Nghề lạ kiếm tiền triệu trong “thành phố chết” ở Huế

Phan Trang |

Bỏ tiền ra để xây dựng những ngôi mộ tiền tỷ nhưng không có điều kiện chăm sóc nên nhiều gia đình đã phải thuê người ngoài lau chùi, rửa dọn.

Thành phố của người âm

Nhiều năm trở lại đây, vùng quê Mỹ Lợi (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) ồ ạt mọc lên những ngôi mộ lớn được xây dựng quy mô, hoành tráng với giá trị lên đến vài tỷ đồng khiến cho những người đi qua đây không khỏi ngỡ ngàng.

Sau một thời gian dài thì số lượng ngôi mộ tiền tỷ như thế trong vùng ngày càng nhiều đến nỗi người dân phải đặt cho nó với một cái tên là “thành phố lăng mộ” hay “thành phố chết”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ nhân của những ngôi mộ này đều là những Việt kiều đang sinh sống và làm ăn ở nước ngoài. Họ bỏ tiền túi của mình ra sau đó gửi về quê hương để đầu tư, xây dựng mộ cho ông bà, tổ tiên.

Bởi theo quan niệm của những người dân ở đây thì “sống gửi, thác về” hay “hiếu nghĩa với ông bà tổ tiên” thì mới được phù hộ cho mình “ăn nên làm ra” được, mộ càng xây to, xây đẹp bao nhiêu thì có được tài lộc bấy nhiêu.


Thành phố chết có nhiều ngôi mộ được xây dựng cầu kỳ, hoành tráng

"Thành phố chết" có nhiều ngôi mộ được xây dựng cầu kỳ, hoành tráng

Cứ thế, những ngôi mộ đắt tiền mọc lên như nấm sau mưa, ngôi sau đồ sộ, hoành tráng hơn ngôi trước.

Anh Trần Bảo, một thợ xây cho biết: “Tôi làm nghề này chưa bao giờ sợ hết việc để làm cả. Hầu như lúc nào cũng có người tới thuê xây lăng mộ cho gia đình họ.

Tính đến giờ, suốt 20 năm trong nghề, tôi đã nhận tất cả hơn 300 công trình xây lăng mộ ở đây.

Mỗi ngôi như thế đều có giá ít nhất từ vài trăm triệu đồng trở lên. Có nhiều ngôi có tổng kinh phí xây dựng tất cả vào koảng 2 - 3 tỷ đồng.

Đặc biệt quá trình xây lăng mộ đòi hỏi sự công phu hơn xây dựng nhà cửa nhiều vì phải trang trí hoa văn làm sao cho đẹp nên để hoàn thiện một ngôi mộ như thế có khi mất hơn 1 năm trời”.

Bỏ một số tiền lớn để xây những ngôi mộ như thế, nhưng sau một thời gian thì hầu như tất cả người thân của chủ nhân những ngôi mộ này đều sang nước ngoài sinh sống.

Bình thường, mỗi năm, họ chỉ có thể trở về thăm quê một lần thậm chí không về lần nào khiến cho những ngôi mộ tiền tỷ không ai chăm sóc, hương khói mà trở nên rêu phong đi theo thời gian.

Nếu còn có người thân ở quê thì họ cũng đã già cả không còn đủ sức khỏe để làm công việc này nữa. Thế nên họ đành chấp nhận thuê người ngoài làm giúp.

Cũng từ đây, một nghề nghiệp mới mà người dân trong vùng vẫn thường quen gọi với cái tên “nghề rửa mộ” ra đời và thịnh hành.

Nghề thu bạc triệu…

Ông Lương Đô (82 tuổi, ngụ xã Vinh Mỹ, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết: “Tính đến nay thì tôi đã có 20 năm làm công việc rửa mộ này.

Hồi trước nghề chính của tôi là thợ xây nhưng công việc này tương đối vất vả nên khi thấy người ta thuê lau chùi, dọn dẹp mộ thì tôi nhận làm và gắn bó với nghề này luôn.

Không dễ gì để người ta thuê mình rửa mộ cho đâu vì họ rất coi trọng chuyện liên quan đến tâm linh. Người làm phải có trách nhiệm với công việc.

Trước đây, tôi thường là người đứng ra lau chùi những ngôi mộ trong dòng tộc. Khi nhìn thấy tôi tỷ mẩn trong công việc nên họ thuê tôi làm.

Mãi rồi cũng thành quen nên bây giờ cứ gần Tết là họ lại tìm đến nhà để thuê tôi”.

Ông Lương Đô, người có thâm niên 20 năm làm nghề rửa mộ.
Ông Lương Đô, người có thâm niên 20 năm làm nghề rửa mộ.

Cũng theo lời ông Đô, những công việc chính trong nghề rửa mộ là lau chùi, dọn rửa cho khuôn viên trong lăng mộ được sạch sẽ, đồng thời cạo những lớp rong rêu bám trên các bức tường của ngôi mộ. Sau đó thấy chỗ nào lớp sơn bị bong tróc thì sơn sửa lại.

Nghe qua tưởng chừng như công việc này tương đối dễ dàng nhưng thực ra không dễ gì có thể làm được theo đúng như ý muốn của chủ nhân những ngôi mộ này.

Người làm đòi hỏi phải có tính cẩn thận, nhẫn nại và chịu khó để làm sạch từng chi tiết một trên các thiết kế hoa văn tinh xảo được khắc trên bức tường và cổng vào lăng mộ.

“Để dọn rửa sạch những ngôi mộ như thế phải mất 4 đến 5 ngày mới xong. Có những ngôi mộ lớn thì cần thời gian dài hơn nữa.

Bởi vậy mà có những người không chịu khó chỉ làm qua loa, không vừa lòng khách hàng thì sau này không còn ai thuê nữa rồi bỏ nghề luôn.

Thế nên đến bây giờ, số lượng người gắn bó với công việc này cũng rất ít. Chỉ có khoảng tầm trên dưới chục người. Đa phần là những người già như tôi.

Hồi trước thấy công việc này làm tiền công được trả cũng khá nên nhiều người tham gia lắm”, ông Đô chia sẻ.

Được biết, khi hoàn thành công việc đạt yêu cầu, người thợ rửa mộ sẽ nhận được trung bình từ 1 đến 2 triệu đồng tiền công cho mỗi ngôi mộ.

Với những ngôi mộ có diện tích lớn hơn thì số tiền công nhận được cũng theo đó tăng lên.

Tính ra, mỗi tháng nếu chăm chỉ, một người thợ làm nghề rửa mộ này có thể nhận được một số tiền không nhỏ, gấp nhiều lần so với công việc đồng áng hay đi biển mà người dân nơi dây vẫn thường làm. Tuy nhiên, công việc này chỉ tồn tại theo mùa vụ mà thôi.

… nhưng chẳng dễ “xơi”

Cho dù như thế nhưng nhận thấy nguồn thu nhập lớn như thế nên nhiều người đã bỏ vốn đầu tư để mua các máy móc hiện đại về phục vụ cho công việc.

Chỉ về chiếc máy bơm nước có vòi xịt công suất cao, anh Trương Bảo (37 tuổi, một người làm nghề rửa mộ) cho hay: “Trước đây, công việc này chỉ làm thủ công nên hiệu quả không cao và lại mất nhiều thời gian.

Thấy thế nên tôi mới quyết định bỏ ra 6 triệu đồng để mua chiếc máy này về sử dụng. Nếu như trước đây phải mất tới 4, 5 ngày mới rửa xong một ngôi mộ thì với chiếc máy này tôi chỉ mất gần 2 ngày là làm xong thôi.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều dùng cái máy này được đâu. Những chi tiết hoa văn nhỏ trong ngôi mộ vẫn phải lau chùi bằng tay thì mới sạch được”.

Công việc này mang lại thu nhập cao nhưng để gắn bó với nó không phải là một điều dễ dàng.

Anh Trương Bảo đầu tư cả máy bơm công suất lớn để phục vụ cho nghề rửa mộ.
Anh Trương Bảo đầu tư cả máy bơm công suất lớn để phục vụ cho nghề rửa mộ.

Người thợ khi được thuê phải xem những ngôi mộ đó như chính ngôi mộ của gia đình, dòng tộc mình.

Chỉ cần một chút bất cẩn hay thiếu trách nhiệm làm bong tróc một vài chi tiết trên vảy rồng, lông phụng là xem như ngày làm việc đó công cốc, có khi còn phải bù thêm tiền vào để chỉnh sửa lại ngôi mộ trở về như cũ.

Nghề gì nghiệp nấy thôi. Cái gì cũng có cái khó của nó cả. Không phải dễ gì mà người ta trả một số tiền công lớn như thế cho công việc này đâu. Ai có làm rồi thì mới hiểu được hết, phải đội nắng, dầm mưa suốt ngày.

Như tôi đây, ngày đầu tiên vào nghề vì dầm phải hơi nước nên bị ốm đến thập tử nhất sinh.

Thấy tôi bị như thế vợ tôi lo lắng lắm. Cô ấy bảo bỏ công việc này đi nhưng cũng vì miếng cơm manh áo mà tôi vẫn gắn bó với nó đến tận bây giờ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại