. “Phải đến gần Tết Âm lịch, vụ Đông mới bắt đầu thế nên nhiều phụ nữ như chúng tôi tranh thủ lúc nhàn rỗi đi đào cây cỏ gấu, phơi khô đem đi nhập.
Mỗi ngày nếu làm chăm chỉ mỗi chị em cũng kiếm được từ 150 – 200 nghìn đồng. So với việc buôn hoa quả, đi bán rơm, thì việc đào cỏ gấu thoải mái và nhẹ nhàng hơn nhiều”.
Hiện, phong trào săn lùng cỏ gấu đã lan sang các xã Quỳnh Thuận, Tiến Thủy, Quỳnh Phương thuộc huyện Quỳnh Lưu.
Chị Nguyện Thị Lành, ở Quỳnh Lưu cho biết: “Ban đầu thấy người lạ đến đào cỏ chúng tôi thấy lạ. Nhưng rồi, cùng với đào, họ thu mua cỏ nên chúng tôi cũng tranh thủ thời gian đi đào cỏ về nhập”.
Không biết thương lái Trung Quốc mua về làm gì?
Cây cỏ gấu.
Theo lời chị Bảy, các chị nhập cỏ khô cho một người ở huyện Nghi Lộc ra thu mua. “Nghe họ nói người này nhập lại cho thương lái người Trung Quốc. Giá chúng tôi nhập lại cho đầu nậu thu mua giao động từ từ 25 -30 ngàn/kg.
Việc người Trung Quốc mua về làm gì thì chẳng ai biết được. Chúng tôi có nghe nói cây cỏ gấu này sử dụng làm thuốc. Thế nhưng chưa lúc nào thấy nhu cầu lại lớn như hiện nay".
Theo số điện thoại chỉ Bảy cho, chúng tôi liên hệ với đầu nậu tên Đạt, quê ở huyện Nghi Lộc. Anh Đạt cho biết: “Người Trung Quốc đặt mua loại cỏ này mới được vài tháng trở lại đây. Tôi cũng không rõ họ mua về làm gì, chỉ đoán là làm thuốc chữa bệnh.
Cứ vài tuần là chúng tôi gom được đầy xe và chuyển qua cho họ qua Cửa khẩu Lạng Sơn. Việc các thương lái Trung Quốc thu mua các nông sản lạ như rễ cây, ốc bươu, đỉa trước đây có thể làm ảnh hưởng đến giống cây, ảnh hưởng đến môi trường thủy sinh.
Họ đặt vấn đề chúng tôi còn e ngại, nhưng việc họ mua loại cỏ mọc hoang mà, người dân trước đây còn nhổ tận gốc không cho mọc thì không phải lăn tăn gì cả”.
Bà Nguyễn Bạch Linh, khối 3 thị trấn Diễn Châu, Chủ tiệm thuốc y học dân tộc Linh Thu tiết lộ: “Thường thì các hiệu thuốc chúng tôi mua hương phụ (tên thảo dược của cây cỏ gấu) của người dân đi lấy về nhưng chỉ với số lượng ít thôi vì đây không phải là cây thuốc độc vị.
Với cây hương phụ thì nó chỉ đi kèm với các vị thuốc khác thôi”.
"Thi thoảng chúng tôi mới nhập một lần. Và các hiệu thuốc thường chỉ mua với giá từ 20-30 ngàn/kg, tùy loại đẹp xấu. Số còn lại dân đi lấy về rồi bán cho các đầu nậu, đại lý thu mua và bán cho Trung Quốc.
Có thời điểm, chúng tôi vẫn phải mua từ các đại lý", bà Linh cho biết thêm.
Việc thương lái Trung Quốc liên tiếp trong vài năm trở lại đây thu mua những mặt hàng nông sản một cách kỳ lạ, nhưng lần thu mua cỏ gấu đang gây sốt ở Nghệ An được coi là kỳ lạ nhất.
Cây cỏ gấu có vị cay, hơi đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng hành khiếu, khai uất, thông kinh, tiêu sưng giảm đau.
Vị cỏ gấu sao tẩm khác nhau có tác dụng khác nhau và cách chữa bệnh khác nhau. Cỏ gấu dùng sống có tác dụng giải cảm. Tác dụng lợi tiểu, điều kinh, trị giun, làm ra mồ hôi, làm se và kích thích.