Khó hiểu những hàng "lạ" mà thương lái Trung Quốc thu mua

Y. Dương |

Nhiều người dân đổ xô gom những mặt hàng "lạ" để bán cho thương lái Trung Quốc, chẳng hạn như: lá khoai lang, là điều non, rễ tiêu sống, bông thanh long, sầu riêng non, ốc bươu vàng, lá và ngọn sắn...

Theo đó, có một điều không ai biết đó là mục đích thu mua những mặt hàng đó là gì. Có một điểm chung trong tất cả những "cơn sốt" thu gom hàng "lạ" ồ ạt đó là thương lái Trung Quốc trả giá khá cao, thu gom số lượng lớn rồi bỗng nhiên ngừng mua hoặc biệt tăm. Ngoài ra, hầu như các cuộc mua bán đó đều theo hợp đồng miệng nên người nông dân khi bị thiệt hại chẳng biết kêu ai.

Từ cuối tháng 4/2014, người dân xã Ia Blang (huyện Chư Sê, Gia Lai) truyền tai nhau thông tin thương lái Trung Quốc mua gốc và rễ hồ tiêu sống với giá cao.

Theo thông tin trên tờ Nông Nghiệp Việt nam, tại thôn 4, xã Ia Blang (Chư Sê), ông Mai Xuân Dũng tổ chức gom rễ và gốc hồ tiêu bán cho thương lái. Ông Dũng cho biết: “Người ta mua chỉ mua rễ sống, không tróc da, còn rễ chết người ta không mua. Theo nhận xét của tôi thì tiêu chết rồi là không còn chất gì nữa”. Mặc dù là người trực tiếp đứng ra thu mua rễ cây hồ tiêu từ các hộ dân nhưng ông Dũng vẫn không biết thực chất mục đích việc thu mua để làm gì, mà chỉ biết mang máng là người ta mua về để làm thuốc.

Người dân thu gom rễ tiêu chờ bán cho thương lái người Trung Quốc. (Ảnh: Lao Động)
Người dân thu gom rễ tiêu chờ bán cho thương lái người Trung Quốc. (Ảnh: Lao Động)

Trên tờ Lao Động, ông Mai Xuân Dũng cho biết, mình chỉ nghe theo sự dẫn dắt của ông Lê Thành Thiết và ông Nguyễn Ngọc Thúy (cùng trú P.Tây Sơn, T.P Pleiku) dưới sự đặt hàng của một thương lái người Trung Quốc - tên A Trung, số ĐTDĐ: +8613557379...).  Cũng theo nguồn này, ông Kpă Thuyên (Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai) khẳng định, nhằm ngăn chặn triệt để việc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống, Sở NNPTNT đã phối hợp với CA, UBND huyện Chư Sê giám sát những địa phương đang xảy ra hiện tượng đào bới để kịp thời ngăn cản.

Tháng 6/2014, thương lái Trung Quốc thu mua bông thanh long với giá 3.500 đồng/kg tại Bình Thuận. Đáng nói, thương lái chỉ thu mua bông thanh long trước khi nở một ngày, không phân biệt lớn nhỏ, và không lấy bông đã nở. Theo thông tin trên tờ Zing, ông Nguyễn Văn Bảo, người trồng thanh long tại xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) cho rằng, ông không biết mục đích thật họ mua bông để làm gì, chỉ nghe người mua bảo là làm thuốc. Ngay đến cả người thu mua cũng không biết hàng chục tấn bông thanh long này sẽ được chở đi đâu, chỉ biết đầu nậu là người Trung Quốc.

Còn nhớ, tháng 2/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân không bán lá khoai lang cho thương lái người Trung Quốc bởi đây là hình thức kinh doanh rất bất thường. Đây là thông tin trên tờ Tuổi Trẻ. Theo đó, ông Lê Văn Trung (chủ nhiệm hợp tác xã rau an toàn Thành Lợi ở huyện Bình Tân) cho biết, các thương lái (cả người Việt và người Trung Quốc) đặt hàng mua 20 tấn lá khoai lang với giá 10.000 đồng/kg. Cũng có thương lái đến gặp trực tiếp nông dân hỏi mua lá khoai lang tươi khi chưa thu hoạch củ chứ không chịu mua lá khoai sau khi thu hoạch.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết nếu cắt lá sớm thì năng suất khoai lang sẽ giảm tới 50%. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Các chuyên gia nông nghiệp cho biết nếu cắt lá sớm thì năng suất khoai lang sẽ giảm tới 50%. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ngoài những mặt hàng thu mua có phần lạ đời như trên thì theo báo giới trong nước, thương lái Trung Quốc còn tạo ra những "cơn sốt ảo". Đó là thu mua với nông sản với số lượng lớn, đẩy giá cao khiến bà con đổ xô vào trồng hoặc buôn.... Đến khi thương lái ngừng mua thì bà con bỗng chốc vỡ nợ, giá loại nông sản đó rớt thê thảm, có khi còn không ai mua.

Có thể kể đến tình trạng người dân ngậm đắng với củ khoai lang và ớt. Tháng 6/2014, tờ Dân Việt đã phản ánh tình trạng một số thương lái Việt móc nối với thương lái Trung Quốc đẩy giá khoai lang lên cao chót vót, có lúc lên hơn 1 triệu đồng/tạ (mỗi tạ ở đây bằng 60kg, theo cách tính của nông dân nhiều tỉnh ĐBSCL). Điều này khiến cho phong trào nhà nhà, người người đổ xô bỏ ruộng lên liếp trồng khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và một số địa phương lân cận. Nhiều người còn đứng ra thuê đất để liên liếp trồng khoai, khiến cho diện tích trồng khoai lang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có lúc lên đến hàng chục ngàn ha.

"Sau khi nông dân đã “dính chàm” đổ xô trồng khoai lang thì cánh thương lái người Việt cùng với thương lái Trung Quốc bắt đầu làm eo (làm khó), khiến cho giá cả và đầu ra của mặt hàng này gặp vô vàn khó khăn. Đặc biệt là giá khoai lang trồi sụt thất thường, rớt giá thê thảm có lúc tuột xuống chỉ còn 180.000 - 200.000 đồng/tạ (khoai đẹp), nhưng tìm đỏ mắt cũng chẳng ai mua"- tờ Dân Việt viết.

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định trên tờ Pháp luật TP.HCM: "Ở đây thương lái Trung Quốc đã tạo ra nguồn cung ảo, cầu ảo và loại cung ở đây là không có giá trị. Trường hợp lá khoai lang sẽ giống với trường hợp đọt và lá khoai mì năm 2013. Sau khi thương lái nước ngoài thu mua với giá cao, nông dân đổ xô mở rộng diện tích trồng khoai mì. Hậu quả đầu tiên là doanh nghiệp trong nước không mua được nguyên liệu khoai mì. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các chiêu bài dụ nông dân tập trung sản xuất loại nông sản đó dẫn đến tình trạng dư thừa, không thể tiêu thụ. Tiếp đó các thương lái sẽ ép giá và mua rẻ".

 (Tổng hợp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại