Món ăn từ con vật vừa xấu vừa hôi "hạ gục" dân nhậu

B. Bình |

Thịt dơi là món đặc sản quý hiếm, không phải nơi nào cũng có. Nhờ ăn toàn trái cây nên thịt dơi rất ngon, ăn rất mát và bổ.

Loài dơi có nhiều loại như dơi quạ, dơi sen, dơi chó, dơi hương…

Còn ở miền Tây, người ta phân biệt hai loại dơi chính là dơi sen và dơi quạ. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột.

Theo lời truyền tụng của người dân nơi đây, hai loại dơi này đều xấu và hôi, nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm.

Người dân miền Tây chỉ thường ăn dơi quạ, vì dơi quạ to con, lợi thịt, nhiều huyết. Căng một con dơi quạ lớn ra, từ đầu cánh này sang đầu cánh kia có thể dài đến một sải tay. Thui lông đi rồi, con này to chừng con gà mái tơ.

Còn dơi sen là giống dơi mà người ta vẫn thường thấy chiều chiều bay chập chờn trên thành phố hay đồng quê bắt muỗi. Giống này nhỏ, chỉ hơn con chim sẻ một chút và có tiếng là hôi hơn quạ nhiều.

Loài dơi thường sống thành bày đàn. Ảnh: VTV

Người dân ở đây bảo rằng, dù là dơi sen hay dơi quạ, một khi làm thịt mà bỏ mấy cục xạ đi rồi, thì thịt cũng thơm phưng phức, hấp dẫn đáo để.

Trời nóng, ăn không được, muốn đổi món cho lạ miệng thì làm bát cháo dơi mà ăn, mát ruột mà lành. Song đã ăn dơi thì phải có rượu, theo miêu tả trên tờ Đất việt.

Cũng theo thông tin trên tờ này, dơi quạ là loài dơi to nhất (mỗi con nặng cả ký và khi bay giang cánh ra dài cả 2 mét), lại sống bằng cách hút mật bông sầu riêng, ăn chôm chôm chín nên được "mệnh danh" là thịt đại bổ.

Dơi quạ chỉ xuất hiện hai lần trong một năm. Lần đầu là đúng vào mùa sầu riêng trổ bông và lần thứ hai vào khoảng Tết Ðoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) - mùa chôm chôm chín.

Theo miêu tả trên tờ Lao động, loài dơi thường sống thành bầy đàn, ăn trái cây vườn, khoảng chập tối, người ta chuẩn bị dơi mồi, lưới vợt, giỏ đựng để đi săn bắt chúng.

Nếu chưa có dơi mồi thì phải chọn người biết cách thổi để dẫn dụ dơi đến. Người thổi phải có hơi dài và biết kỹ thuật thổi. Thường dùng lá mì hoặc lá cầy mỏng có độ đàn hồi, dùng hai bàn tay kẹp lá mì chụm lại thổi, bắt chước tiếng dơi kêu.

Khi bắt được dơi bỏ vào giỏ đựng đem về làm thịt cũng phải khéo léo khi lấy ra kẻo dơi cắn vào tay chảy máu.

Trước khi làm thịt, dơi được cắt tiết; huyết dơi có tính hàn, uống rất mát, thường dùng pha với rượu uống. Với dân nhậu, uống được rượu huyết dơi là đã hơn nhiều so với rượu huyết dê hay huyết rắn,...

Một số món phổ biến được chế biến từ dơi:

Dơi nướng chao: Khi chế biến món này, phải chặt bỏ hai cánh và đầu. Lấy hai cục xạ trắng cứng dưới nách liệng bỏ, lột bỏ da và bộ lòng, ướp dơi với nước tương, chao đỏ, rượu, dầu mè, dầu hào, bột ngọt, tiêu và mè cho thấm.

Sau đó cho dơi lên bếp lửa than, nướng vàng đều. Vừa nướng vừa thoa mỡ cho dơi không bị khô. Dơi chín, từng miếng thịt dơi vàng rộm, giòn, thơm ăn một lần sẽ không thể nào quên được.

Món dơi nướng chao. Ảnh: Đất việt

Dơi xào lăn: Để có món này chỉ cần làm sạch dơi rồi chặt từng miếng nhỏ xào với sả, ớt.

Cháo dơi nấu đậu xanh: Đây được coi là món ngon và bổ dưỡng hơn cả.

Dơi được để nguyên con khi nấu cháo, chỉ băm cánh, đầu sau khi chao dầu ăn với tỏi cho thơm, sau đó hầm chung “thân dơi” cùng với gạo, đậu xanh cà, nấm, gừng, hành lá và nêm nếm cho vừa miệng. 

Ngoài ra, dân nhậu miền Tây còn có thể thưởng thức món dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt...

Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại