Nghi án “nhận hối lộ 16,5 tỷ”: Bộ Công an cần khởi tố vụ án

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Nói về nghi án “nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng” đang thu hút sự chú ý của dư luận, ông Trần Quốc Thuận cho rằng Bộ Công an cần phải khởi tố vụ án để điều tra ngay.

>>> Đang kiểm tra “cáo buộc” quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng
>>> Luật sư phân tích về cáo buộc quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ
>>> Vụ "hối lộ 16,5 tỷ": Dừng công tác Giám đốc BQL Dự án đường sắt
>>> Nghi án “nhận hối lộ 16 tỷ”: Chuyển công tác cũng phải giải trình

Liên quan đến nghi án “nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng" trong ngành đường sắt, chiều 23/3, Bộ GTVT đã có cuộc họp khẩn và cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để cung cấp thông tin và phối hợp xử lý khi có những thông tin tiếp theo.

Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã quyết định dừng công tác đối với ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Quản lý Dự án đường sắt để báo cáo giải trình những công việc có liên quan đến vụ việc này. Trước những diễn biến như vậy, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh những thông tin này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về như thế nào cách xử lý thông tin của Bộ GTVT trong nghi án “nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng” sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí?

Luật sư Trần Quốc Thuận: Trước những thông tin báo chí đăng tải như vậy mà Bộ GTVT với tư cách là Bộ chủ quản làm quyết liệt như vậy là rất đáng hoan nghênh. Và nếu làm thì phải làm đến nơi, đến chốn chứ không thể làm nửa vời được, đứt đoạn được.

Ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiêm Văn phòng Quốc hội
Ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiêm Văn phòng Quốc hội

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc tạm dừng công tác GĐ Ban Quản lý Dự án đường sắt trong bối cảnh hiện nay?

Luật sư Trần Quốc Thuận: Tôi cho rằng việc dừng công tác để viết kiểm điểm là một việc làm bình thường. Việc này khác với việc tạm đình chỉ công tác. Tạm đình chỉ áp dụng khi người bị tạm đình chỉ có dấu hiệu phạm tội. Còn việc tạm dừng công tác được hiểu là: bây giờ anh tạm dừng công việc thường ngày đi để anh dành thời gian để giải trình cho nó đầy đủ và dứt điểm đi. Việc làm đó là đúng pháp luật và quy trình bình thường trong hành chính.

PV: Còn việc Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thanh tra Bộ thành lập các đoàn thanh tra, thanh tra tất cả các dự án mà JTC đã và đang tham gia, trước mắt là các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt thì sao, thưa ông?

Luật sư Trần Quốc Thuận: Việc thanh tra cũng là một hoạt động thường xuyên không chỉ để phát hiện ra tiêu cực mà còn có tác dụng ngăn ngừa tiêu cực xảy ra. Còn việc điều tra vụ việc là của cơ quan chức năng và cơ quan chủ quản phải chủ động phối hợp với cơ quan điều tra.

PV: Có một điểm khá đặc biệt là vụ việc này được bắt đầu bởi thông tin từ nhật báo Yomiuri Shimbun. Còn nhớ, vụ án liên quan đến Đại lộ Đông – Tây ở TP. Hồ Chí Minh trong đó một vị quan chức đã phải nhận án chung thân về tội Nhận hối lộ cũng xuất phát từ nhật báo này. Theo ông, trong việc xử lý thông tin lần này, các cơ quan chức năng Việt Nam cần chú ý điều gì?

Luật sư Trần Quốc Thuận: Qua việc này, Việt Nam cần tích cực khuyến khích báo chí tham gia vào công cuộc chống tham nhũng. Ngoài ra, nhiệm vụ chống tội phạm tham nhũng trước nhất thuộc về các cơ quan điều tra. Và trong vụ việc này, cơ quan công an Việt Nam, trước những thông tin mà báo chí đưa ra như vậy, hoàn toàn có quyền khởi tố vụ án.

PV: Ý ông là, với những thông tin từ báo chí Nhật Bản và Việt Nam đã đăng tải, Bộ Công an nên vào cuộc ngay từ bây giờ?

Luật sư Trần Quốc Thuận: Đúng như thế. Tôi cho rằng Bộ Công an, Viện Kiểm sát phải vào cuộc ngay và khởi tố vụ án để điều tra, sau đó, nếu tìm ra người nhận hối lộ thì khi đó mới khởi tố bị can.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại